“Huấn luyện viên” tình nguyện
Bà Thia kể, trước đây, quê bà ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Năm 26 tuổi, bà lên huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp làm đủ thứ nghề để nuôi thân. Gia đình bà có 9 thành viên, nhưng ông anh thứ ba chết khi còn bé, còn người thứ hai và thứ tư hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Nhà có 16 công ruộng nhưng từ ngày cha mẹ mất đã để lại cho người em út, còn bà bỏ xứ đi lập nghiệp. Một mình dám tha phương bởi khi 14 tuổi bà đã từng làm giao liên, rèn được cái tính chẳng sợ trời, không sợ đất.
Lên thị trấn Mỹ An bà làm đội trưởng đội bốc vác đá, cát, xi-măng để thi công Bệnh viện 30/4, nay là Bệnh viện Tháp Mười. Với “chức” này, mỗi tuần bà có nguồn thu nhập từ 1,5 – 2 triệu đồng. Làm được 3 năm, bà mất việc do xảy ra sự cố khiến công trình ngưng thi công. Sau đó bà lên xã Hưng Thạnh - vùng đất bốn bề là rừng tràm, tự nhủ ai mướn gì làm nấy.
Thời điểm này nguồn sống của bà là tiền đốn tràm, nhổ cỏ, dặm lúa mướn. Để có chỗ ở, bà xin mượn đất hàng xóm cất căn chòi. Thấy bà tính tình hiền lành, chịu khó lao động nên một người đàn ông tên Tổng nhận làm con nuôi, rồi cho đất cất nhà. Thấy bà cũng có “nét”, nhiều chàng trai ngỏ lời nhưng bà đều từ chối, chấp nhận sống một mình.
Năm 1992, bà Thia được xã vận động làm cán bộ phụ nữ ấp, mỗi tháng được phụ cấp 200.000 đồng. Nguồn sống chỉ bấy nhiêu nên hàng ngày bà ra đại lý lãnh 70-100 tờ vé số đi bán. Năm 2009, biết tài bơi lội giỏi của bà Thia, khi triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em, xã đã đề cử bà làm “huấn luyện viên”.
Nói về những ngày đầu dạy bơi, bà Thia chia sẻ: “Lúc đầu xã mời, mình cũng sợ lắm, bởi không biết bắt đầu từ đâu, dạy thế nào… Tuy nhiên nghĩ đến cảnh hết trẻ em nơi này đến nơi khác đuối nước thấy tội vô cùng, trong khi đó mình biết bơi mà ngồi không. Sau khi nhận lời, tôi được đưa tập huấn hết 3 ngày trên huyện, rồi trở về bắt tay vào dạy các cháu cho đến nay”.
Không còn trường hợp trẻ đuối nước
Thời điểm đầu, mỗi khóa bơi được bà Thia chỉ tập trung huấn luyện ở 1-2 ấp, lượng học viên dao động ở mức 70 - 80 em. Sau một thời gian, nhiều phụ huynh thấy bà dạy hiệu quả nên đưa con đến học ngày một nhiều, nay mở rộng ra 5 ấp, số học sinh tham gia gần 200 em/đợt.
Việc dạy bơi chủ yếu tập trung vào 3 tháng hè và chuẩn bị tâm thế cho các em đi học an toàn trong mùa lũ. Mỗi buổi bơi diễn ra 1,5 tiếng/ngày và khóa học kéo dài từ 10-15 ngày. Địa điểm học là những kênh, sông trên địa bàn 5 ấp.
Trước mỗi mùa bơi, bà Thia đem lưới lại cắm và cột dưới sông thành “hồ bơi”, bất chấp những ngày lạnh buốt. Mỗi chiếc “hồ bơi” có chiều ngang 4m, dài 8m, sâu 2m. Hàng ngày, bà phải chạy xe gắn máy hàng cây số từ điểm này qua điểm khác để dạy bơi cho học trò.
Nói về việc học trò ngày một đông, bà Thia cho biết: “Chỉ cần tôi dạy 5 ngày là trẻ biết bơi. Tụi nhỏ học mau là vì mình chỉ từng tư thế như tay phải thẳng, cách đạp chân, cằm ngang mặt nước để nửa thân người sau không bị chìm. Ngoài ra phải đỡ từng cháu một và để trẻ tự bơi khi gần đến đích. Đối với những em bơi chậm mình chịu khó tập thêm nên có khi 6 giờ chiều mới về tới nhà”.
Xong mỗi mùa dạy bơi, bà Thia được xã cấp hỗ trợ từ 1,5 – 2 triệu đồng, nhờ vậy mà có tiền... đổ xăng. Thấy được tấm lòng của bà, nhiều phụ huynh tình nguyện gửi tiền nhưng bà nhất quyết từ chối. Bà nói: “Mình nhận dạy vì thương tụi nhỏ, sợ tụi nhỏ bị đuối nước”.
Nhắc lại kỷ niệm khó quên trong công tác huấn luyện, bà Thia chia sẻ: “Cách nay khoảng 10 năm, khi đó Gấm mới 6 tuổi, nhà ở ấp 3 trong một lần xuống sông đi vệ sinh bỗng trượt chân lọt sông. Gấm tự bơi lên vì nhờ đã học khóa bơi chỗ tôi. Thời điểm đó, mỗi em học xong được nhận 20.000 đồng từ tài trợ của dự án nên khi bơi lên được, nó đem số tiền được nhận lại tặng mình và nói: Nhờ bà Sáu mà con té sông không chết”. Em Lên Quốc Bảo (10 tuổi, học lớp 5) cho biết: “Lúc đầu, xuống sông là em bám chặt bà Sáu vì sợ chìm. Sau đó được bà trấn an và chỉ dạy tận tình, 3 ngày sau đã tự bơi được. Giờ đây, em thoải mái tắm sông cùng các bạn trong xóm mà ba mẹ khỏi canh chừng”.
Mỗi buổi sáng, bà Thia hối hả đến “hồ bơi” để huấn luyện bơi cho học trò. Trước khi xuống “hồ bơi”, bà cho các em xếp hàng rồi chỉ dạy từng động tác tay, chân kèm theo đó là màn khởi động điêu luyện. Sau 20 phút làm nóng người, các em lần lượt xuống “hồ bơi” để bắt đầu buổi huấn luyện.
Đối với những em nào biết bơi chập chững, bà cho bơi theo cặp, còn những em chưa biết bà đỡ và chỉ dạy từng chút một. Tính đến nay, 15 năm, số học trò được bà Thia dạy bơi miễn phí trên 2.000 em.
Ngoài làm “huấn luyện viên” miệt vườn, bà Thia còn làm Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ, cộng tác viên dân số đã gần 10 năm nay. Mỗi lần thấy hoàn cảnh nào khó khăn bà đi vận động tiền cho họ cất nhà, gạo ăn khi đói. Từ những việc làm thiết thực bà nhiều năm được cấp trên tặng giấy khen.
Ông Lê Văn Tài - Phó chủ tịch UBND xã Hưng Thạnh - cho biết: “Đây là xã vùng xa, có hơn 2.300 hộ; trong đó hộ nghèo chiếm 315 và cận nghèo là 94. Nhiều gia đình đi làm ăn xa nên ít dành thời gian dạy bơi cho trẻ. Do vậy vào tháng 5 hàng năm, xã xây dựng kế hoạch phổ cập bơi cho trẻ em có độ tuổi từ 6 – 15 tuổi ở 5 ấp trên địa bàn.
Tùy theo nhu cầu thực tế tại mỗi ấp mà thành lập 1 - 3 điểm dạy bơi. Sau khi các em hoàn thành khóa phổ cập diễn ra từ 10 – 15 ngày, Trung tâm Văn hóa Thể dục thể thao huyện đến sát hạch, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng nhận. Đối với những trường hợp không đạt sẽ bố trí học đợt 2 hoặc năm sau.
Do vậy từ năm 2005 đến nay trên địa bàn xã không có trường hợp trẻ em bị đuối nước. Đối với cô Thia là diện hộ nghèo, làm nhiều nghề kiếm sống nhưng rất tâm huyết với nghề dạy bơi cho trẻ…”.