Chuyển đổi vai trò của GV
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, thành viên nhóm biên soạn CT, SGK mới – cho rằng: Điều đầu tiên cần nhận thức và thể hiện vai trò của người thầy từ địa vị người dạy, truyền đạt nội dung kiến thức sang người tổ chức, huấn luyện, “cố vấn” trong dạy học CT hiện hành theo hướng phát triển năng lực.
GV phải tư vấn giúp học sinh (HS) điều chỉnh chất lượng và giá trị nguồn thông tin, kiến thức mới, biết phê phán độc lập, hợp tác, cộng tác tích cực và điều giải giữa người học với những gì họ cần biết.
Hướng tới sự phát triển năng lực của trò
Một nội dung được PGS Nghiêm Đình Vỳ lưu ý là cần thực hiện tốt Chương trình hiện hành 2006, đồng thời tiếp cận Chương trình 2018 theo hướng phát triển năng lực. Lấy ví dụ cụ thể với môn Lịch sử, GS Nghiêm Đình Vỳ nhấn mạnh việc nắm vững nội dung kiến thức cơ bản trong CT, SGK hiện hành là cốt lõi để tạo ra năng lực.
Cần khẳng định không có kiến thức thì không thể có năng lực. Kiến thức là rường cột, cốt lõi để tạo ra năng lực. Để đạt mục tiêu phát triển năng lực không có nghĩa là xem nhẹ kiến thức. Bám sát những tiêu chí về “kĩ năng” trong mục tiêu của CT hiện hành với ba “năng lực” môn Lịch sử của CT mới.
Tăng cường hoạt động trải nghiệm cho HS. Ảnh: Thiên Thanh |
Cùng với phát triển năng lực cần thực hiện tích hợp sâu hơn khi dạy SGK hiện hành nhằm phát huy tính tích cực, phát triển năng lực của người học; trong đó tăng thêm việc tích hợp lịch sử - địa lí ở nội dung cụ thể của chương, bài trong chương trình, sách giáo khoa hiện hành cấp trung học, mở rộng tích hợp đa môn, sử dụng kiến thức liên môn trong SGK Lịch sử cấp trung học.
Đồng thời gắn kết giữa lịch sử thế giới - lịch sử khu vực (Đông Nam Á) - lịch sử dân tộc - lịch sử địa phương theo thời gian (đồng đại) ở một số chương, bài của CT hiện hành trong giai đoạn chuyển tiếp để giúp HS hiểu mối quan hệ cũng như tác động qua lại lẫn nhau giữa lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc. Đây chính là thực hiện tích hợp nội môn.
Chương trình hiện hành đều học thông sử từ nguồn gốc cho đến nay theo mô hình đồng tâm ở cả ba cấp. Học lịch sử thế giới trước, lịch sử Việt Nam sau. Do vậy khi chưa có SGK mới vào năm 2021, các cơ quan quản lí, GV ở nhà trường có thể vận dụng mô hình nói trên.
Ví dụ: học xã hội nguyên thủy thế giới nên học tiếp xã hội nguyên thủy ở Việt Nam. Dạy các quốc gia cổ đại ở phương Đông, phương Tây xong học ngay các quốc gia cổ đại ở Việt Nam: Văn Lang, Âu Lạc, Champa, Phù Nam. Dạy bài “Chiến tranh thế giới thứ hai” (lịch sử thế giới), cần gắn kết với bài “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam”...
Kết nối, liên hệ thực tiễn
Nhấn mạnh việc kết nối, liên hệ với thực tiễn một cách đa dạng trong dạy học, PGS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng: Đây chính là thực hiện năng lực thứ 3 trong CT mới - năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào cuộc sống - thể hiện qua khả năng kết nối quá khứ với hiện tại, vận dụng kiến thức lịch sử để lí giải những vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Trên nền tảng đó, HS có khả năng tự tìm hiểu những vấn đề lịch sử, phát triển năng lực sáng tạo, có khả năng tiếp cận và xử lí thông tin từ những nguồn khác nhau, có ý thức và năng lực tự học lịch sử suốt đời.
Yêu cầu đặt ra là trong khi dạy CT hiện hành cần thực hiện kết nối trong tất cả các chương bài khi có điều kiện. Đó là kết nối Địa lí và Lịch sử, kết nối với văn học, kết nối với nghệ thuật, kết nối với khoa học - kĩ thuật, kết nối với ngày nay... giúp HS gắn lịch sử xa xưa với đời sống hiện thực hôm nay để nâng cao chất lượng môn học.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động học tập của HS, bao gồm hoạt động khám phá vấn đề, hoạt động luyện tập và thực hành được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường, trong và ngoài giờ lên lớp; thực hiện bài tập, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu; tham quan, đọc sách... Tùy theo mục tiêu cụ thể và tính chất của hoạt động, HS được tổ chức làm việc độc lập, làm việc theo nhóm hoặc làm việc chung cả lớp. Dù làm việc độc lập, theo nhóm hay theo đơn vị lớp, mỗi HS đều được tạo điều kiện để tự mình thực hiện nhiệm vụ học tập và trải nghiệm thực tế.