Linh hoạt hình thức dạy học: Không để học sinh “hổng” kiến thức

GD&TĐ - Học trực tuyến là hình thức được nhiều địa phương lựa chọn trong thời gian đầu năm học 2021 - 2022.

Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long, Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong buổi học trực tuyến lớp 1. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long, Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong buổi học trực tuyến lớp 1. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, qua rà soát, nhiều em ở thành phố lẫn vùng khó khăn vẫn thiếu điều kiện học tập. Để trò không “đứt đoạn” việc học, nhiều cách làm, phương án được thầy cô áp dụng.

Quan tâm học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên ngành GD tỉnh Đắk Lắk đã điều chỉnh kế hoạch năm học mới từ trực tiếp sang trực tuyến từ cấp học tiểu học trở lên.

Dạy học trực tuyến, khó nhất là thiết bị kết nối Internet. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính để các con học qua mạng. Chưa kể có gia đình có 2 - 3 con cùng đi học thì thiết bị cho các cháu sử dụng là vấn đề lớn. Nhận thức rõ khó khăn của học sinh, phụ huynh, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết: Sở yêu cầu phòng GD&ĐT các địa phương, cơ sở giáo dục báo cáo tình hình thuận lợi, vướng mắc để tháo gỡ.

Cũng theo ông Khoa, để dạy học trực tuyến “phủ sóng” được nhiều nhất có thể, tỉnh đã làm việc với các đơn vị viễn thông, cung cấp thiết bị di động, máy tính nhằm tìm giải pháp hỗ trợ. “Tuy nhiên, cũng cần phải đa dạng hình thức. Ví dụ một số địa phương thực hiện Chỉ thị 15, có thể đi lại, thầy cô giáo có thể giao bài tập trực tiếp cho học sinh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ phụ huynh vì dịch chưa biết đến bao giờ mới kết thúc”, ông Khoa nhận định.

Theo số liệu thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, số lượng học sinh ở các cấp học thiếu điều kiện học tập trực tuyến khoảng 75.000 em, trong đó học sinh tiểu học là 31.000 em, học sinh THCS là 22.000 em, học sinh THPT là 15.000 em.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM thông tin: Sở đã xây dựng kế hoạch, đối với học sinh không có thiết bị học tập trực tuyến trên các trang web phòng giáo dục, trường học đều có sách điện tử của Bộ GD&ĐT và có các clip ghi hình bài giảng. Đối với lớp 1, lớp 2, sở cũng tổ chức ghi hình và thực hiện ngay từ đầu năm học. Trong điều kiện khó khăn hơn, không thể tiếp cận được với tất cả phương tiện dạy học (khoảng 5%), sở đã tổ chức các phiếu học tập, sử dụng mạng lưới cộng tác viên hỗ trợ đến từng nhà.

Bên cạnh đó, Sở cũng làm việc với nhà cung cấp thiết bị học tập trên Internet, các đơn vị này sẵn sàng hỗ trợ đường truyền, máy móc thiết bị cho các trường thông qua các gói vay trả góp không lãi, tặng gói 3G cho các em học tập… Cụ thể, Sở GD&ĐT TPHCM đã phối hợp với Viettel để giảm giá cho học sinh mua máy tính, điện thoại, sim và đường truyền Internet.

Đối diện với những khó khăn đầu năm học khi phải dạy học trực tuyến, nhiều cơ sở giáo dục đã linh hoạt, chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ học sinh, ông Nguyễn Trí Dũng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh (TPHCM) trao đổi: Trên địa bàn huyện có 724/ 29.151 học sinh THCS, cấp tiểu học có 4.665/49.440 em không có điều kiện học trên Internet.

Các trường thống kê số lượng và đưa ra 2 phương án hỗ trợ học sinh. Phương án 1 là vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, trang thiết bị, dụng cụ học tập. Nhà trường phối hợp Viettel để hỗ trợ gói cước Interrnet cho những học sinh có phương tiện nhưng không có hệ thống mạng; Phương án 2 là trường phối hợp với điều phối viên của xã, thị trấn chuyển bài học đến cho học sinh, thông qua hệ thống phần mềm quanly.hcm.edu vn.

Quận đoàn Quận Phú Nhuận (TPHCM) đến nhà trao SGK và đồ dùng học tập cho học sinh.
Quận đoàn Quận Phú Nhuận (TPHCM) đến nhà trao SGK và đồ dùng học tập cho học sinh.

Tăng cường tuyên truyền, xã hội hóa

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Xuân Quý, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Krông Bông (Đắk Lắk) cho hay: Phòng đã chỉ đạo các trường học kiểm tra lại hệ thống phòng họp, thiết bị dạy học trực tuyến và rà soát lại số học sinh có đủ điều kiện học trực tuyến để báo cáo lãnh đạo huyện và Sở GD&ĐT.

“Năm học này chúng tôi có 51 trường học từ mầm non đến THCS. Các trường mầm non sẽ thực hiện nhiệm vụ giáo dục, chăm sóc trẻ thông qua việc tương tác trực tuyến giữa giáo viên – phụ huynh. Học sinh phổ thông có khoảng 20% là có thể tham gia học trực tuyến được. Vì thế, dạy học theo hình thức giao bài vẫn là ưu tiên chính” - ông Quý chia sẻ đồng thời cho biết: Phòng tham mưu lãnh đạo huyện chỉ đạo chính quyền các địa phương chung tay với ngành Giáo dục chăm lo cho học sinh khó khăn.

“Nếu cấp ủy, chính quyền vào cuộc quyết liệt, tăng cương tuyên truyền, vận động có thể huy động sức dân trong việc trang bị thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh. Ngành Giáo dục cũng kêu gọi doanh nghiệp viễn thông bán thiết bị theo giá gốc… để giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh” - ông Quý nói.

Nằm ở vùng sâu, ngành GD huyện M’ Đrắk (Đắk Lắk) gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai dạy – học trực tuyến vì vừa thiếu thiết bị, thiếu điều kiện kết nối Internet.

“Theo thống kê nhanh của phòng chưa tới 10% học sinh đủ điều kiện học trực tuyến. Một số trường, điểm trường việc liên lạc bằng điện thoại còn lúc được, lúc mất (vì chưa phủ sóng điện thoại – PV) chứ nói gì kết nối Internet để dạy và học trực tuyến” - ông Tạ Hồng Diện, Trưởng phòng GD&ĐT huyện M’ Đrắk băn khoăn.

Cũng theo ông Diện, để bảo đảm chất lượng dạy học, phương pháp dạy học theo hình thức giao bài sẽ được ưu tiên. Ở một số địa phương bảo đảm an toàn phòng dịch được sẽ chia ca các khối lớp, thực hiện giãn cách theo 5K để dạy học.

Giờ học trên lớp tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt.
 Giờ học trên lớp tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt.

Không để học trò thiếu sách

Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thiết bị cũ cho học sinh khó khăn học trực tuyến. “Nhà trường trao tặng sách giáo khoa (SGK) miễn phí cho học sinh trong khu cách ly, nhà trọ, dự kiến có 110 em thiếu thiết bị học trực tuyến và 150 em thiếu SGK được hỗ trợ”, thầy Phạm Trung Hữu - Hiệu trưởng nhà trường nói.

Nhân dịp khai giảng (5/9), Quận đoàn Phú Nhuận (TPHCM) đã trao tặng 400 bộ SGK, 4.000 quyển tập cho các em thuộc hộ nghèo của quận và hơn 100 máy tính bảng cho học sinh chưa có máy học tập trực tuyến. Theo Bí thư Quận đoàn quận Phú Nhuận Huỳnh Anh Phương Thảo, chương trình “Trao gửi yêu thương, cùng em đến trường” được triển khai từ ngày 29/8, nằm trong đợt hoạt động cao điểm “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19”, hướng đến việc chăm lo cho học sinh chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022.

Quận 8 là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.  Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Phòng đã triển khai kế hoạch giao SGK đến tận tay học sinh. Qua khảo sát có 90,18% phụ huynh có nhu cầu giao sách đến nhà. Số học sinh còn lại sử dụng lại sách giáo khoa cũ do có anh chị em học ở các khối lớp 7, 8 và 9 để lại. Trên cơ sở đó, ngoài việc liên hệ với đơn vị vận chuyển, hiệu trưởng các trường phân công giáo viên, nhân viên của đơn vị để chuyển sách đến nhà học sinh với sự chỉ đạo của Công an Quận 8, sự hỗ trợ của công an phường, dân quân tự vệ địa phương.

Trong ngày 5/9 có 69,52% học sinh Quận 8 đã nhận được SGK. Trong đó giáo viên, nhân viên giao tận nhà học sinh đạt tỷ lệ 51,38%, shipper giao đạt tỷ lệ 18,14%. Số còn lại các đơn vị tiếp tục giao, đảm bảo hết ngày 8/9, học sinh toàn quận sẽ có đủ sách giáo khoa để đáp ứng việc học.

“Phòng Giáo dục đã chỉ đạo hiệu trưởng các đơn vị tiếp tục rà soát học sinh từ khối 1 - 9 thuộc diện gia đình chính sách, diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, có cha mẹ hoặc cha hay mẹ mất vì dịch bệnh Covid-19 để có kế hoạch tặng sách cho học sinh. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND Quận 8 quyết định hỗ trợ 1.000 bộ sách giáo khoa cho những em thuộc các diện trên nhằm tạo mọi điều kiện để tất cả học sinh trong quận đều có sách trong năm học mới, không để em nào bị ngắt quãng trong việc học vì không có sách giáo khoa” - Trưởng phòng GD&ĐT Quận 8 chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ