Đường đến trường vùng rốn lũ

GD&TĐ - Bình thường, việc học của học sinh huyện đầu nguồn An Phú (An Giang) đã vất vả, nay sự khó nhọc ấy tăng lên gấp bội do nước lũ dâng cao khiến nhiều nơi ngập sâu. 

Đường đến trường vùng rốn lũ

Để đến được trường, không những các em phải vượt hàng cây số đường đất mà phải qua lại bằng những chiếc “cáp treo” tự chế hoặc chông chênh trên chiếc đò giữa dòng nước chảy xiết. Dù ở nơi được mệnh danh là “ốc đảo” nhưng các em học sinh đã không ngừng cố gắng để nối tiếp nhau vào đại học.

Đi học bằng cáp treo

Từ trung tâm huyện An Phú (An Giang) qua một con đò sẽ đến rạch Cần Thơ - nơi người dân mấy chục năm nay sống trong cảnh thiếu đủ thứ. Đặc biệt nhiều nơi học sinh muốn qua được con đường “độc đạo” đến trường phải sử dụng những chiếc “cáp treo” tự chế.

Là người sáng chế ra phương tiện độc đáo này, ông Lê Thành Thận (65 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thuấn, xã Vĩnh Hậu), cho biết: “Đời sống của chúng tôi vô cùng khó khăn từ kinh tế gia đình cho đến chuyện đi lại. Ngày trước, mỗi khi đi đồng tôi phải lội cầu khỉ qua hai bờ kênh muốn mòn chân. Nhiều lần thấy các phương tiện chở lúa, máy nông nghiệp đụng gãy cầu, con cháu hay té, người nhà bệnh phải cần có xuồng hay tới mùa sạ phân, thu hoạch lúa vác hết sức cực khổ, trong khi đó chẳng có tiền xây cầu”.

Thấy cảnh xót xa đó, ông Thận mày mò tự thiết kế cầu treo. Năm 2007, ông cầm 2 triệu đồng mua dây sắt, ròng rọc… rồi chế tạo ra theo thiết kế tự suy nghĩ. Ông Thận dùng bốn thanh sắt hàn thành chiếc cáp có hình như bánh ú; đáy lót ván vừa chỗ cho 3 người đứng với trọng lượng khoảng 200kg.

Phía trên đỉnh ông cho bắt 2 con đội và móc vào 2 sợi dây sắt dài 35m kéo căng ngang kênh được chịu bởi 2 cây bạch đàn. Ngoài ra, ông Thận còn thiết kế thêm 2 sợi dây luộc lòn ngang chiếc cáp treo để kéo cho cáp di chuyển... Nhờ vậy, 3 đời gia đình ông và bà con có được phương tiện qua lại dễ dàng thay cho những chiếc cầu khỉ hoặc xuồng ghe.

Trong lúc trò chuyện, chúng tôi bất ngờ trước việc các em học sinh và người dân “lướt gió” vù vù qua kênh. Đứng cạnh chiếc cáp của ông nội, em Lê Hữu Tình (11 tuổi, học lớp 5) cho biết: “Hàng ngày, em và người anh học lớp 8 cứ ngày 4 lượt di chuyển trên chiếc cáp này đến trường. Khi 6 tuổi là em bắt đầu tập đi cáp và đến nay chưa một lần bị té. Trước đây, đi cầu khỉ em rất sợ vì cầu gãy, trơn trượt”.

Chạy dọc theo rạch Cần Thơ ngoài cáp treo của gia đình ông Thận còn những gia đình khác cũng sở hữu phương tiện vượt sông độc đáo này như: Năm Dí, Sáu Hòa, Sáu Kế, Mười Hoài. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài ra ở Vĩnh Hậu còn nhiều chiếc cáp treo khác ở các xã như Phú Hữu, Vĩnh Lộc (An Phú), An Phong, Phú Lộc (TX Tân Châu)…

“Đảo hiếu học” giữa đồng nước lũ

Cù lao Bảy Trúc thuộc ấp Phú Hiệp (xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cứ đến tháng 7 âm lịch là bị nước lũ bao vây. Do vậy để mỗi ngày được đến trường, hàng chục em học sinh nơi được gọi “ốc đảo” chỉ còn cách tự bơi xuồng, chạy ghe hoặc đi đò.

Kênh Bảy Trúc là một trong những nơi ngập sâu nhất của An Giang. Hơn 11 giờ trưa, hàng chục em học sinh tập trung tại bến đò gần trường tiểu học để đợi chủ đưa về nhà. Tiết học kết thúc không cùng lúc nên một số em ngồi đợi, một số được người nhà rước sớm hơn. Đang ngồi xem bài tập về nhà, em Huỳnh Tấn Đạt (học lớp 8) nói: “Đò này mỗi ngày chạy 6 lần, chúng em đi không tốn tiền lại an toàn và lúc ba mẹ đi chợ cũng ké luôn”.

Sau khi kiểm tra đủ sĩ số anh Linh - chủ đò điều khiển chiếc đò chở đầy học sinh chạy dọc kênh Bảy Trúc - nơi mà hàng chục ngôi nhà bị nước lũ bao vây. Sau 20 phút rẽ dòng nước chảy xiết, đò cập bến và các em học sinh lội bộ về nhà trong tiếng cười giòn giã. Đúng 12 giờ, cái nắng gắt khiến nhiều em học sinh và phụ huynh thấm mệt, mồ hôi lã chã khi đi trên đò không mái.

Ông Nguyễn Văn Thận (52 tuổi) cho biết: “Giờ công việc chính của tôi là đưa 2 đứa cháu đi học, bởi người dân trong này dù khó khăn cỡ nào cũng không để tụi nhỏ bỏ học. Ở đây mùa lũ vất vả lắm do phải đi đò, xuồng, ghe nhưng ai cũng quan niệm chỉ cho con em học mới có cơ hội thoát nghèo. Từ đó mà nơi đây được mọi người đặt là… đảo hiếu học”, ông Thận chia sẻ.

Dẫu rằng việc học ở “đảo hiếu học” vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của các em và sự hỗ trợ tận tình của các cấp chính quyền địa phương, học sinh nơi vùng lũ vững tin trên con đường tìm tri thức, mở ra con đường thoát khỏi cảnh nghèo khó; trong đó xuất hiện nhiều gia đình điển hình.

Bán đất, vay nợ để cho con cháu được đến trường, ông Huỳnh Minh Trưng (70 tuổi, Năm Trưng) nói: “Để cho 3 đứa con học đại học tôi bán 14 công đất và vay gần 100 triệu đồng. Dòng họ tổng cộng có 18 người con và cháu đỗ đại học; trong đó có nhà tôi. Ngày xưa ở đoạn kênh này người ta nói tôi khùng cho con đi học, nhưng tôi vẫn quyết tâm nên giờ tụi nó đều có việc làm ổn định”.

Ông Võ Tấn Hương - Trưởng ấp Phú Hiệp - cho biết: “Cù lao Bảy Trúc có 50 hộ, với 300 nhân khẩu. Học sinh ở Bảy Trúc rất hiếu học và nhiều gia đình được công nhận danh hiệu gia đình hiếu học như hộ ông Năm Trưng, Sáu Khang, Bảy Đăng, Tám Tề… Tính đến thời điểm này, cù lao Bảy Trúc có khoảng hơn 50 em đỗ đại học”.

Còn ông Cao Xuân Điệu - Chủ tịch UBND xã Phú Hữu - cho biết: “Cù lao Bảy Trúc có gần 50 em học sinh đang theo học tại các điểm trường trong và ngoài xã. Mặc dù năm nay nước lũ có cao hơn mấy năm trước, một số nơi bị ngập nhưng cuộc sống người dân không bị ảnh hưởng nhiều. Để đảm bảo công tác học tập và đi lại của người dân, UBND xã đã thuê người và phương tiện đưa rước trong khoảng thời gian nước lũ về”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...