Sách giáo khoa mới: Cách tiếp cận từ địa phương

GD&TĐ - Việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) đối với lớp 1 sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội. Theo đó, các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) lựa chọn SGK để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Do đó, việc sớm cho các đối tượng trên tiếp cận bản mẫu SGK để có thể đưa ra quyết định lựa chọn sách phù hợp là công việc cần được ưu tiên tại thời điểm này.

Giáo viên trao đổi về nội dung các mẫu SGK được thẩm định và đưa ra lấy ý kiến lựa chon của các địa phương. 	Ảnh: Bá Hài
Giáo viên trao đổi về nội dung các mẫu SGK được thẩm định và đưa ra lấy ý kiến lựa chon của các địa phương. Ảnh: Bá Hài

Giáo viên nghiên cứu SGK trước khi chọn sách

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu về kết quả triển khai chuẩn bị các điều kiện thực hiện giảng dạy đối với lớp 1 theo Chương trình GDPT 2018, vào năm học 2020 - 2021, Sở GD&ĐT đã tổ chức 2 đợt giới thiệu 32 quyển sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Lần 1 vào ngày 10/12/2019 với số lượng 600 người gồm: Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, SGK GDPT 2018 của tỉnh; lãnh đạo, chuyên viên tiểu học các phòng GD&ĐT, tất cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, khối trưởng khối lớp 1 của 100% trường có học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh và đại diện 105 giáo viên lớp 1 của các môn học và hoạt động giáo dục, hiệu trưởng, giáo viên các trường khuyết tật và lãnh đạo trường CĐSP tỉnh. Tổ chức giới thiệu sách lần 2 với số lượng 300 người vào ngày 24/12/2019.

Ngày 23 - 24/12/2019, Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn giới thiệu Chương trình GDPT 2018 đối với cấp tiểu học và hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch thực hiện giảng dạy lớp 1, năm học 2020 - 2021 với số lượng 300 người. Thành phần gồm lãnh đạo, chuyên viên tiểu học các phòng GD&ĐT, tất cả hiệu trưởng, 140 giáo viên lớp 1 và hiệu trưởng, giáo viên các trường khuyết tật. Trong thời gian học sinh nghỉ cuối kỳ I, Sở GD&ĐT chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện/thị/thành phố tập huấn cho tất cả phó hiệu trưởng và giáo viên dạy lớp 1; còn lại và sau đó các trường tiểu học tổ chức tập huấn cho tất cả giáo viên lớp 2, 3, 4, 5.

Để có sách cho giáo viên nghiên cứu trước khi thực hiện theo quy trình chọn sách, hiện nay SGK chưa có giá, vì vậy Sở GD&ĐT đã xin chủ trương và được sự cho phép của Phó Chủ tịch UBND tỉnh, làm việc với các nhà xuất bản sách, mượn để cấp cho mỗi trường tiểu học và mỗi phòng GD&ĐT 32 quyển sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Tuy nhiên, do SGK khan hiếm, nên ngày 19/12/2019 mới trang bị mỗi đơn vị trường học, phòng GD&ĐT 25 quyển; còn 7 quyển sẽ bổ sung chậm nhất vào ngày 31/12/2019.

Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu cũng yêu cầu phòng GD&ĐT chỉ đạo hiệu trưởng tổ chức cho giáo viên đọc và nghiên cứu nội dung, đánh giá về sự phù hợp với đặc điểm của địa phương, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại nhà trường. Thời gian cho các trường đọc và nghiên cứu sách từ ngày 20/12/2019. Sau khi nghiên cứu xong, mỗi trường có một bản tổng hợp ý kiến đánh giá từng quyển sách và giải thích rõ nội dung đánh giá, kiến nghị, đề xuất.

Theo kế hoạch của Sở này, trước tháng 3/2020, hiệu trưởng các trường chọn xong SGK; tập huấn giáo viên dạy lớp 1. Dự kiến, Sở GD&ĐT sẽ công bố những quyển sách được lựa chọn vào ngày 1/3/2020. Trước tháng 5/2020, các công việc dự kiến được triển khai, như: Tập huấn giáo viên dạy lớp 1 dạy theo SGK mới; dạy thực nghiệm SGK mới cấp tỉnh/huyện/trường; sinh hoạt chuyên môn và thống nhất kế hoạch hè 2020…

Giáo viên tìm hiểu về mẫu các bộ sách giáo khoa mới do các sở GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến. Ảnh: Bá Hải
 Giáo viên tìm hiểu về mẫu các bộ sách giáo khoa mới do các sở GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến. Ảnh: Bá Hải

Cam kết đồng hành cùng giáo viên, nhà trường

Ông Vũ Bá Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội, đơn vị tổ chức bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, một trong 5 bộ SGK lớp 1 được Bộ GD&ĐT phê duyệt - cho biết: Ngay sau khi các bản sách mẫu của bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký quyết định phê duyệt được phép sử dụng trong các cơ sở GDPT trên toàn quốc từ năm học 2020 - 2021 và được sự chỉ đạo của Ban lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, công ty đã triển khai chuyển các bản sách mẫu và tài liệu đến các nhà trường để có căn cứ để lựa chọn bộ sách. “Trong lần 1, công ty đã cho in khoảng 15.000 bộ sách mẫu và tài liệu để chuyển đến các cơ sở giáo dục” – ông Khánh chia sẻ.

 Chúng tôi cam kết giúp các cơ sở giáo dục xây dựng phần mềm quản lý học tập, kết nối giữa nhà trường với phụ huynh. Đặc biệt, hàng năm vào dịp hè, công ty tổ chức mời giáo viên cốt cán trong các môn có thực hành thí nghiệm ở các địa phương về trung tâm thực nghiệm của công ty để tập huấn về thực hành, thí nghiệm. Ngay từ khi bộ sách hoàn thiện, công ty đã thành lập bộ phận thường trực xử lý các vướng mắc, hỗ trợ các cơ sở giáo dục, các nhà trường, thầy cô giáo trong hành trình sử dụng bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”.
Ông Vũ Bá Khánh thông tin.  

Thể hiện cam kết đồng hành với các cơ sở giáo dục, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh trong quá trình sử dụng bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, ông Vũ Bá Khánh cho biết, công ty có cơ chế hỗ trợ, phục vụ kịp thời, đầy đủ, đồng bộ SGK và tài liệu bổ trợ cho học sinh, giáo viên; tổ chức tập huấn miễn phí cho toàn bộ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên sử dụng SGK theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến do các tổng chủ biên, chủ biên và tác giả đảm nhiệm. Mỗi giáo viên được cấp một tài khoản miễn phí để khai thác, sử dụng học liệu điện tử, bao gồm: SGK điện tử, các bài giảng mẫu, thí nghiệm mô phỏng, hệ thống bài kiểm tra đánh giá, kho tài liệu tham khảo...

Trong khi đó, chia sẻ của ông Cấn Hữu Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát hành sách giáo dục, đơn vị tổ chức bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” cho biết: Bộ SGK với tôn chỉ làm theo triết lý vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục giúp tất cả học sinh, giáo viên tiếp cận được nền giáo dục chất lượng và hướng đến mục tiêu giáo dục 4.0, công ty đã xây dựng trang web sachthietbigiaoduc.vn để cung cấp tài nguyên, phiếu học tập, video - clip cho từng bài, từng hoạt động dạy học. Giáo viên và học sinh có thể tiếp cận trực tiếp phục vụ công tác giảng dạy, học tập và tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ