Năm học mới: Gỡ khó để học sinh "mắc kẹt" được tiếp nối học tập

GD&TĐ - Để học sinh được đến trường dù đang sinh sống ở đâu là một trong những giải pháp kịp thời của ngành Giáo dục nhằm thích ứng với những khó khăn đặt ra cho năm học.

Học sinh Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình trong buổi học đầu tiên của năm học mới 2021-2022.
Học sinh Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình trong buổi học đầu tiên của năm học mới 2021-2022.

Hàng nghìn học sinh được tiếp nối việc học

Khai giảng năm nay, Linh - học sinh lớp 2 của trường Tiểu học Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không dự khai giảng ở trường của em mà là ở một ngôi trường khác thuộc vùng quê xã An Đồng (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Từ 2 tuần trước (từ 23/8), Linh đã bắt đầu học chương trình lớp 2 tại tiểu học này, khi em cùng gia đình bị “mắc kẹt” ở đây vì dịch Covid-19. Linh là một trong số 2.475 học sinh tỉnh ngoài đã được các cơ sở giáo dục của Thái Bình nhận vào “học tạm” trong thời gian bị kẹt vì dịch.

Ông Nguyễn Viết Hiển - Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình - cho biết, ngay khi nhận được công văn của Bộ GD&ĐT đề nghị tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở triển khai thực hiện nội dung này. “Đại diện gia đình chỉ cần có đơn là các trường sẽ tiếp nhận học sinh vào học hết”, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình nói.

Ông Hiển cho biết, Sở đã chỉ đạo để các trường tạo điều kiện tối đa cho học sinh được vào học dù các thông tin, thủ tục, giấy tờ của học sinh cần xác nhận chưa thể hoàn tất. Cơ sở giáo dục cũng được hướng dẫn khi học sinh có thể trở về trường cũ, sẽ xác nhận thời gian và kết quả học tập ở Thái Bình của các em; cùng phối hợp với trường học sinh theo học chính thức để việc học của học trò được tiếp nối thuận lợi.

Là địa phương đã đón hơn 15.000 lao động di cư từ TP HCM và các tỉnh thành phía Nam về quê tránh dịch, ngoài việc số ca F0 chỉ trong vòng 1 tháng tăng từ 11 (gom của cả 2 năm 2020 và đầu năm 2021) lên hơn 300, Thừa Thiên Huế còn đối mặt với việc “bỗng” có thêm hơn 1.000 học sinh các bậc học (chủ yếu là tiểu học). Đứng trước bối cảnh đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế Nguyễn Tân cho biết, công văn đề nghị tiếp nhận học sinh của Bộ GD&ĐT đã rất kịp thời gỡ khó cho ngành giáo dục địa phương trong giải quyết bài toán đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh.

Cụ thể, Sở GD&ĐT đã thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tham mưu UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi không chỉ về việc tiếp nhận học sinh vào học mà bố trí cho các em được học ở cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện đi lại trên địa bàn dân cư. Các nhà trường cũng được hướng dẫn cách tiếp nhận học sinh với thủ tục đơn giản, là chỉ cần xác nhận của phụ huynh học sinh về việc các em từ vùng dịch về và có nguyện vọng xin vào học.

“Nếu không có những văn bản này mà thực hiện việc tiếp nhận học sinh theo quy định thông thường thì sẽ rất phức tạp vì cần nhiều xác nhận của nơi đến, nơi đi… Trong trường hợp này, Bộ GD&ĐT đã rất linh động, kịp thời chỉ đạo các địa phương giải quyết vấn đề cấp bách là cho học sinh vào học tại nơi cư trú khi khai giảng năm học mới đã cận kề”, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho hay.

Cũng với chỉ đạo kịp thời này mà 2.473 học sinh của tỉnh Thái Bình đang kẹt ở các địa phương khác vì dịch, cũng đã được ngành giáo dục nơi học sinh đang cư trú hỗ trợ các em được học “tạm” trong thời gian này.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Trích ngân sách hỗ trợ phương tiện học tập cho học sinh

“Sau công điện của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh thành về việc tổ chức khai giảng và chuẩn bị cho năm học mới trong tình hình dịch bệnh phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với UBND huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo tổ chức triển khai kịp thời các nội dung trong công điện.

Trong buổi kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị năm học mới, Chủ tịch tỉnh cũng đã có chủ trương tiếp tục đầu tư một số hạng mục, tăng cường cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Trần Tuấn Nam cho biết.

Ở Thừa Thiên Huế, trước một số khó khăn của một bộ phận học sinh do thiếu cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để học trực tuyến, nhờ các công điện, văn bản của Bộ mà ngành Giáo dục đã thuận lợi trong tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan trong hỗ trợ học sinh. Tỉnh đã trích một phần ngân sách để hỗ trợ về điều kiện về hạ tầng, phương tiện học tập cho học trò ở vùng đặc biệt khó khăn này.

1.000 học sinh theo bố mẹ di cư từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về Thừa Thiên Huế, ngoài được tiếp nhận vào học còn được hỗ trợ sách vở, quần áo. Những em nào có bố mẹ thất nghiệp, tỉnh cũng xây dựng cơ chế để hỗ trợ công ăn việc làm hoặc hỗ trợ phụ huynh học sinh quay lại miền Nam làm việc.

“Không để một trẻ em nào, đặc biệt là các em ở vùng dịch, vùng sâu, vùng xa, những em có hoàn cảnh khó khăn, bị mất hoàn toàn cơ hội học tập vì đại dịch và càng không để nền giáo dục Việt Nam vì dịch bệnh mà không thể hoàn thành cam kết, trọng trách, sứ mệnh của mình trước Tổ quốc và Nhân dân”, lời nhắn gửi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2021-2022 sẽ là điều mà toàn ngành Giáo dục quyết tâm thực hiện tốt trong năm học mới nhiều khó khăn, thách thức này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...