3 điểm mới của sách giáo khoa Ngữ văn
GS.TS Lã Nhâm Thìn cho biết: Với định hướng phát triển năng lực, sách giáo khoa Ngữ văn trong bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” có 3 điểm mới cơ bản:
Thứ nhất: Bài học được thiết kế trong sự kết hợp giữa thể loại/kiểu văn bản với chủ đề. Từng bài học được thiết kế theo hai phần “Đọc văn” và “Làm văn”. Thiết kế này hướng tới mục tiêu phát triển năng lực văn học và năng lực ngôn ngữ, năng lực thẩm mĩ và năng lực tư duy của học sinh. Với hai phần “Đọc văn” và “Làm văn”, học sinh được phát triển đầy đủ tất cả các năng lực đọc, viết, nói và nghe.
Thứ 2, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh: Người học tự giác tìm hiểu bài học, tự kiểm tra, đánh giá dưới sự hướng dẫn của thầy; tăng cường thực hành trải nghiệm của học sinh, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề đặt ra trong học tập, trong cuộc sống. Vì vậy ở mỗi bài học, ngoài những văn bản chính thức còn có những văn bản mở rộng, bên cạnh những hoạt động trên lớp là hướng dẫn những hoạt động ngoài giờ
Thứ 3, cách trình bày sách giáo khoa mang tính “đa phương tiện”, kết hợp giữa “kênh” chữ và “kênh” hình vừa đa dạng vừa chọn lọc.
Khẳng định sách giáo khoa mới sẽ làm cho học sinh hứng thú học văn hơn, 3 lý do được GS Lã Nhâm Thìn đưa ra. Theo đó, việc học văn sẽ có hiệu quả thiết thực đối với cuộc sống hiện tại và mai ngày của học sinh, bởi gắn kết giữa văn chương với đời sống, với công việc học tập của học sinh.
Những bài học cũng trở nên nhẹ nhàng, sinh động trong các hoạt động hợp tác giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với học sinh; cùng với đó là các hoạt động sân khấu hóa, câu lạc bộ văn học, trải nghiệm điền dã…
“Với sách giáo khoa mới, khi học văn, học sinh được sống trong thế giới tâm hồn phong phú. Dù chú ý tới tính thực tiễn, bài học ngữ văn không làm mất đi những cảm xúc thẩm mĩ, vẫn bồi dưỡng đời sống tinh thần phong phú cho người học” – GS Lã Nhâm Thìn chia sẻ.
“Mở” để phong phú, đa dạng, nhưng không có nghĩa là xô bồ, hỗn tạp
Môn Ngữ văn ở các lần thay sách đều gây tranh cãi trong việc đưa ngữ liệu vào sách. Theo chương trình mới thì chỉ có một số tác phẩm bắt buộc, còn lại sẽ để mở… Trả lời câu hỏi “Sách giáo khoa Ngữ văn trong bộ sách giáo khoa này phát huy tinh thần mở đó thế nào?”, GS Lã Nhâm Thìn cho hay: Với môn Ngữ văn, lựa chọn ngữ liệu – văn bản để dạy học là hết sức quan trọng.
Cần thấy được tác dụng tích cực của việc “mở” trong lựa chọn ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa đó là phát huy sự chủ động tích cực của giáo viên, phù hợp với đối tượng học sinh (theo vùng miền: thành phố, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, theo loại hình trường lớp: chuyên, không chuyên, vừa học vừa làm), phát huy năng lực tự chủ, sáng tạo của người học, tránh việc học tập sao chép tập trung vào một số tác phẩm nhất định…
“Tuy nhiên, “mở” trong lựa chọn ngữ liệu không có nghĩa là tùy theo ý thích, tùy theo “gu” của người soạn sách. "Mở” để phong phú, đa dạng, nhưng tuyệt đối không có nghĩa là xô bồ, hỗn tạp. Điều cần lưu ý là văn bản tác phẩm dạy trong nhà trường, nên nhất thiết phải bảo đảm những yêu cầu về tính tư tưởng của chương trình giáo dục môn Ngữ văn cũng như các môn xã hội nhân văn trong nhà trường” – GS Lã Nhâm Thìn chia sẻ.
Nói về tiêu chí để lựa chọn ngữ liệu đưa vào sách giáo khoa, GS Lã Nhâm Thìn cho biết, trước hết ngữ liệu cần có giá trị cao, đặc sắc về nội dung và nghệ thuât, tiêu biểu về chủ đề, về kiểu văn bản/thể loại, về ngôn ngữ, kết tinh thành tựu văn học của thời đại, của dân tộc, của nhân loại. Cùng với đó, có tính giáo dục cao; đáp ứng yêu cầu cần đạt về phát triển phẩm chất và năng lực người học - phẩm chất, năng lực chung cũng như phẩm chất, năng lực đắc thù của môn Ngữ văn. Đặc biệt, chú ý các phẩm chất yêu nước, nhân ái, trung thực, trách nhiệm, các năng lực văn học, ngôn ngữ, thẩm mĩ, tư duy (tư duy logic và tư duy hình tượng), năng lực giao tiếp.