Trường học hạnh phúc là khi học sinh được an toàn, vui vẻ

GD&TĐ- Đối với cô Đỗ Huyền Trang - GV Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân, Hà Nội), khái niệm trường học hạnh phúc rất đơn giản. Đó là khi GV hứng khởi với công việc, mỗi HS đều vui vẻ và an toàn khi tới lớp.

Cô giáo Đỗ Huyền Trang bên các học trò. (Ảnh tư liệu)
Cô giáo Đỗ Huyền Trang bên các học trò. (Ảnh tư liệu)

Chung tay xây dựng ngôi trường hạnh phúc

Thực tế, để có trường học hạnh phúc, trước hết, Ban Giám hiệu nhà trường phải luôn lắng nghe những chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của GV,  , chung sức vì niềm vui của học trò.

Cô giáo Đỗ Huyền Trang chia sẻ: Trong mỗi lớp học, giáo viên thường xuyên trang trí bảng lớp theo chủ đề mỗi tháng tạo nên cảnh quan lớp học vô cùng sinh động và hấp dẫn. Ngay trong từng lớp học, các thầy cô giáo chúng tôi đã tạo được một góc thiên nhiên, giúp giáo viên và học sinh đều cảm giác thoải mái, thư giãn và đầy hứng khởi.

Thầy cô luôn nỗ lực để các em học sinh được học những tiết học hạnh phúc trong những lớp học hạnh phúc. Những giờ học Toán không còn khô khan toàn con số, những tiết Khoa học không còn mang nặng tính lý thuyết thay vào đó các em được trải nghiệm, được sáng tạo.

Ngoài ra, các em còn được tham gia vào các giờ hoạt động trải nghiệm đầy lý thú và bổ ích. Được nghe, được chơi, được thực hành và trải nghiệm cùng bạn bè, thầy cô là những gì mà các em được nhận lấy khi học tập và sinh hoạt tại trường.

Hơn cả những giờ học, các em còn cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, tình yêu bao la từ trái tim người thầy thông qua hòm thư “Điều em muốn nói” – những tâm tư, tình cảm của các em được thầy cô chia sẻ, định hướng nhằm giúp các em được phát triển toàn diện.

“Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trường học phải chuyển sang dạy học trực tuyến, nhưng tập thể CB,GV,NV trong nhà trường luôn phối hợp chặt chẽ với PH hướng dẫn tỉ mỉ, quan tâm đến từng cá nhân HS trong lớp để kịp thời tháo gỡ khó khăn đảm bảo phương châm “Tạm dừng đến trường – Không ngừng học”.

Nhà trường cùng giáo viên các lớp đã phát động ủng hộ phong trào “Máy tính cho em” để kịp thời gửi tặng những chiếc máy tính bảng hỗ trợ học sinh HCKK có đủ phương tiện tham gia học tập trực tuyến, tặng quà cho HS hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Chính những việc làm ấy đã gắn kết tập thể CB, GV, NV trong nhà trường như những thành viên trong đại gia đình lớn mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc mỗi khi nhớ về nhau” – cô Trang cho hay.

Trường học hạnh phúc là khi GV hứng khởi với công việc, mỗi HS đều vui vẻ và an toàn khi tới lớp. (Ảnh tư liệu)
Trường học hạnh phúc là khi GV hứng khởi với công việc, mỗi HS đều vui vẻ và an toàn khi tới lớp. (Ảnh tư liệu)

Nỗ lực vì niềm vui và an toàn của học sinh

Chia sẻ kinh nghiệm khi gặp phải những tình huống giáo dục phức tạp, có thể dẫn tới sự nóng giận, không kiềm chế được hành động lời nói, cô Trang cho hay:

Tôi rất thích câu nói: "Nếu người thầy thực sự tôn trọng, thương yêu học sinh thì chắc sẽ ít nóng giận hơn và nếu có nóng giận cũng ít có hành động không hay hơn! Đó mới là gốc rễ của vấn đề!”.

Chính vì vậy, trong những lúc dạy học, bản thân tôi cũng gặp những tình huống làm mình nóng giận và điều đầu tiên tôi làm đó là tự nói với bản thân phải bình tĩnh, quay lại hít thở thật sâu và nghĩ đây là trách nhiệm của mình. Sau khi bình tĩnh tôi phải đi tìm cách giải quyết những tình huống đó để chính tôi và những em học sinh đó hiểu nhau hơn.           

Đôi khi tôi viết ra giấy những điều tôi muốn nói với em học sinh để khi về nhà các em có thể tự đọc hoặc nhờ người nhà đọc cho em.

Hay có thể giải tỏa sự nóng giận của mình bằng cách tổ chức cho HS tham gia múa hát, tập thể dục hoặc chơi trò chơi để tôi có thể thật sự bình tĩnh hơn. Khi giảm dần được những sự nóng giận thì cô trò chúng tôi sẽ có được những tiết học, ngày học thật hạnh phúc. Kiếm chế nóng giận không dễ nhưng hoàn toàn có thể làm được.

Với cô Trang, trường học hạnh phúc cũng bao hàm ở đó học sinh được an toàn về thân thể, tinh thần. Cụ thể như vấn đề hạn chế và kiểm soát bạo lực học đường, cô Trang nêu ví dụ: Với học sinh Tiểu học còn nhỏ tuổi khi bị bạo lực học đường sẽ cảm thấy sợ hãi, căng thẳng, tâm lý lo lắng và ám ảnh. Có học sinh trở nên nhút nhát, không dám ra ngoài chơi, đến trường, không thể tập trung học tập.

Ngay cả những học sinh bị chứng kiến hành vi bạo lực học đường cũng bị ảnh hưởng tâm lý. Các em sẽ cảm thấy sợ hãi và cũng có thể hùa theo, ủng hộ hành vi này. Thậm chí nhiều khả năng các em có hành vi bạo lực trong tương lai.

Không chỉ ảnh hưởng đến học sinh mà còn ảnh hưởng đến chính gia đình các em. Khi thấy các em lo lắng và sợ hãi thì không khí và cuộc sống gia đình bị xáo trộn, căng thẳng.

Ngoài ra, những hành vi bạo lực học đường của GV sẽ trở thành nỗi bất an của phụ huynh khi gửi con em đến trường, làm mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lạnh mạnh trong sáng. 

“Muốn có trường học hạnh phúc thật sự, thầy cô phải là chỗ dựa tinh thần tin cậy cho học trò, luôn tạo cho các em sự thân thiện, cởi mở để có thể giãi bày mọi khúc mắc. Các em vui vẻ và an toàn, luôn mong muón tới trường. Đó là minh chứng của việc chúng ta đã xây dựng trường học hạnh phúc thành công” – cô Trang nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thực tế chưa hẳn như biểu hiện

GD&TĐ - Cuộc trả đũa của Iran ngày 12/4 vừa qua tạo bước ngoặt mới trong mối quan hệ đầy thù địch và căng thẳng giữa nước này và Israel.