Xây trường cho nữ sinh nghèo

GD&TĐ - Chứng kiến nhiều trẻ em gái phải bỏ học vì thiếu lớp, ông đã tự nguyện quyên góp hàng nghìn mét vuông đất để xây trường.

Khuôn viên trường nhìn từ trên cao.
Khuôn viên trường nhìn từ trên cao.

Không chỉ giúp các em nhỏ được học hành, ngôi trường đã hạn chế nạn tảo hôn và bất bình đẳng trong giáo dục địa phương.

Quyên đất xây trường

Ông Jameendar Babasaheb sinh ra trong một gia đình quý tộc nổi tiếng ở làng Sagroli, bang Maharashtra miền Tây Ấn Độ. Ngôi làng này vốn nghèo khó, gần như không có trường học. Các bé trai thường được gửi đi học ở những thành phố khác trong khi nữ sinh không được đến trường.

Tình trạng này đã diễn ra qua biết bao nhiêu thế hệ người dân Sagroli. Chính ông Babasaheb, dù giàu có, cũng chỉ có thể cho các con trai đi học trường tiểu học nhỏ trong làng còn con gái phải ở nhà cùng mẹ học may vá, thêu thùa.

Mong muốn con gái cùng bạn bè được đến trường, ông Babasaheb đã đến thăm các địa phương khác tại Ấn Độ, từ những nơi giàu có đến vùng đất khó khăn, để tìm hiểu về phương pháp giáo dục cho trẻ em gái.

Trong một lần đến thăm Pune, thành phố lớn thứ 2 tại bang Maharashtra, ông Babasaheb có cơ hội trò chuyện với thầy giáo Maharshi Karve, người đi tiên phong trong việc giáo dục trẻ em gái ở bang Maharashtra.

Được thầy giáo Maharshi truyền cảm hứng, ông trở về nhà, quyên tặng 100 ha đất để thành lập trường học dành cho nữ sinh. Năm 1959, Trường Shri Chhatrapati Shivaji ra đời thông qua dự án phi chính phủ Sanskriti Samvardhan Mandal (SSM) do ông Babasaheb thành lập. Dự án nhằm kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện nhằm hỗ trợ trẻ em gái thông qua giáo dục.

Ban đầu, ngôi trường thiếu thốn cơ sở vật chất do nguồn lực còn mỏng. Lớp học là những túp lều nhỏ, có thể chứa khoảng 40 học sinh. Trường chỉ nhận nữ sinh nhưng dần mở rộng phạm vi là học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Dần dần, nguồn lực tăng lên, nhiều tình nguyện viên không quản khó khăn sẵn sàng tham gia giảng dạy đòi hỏi ngôi trường phải mở rộng hơn nữa.

Ông Babasaheb tiếp tục quyên tặng 50ha đất. Ngoài ra, người dân địa phương, được truyền cảm hứng từ hành động của ông Babasaheb, đã cùng nhau ủng hộ thêm 50ha đất.

Ngôi trường giờ đây rộng khoảng 200ha nên có thể mở rộng lớp học, xây thêm khu kí túc xá và các phòng học đa năng, phòng thể chất... Từ đó, chất lượng giáo dục cũng được chú trọng và nâng cao.

Đặt mục tiêu thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa nông thôn và thành thị, ông Babasaheb thường xuyên tìm đến các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện kêu gọi ủng hộ cho trường học.

Ông thuê quảng cáo trên những chiếc xe bus công cộng để giới thiệu về trường và sứ mệnh của trường học. Nhờ đó, cơ sở vật chất của trường được cải thiện, giáo viên được tuyển dụng là người có năng lực chuyên môn. Nhà trường mở thêm kí túc xá dành cho giáo viên để thầy cô yên tâm công tác.

Tiếng lành đồn xa, chương trình giáo dục miễn phí cho tất cả trẻ em kém may mắn đã thu hút học sinh ở các vùng quê lân cận như Marathwada, Vidarbha. Cha mẹ của các em là nông dân, không đủ khả năng trả học phí nên thường quyên góp nông sản để nuôi học sinh.

Khi số học sinh tăng dần, năm 1963, ông Babasaheb đổi tên trường thành Trường Cơ bản Chhatrapati Shivaji, cung cấp chương trình giáo dục phổ thông. Học sinh nhà trường bắt đầu được tham dự các cuộc thi cấp bang và mang về vòng nguyệt quế.

Nữ sinh nhà trường trồng rau ngoài giờ lên lớp.
Nữ sinh nhà trường trồng rau ngoài giờ lên lớp.

Giáo dục nâng cao cơ hội việc làm

Đến năm 2022, trường có 10 ký túc xá, 3 sân chơi rộng lớn với cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại. Kể từ khi thành lập, nhà trường đã chào đón 60.000 học sinh với nhiều hoàn cảnh gia đình đặc biệt. 40% học sinh nhà trường là trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn hoặc gia đình nghèo khó. Các em được học tập và ở miễn phí trong kí túc xá.  

Trong suốt quá trình xây dựng, ông Babasaheb vẫn trăn trở về việc học sinh chưa được tham gia nhiều hoạt động rèn luyện thể chất.

Do nguồn kinh phí chưa đủ vững mạnh, thời gian đầu, nhà trường tập trung vào chất lượng giáo dục văn hóa cho học sinh. Khi nền tảng kiến thức đã ổn định, từ năm 1996, nhà trường mở rộng các hoạt động thể dục, thể thao, khuyến khích học sinh tham gia nâng cao năng lực.

Anh Rohit Deshmukh, cháu trai của ông Babasaheb đồng thời là thành viên ban quản lý trường học, cho biết: Phương pháp giảng dạy của chúng tôi không giới hạn trong các lớp học.

Học sinh được học và thực hành tại chỗ, được tham gia nhiều môn thể thao như bơi lội, trượt băng, bóng đá... cùng với các môn thể thao truyền thống. Nhiều năm liền, đội thể thao nhà trường được tham gia các kì thi cấp bang, quốc gia và giành giải ở nhiều lĩnh vực.

Bên cạnh đó, chương trình giảng dạy của trường cung cấp những khoá học về âm nhạc và đào tạo nghề như nghề rèn, nhuộm màu, mộc, làm bánh, kinh doanh, kỹ thuật điện... Các khoá học giúp học sinh trở nên độc lập hơn, có thể bắt đầu kinh doanh nhỏ.

Bharat Kadam, cựu học sinh nhà trường, cho biết: Cha mẹ tôi là những người nông dân ít học nhưng họ hiểu tầm quan trọng của giáo dục nên đã đăng ký cho tôi vào trường SSM. Trường học đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện tính cách và chuẩn bị cho tôi trước những thử thách trong cuộc sống.

Sáng kiến mở trường cho trẻ em gái đã kéo theo một lợi thế khác trong việc hạn chế nạn tảo hôn. Tại vùng quê nghèo đói, tảo hôn là tệ nạn xã hội nghiêm trọng nhất. SSM đã liên tục can thiệp vào vấn đề này bằng cách tư vấn, tuyên truyền cho phụ huynh về hậu quả của việc kết hôn sớm và kêu gọi phụ huynh cho con gái đến trường.

Tại bang Maharashtra, tỷ lệ tảo hôn cuối những năm 90 là 65 - 75%. Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực của SSM, tệ nạn xã hội này hiện đã giảm gần như bằng không.

Dù ông Babasaheb đã qua đời nhiều năm, các thầy cô giáo cùng đội ngũ quản lý nhà trường vẫn không ngừng duy trì truyền thống giáo dục miễn phí cho trẻ em nghèo và nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục tiên tiến.

“Chúng tôi đang xây dựng các dự án kết nối với cựu học sinh. Những em này sẽ là cố vấn cho học sinh nhà trường để giúp học sinh chuẩn bị tốt cho tương lai và tìm kiếm cơ hội việc làm”, anh Rohit Deshmukh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ