Nóng trong tuần: Thông tin liên quan kỳ thi tốt nghiệp THPT; Giáo dục Việt Nam tăng hạng

GD&TĐ - Tuần qua, nhiều nội dung giáo dục thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó có: Thông tin liên quan thi tốt nghiệp THPT năm 2022; Giáo dục Việt Nam tăng hạng; Phản hồi của Bộ GD&ĐT về đào tạo tiến sĩ.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Bắt đầu từ 4/5, thí sinh đang học lớp 12 năm học 2021-2022 thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trực tuyến. Thời gian đăng ký đến 17h ngày 13/5/2022

Thí sinh thực hiện đăng ký dự thi trên Hệ thống Quản lý thi tại địa chỉ https://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn

Trước đó, các thí sinh đã được nhà trường cấp tài khoản, mật khẩu và có 9 ngày để đăng ký dự thi thử. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, thí sinh cần bảo mật thông tin tài khoản, mật khẩu được cấp để đăng nhập vào Hệ thống Quản lý thi từ khi đăng ký dự thi đến khi xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra khuyến nghị và lưu ý thí sinh khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 theo hình thức trực tuyến.

Lưu ý khi điền các thông tin trên Phiếu đăng ký trực tuyến: Thí sinh sử dụng các thông tin đã chuẩn bị ở trên để khai thông tin; rà soát các thông tin được kế thừa từ cơ sở dữ liệu GD-ĐT (cơ sở dữ liệu ngành). Kiểm tra bảo đảm đúng các thông tin đăng ký, xác nhận đăng ký.

Sau khi đăng ký xong cần xuất Phiếu đăng ký sang file pdf, in một bản (nếu có máy in), lưu file trên máy tính và trên email, hoặc lưu giữ bản in ở một nơi dễ nhớ để đối sánh khi cần thiết.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Điều kiện để thí sinh F0 dự thi tốt nghiệp THPT

Bộ Y tế vừa có góp ý phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, thí sinh thuộc diện F0 có nguyện vọng dự thi sẽ được tổ chức phòng thi riêng.

Cụ thể, công văn của Bộ Y tế đề xuất thí sinh mắc Covid-19 nếu đang được theo dõi, điều trị nội trú tại cơ sở y tế trong thời gian diễn ra kỳ thi, không thể dự thi thì sẽ được đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT. Trường hợp thí sinh có nguyện vọng dự thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thi vào đợt thi khác.

Nếu thí sinh F0 đang được theo dõi, cách ly tại nhà hoặc nơi cư trú trong thời gian diễn ra kỳ thi thì cũng sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Trường hợp thí sinh có nguyện vọng dự thi, phải có đơn xin dự thi của thí sinh và ký xác nhận đồng ý của phụ huynh học sinh hoặc người giám hộ, trong đó có nội dung thí sinh cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Hội đồng thi tổ chức cho thí sinh F0 nêu trên thi tại các phòng thi riêng đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, cả thí sinh, cán bộ coi thi, chấm thi, giám sát đều phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch.

Còn những thí sinh thuộc diện tiếp xúc gần (F1) vẫn được tham dự kỳ thi cùng với các thí sinh không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thí sinh thuộc diện ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) cũng được tham dự kỳ thi. Hội đồng thi tổ chức cho thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ thi tại các phòng thi riêng đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.

Các địa điểm thi phải bố trí kíp trực y tế để kịp thời sơ cấp cứu và xử lý các tình huống phát sinh.

Bộ Y tế cũng đề nghị trường, lớp, phòng thi phải được vệ sinh ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng đối với các phòng thi của các thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ và thí sinh thuộc diện ca bệnh xác định phải được tổ chức vệ sinh khử khuẩn ngay sau mỗi buổi thi.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Bộ GD&ĐT lên tiếng đề tài luận án tiến sĩ gây xôn xao dư luận

Gần đây, dư luận xôn xao, chia sẻ về những đề tài luận án tiến sĩ mà nếu chỉ đọc tên sẽ không thấy được hàm lượng khoa học hay ý nghĩa về mặt thực tiễn.

Bà Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) có những chia sẻ trên Báo Giáo dục & Thời đại.

Theo đó, Bộ GD&ĐT luôn hướng tới hoàn thiện hệ thống văn bản chính sách nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong quá trình đào tạo tiến sĩ trên tinh thần thực hiện tự chủ đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo; đặc biệt là đội ngũ giảng viên, nhà khoa học theo Luật Giáo dục đại học và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đánh giá rất cao vai trò phản biện, giám sát của cộng đồng khoa học đối với chất lượng các luận án tiến sĩ.

Nâng cao nhận thức và vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng khoa học trong đánh giá luận án tiến sĩ, giữ gìn đạo đức khoa học, tránh việc nể nang, dễ dãi để bảo đảm giá trị khoa học của từng luận án, góp phần gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong hoàn cảnh thực tiễn cụ thể. 

Song song với việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, Bộ GD&ĐT vẫn triển khai thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cùng các bên liên quan giám sát việc thực hiện và giải trình của cơ sở giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT luôn đánh giá cao quá trình giám sát, phản ánh và phản biện của xã hội, cộng đồng khoa học.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Việt Nam tăng hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục

Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.

Đây là chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục Việt Nam được tổ chức quốc tế công nhận và xếp hạng.

Kết quả xếp hạng giáo dục quốc gia của USNEWS dựa trên khảo sát toàn cầu về ba thuộc tính cùng trọng số của mỗi quốc gia: Có hệ thống giáo dục công phát triển tốt; Mọi người có cân nhắc theo học đại học ở đó hay không; Quốc gia đó có cung cấp nền giáo dục chất lượng hàng đầu hay không.

Năm 2019, trong 6 nước tham gia Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM) năm 2019, gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillipine, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết, Toán học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ