Dự thảo quy chế thi thể hiện nỗ lực cao của Bộ GD&ĐT

GD&TĐ - 2 Dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và Tuyển sinh ĐH, CĐ vừa được Bộ GD&ĐT công bố thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. GS.TSKH Lâm Quang Thiệp có một số ý kiến đóng góp cho dự thảo từ góc nhìn một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về đo lường và đánh giá trong giáo dục.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
 GS. Lâm Quang Thiệp

GS Lâm Quang Thiệp rất phấn khởi vì Bộ GD&ĐT đã quyết định tổ chức một kỳ thi quốc gia chung, trong đó chú ý đến việc đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, khách quan, tránh tiêu cực.

Đặc biệt, trong dự thảo Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia quy định các trung tâm thi đều do các trường đại học quản lý là rất tốt. Tất cả những khâu chuẩn bị mà Bộ GD&ĐT nêu ra đều nhằm đảm bảo cho kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, giảm thiểu tiêu cực, đó là cố gắng rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, về công nghệ thi cử chỉ nên xem đây là quy định cho bước đầu. Tổ chức kỳ thi nghiêm túc sẽ góp phần nâng cao chất lượng kỳ thi, nhưng một yếu tố có tính chất quan trọng quyết định là công nghệ thi cử: Chọn môn thi, ra đề thi, chấm thi. Tổ chức một kỳ thi an toàn, nghiêm túc chưa đủ để đảm bảo chất lượng kỳ thi.

GS Thiệp cho biết: Ông đặc biệt quan tâm đến Điều 3 (các môn thi) của Dự thảo Quy chế, thể hiện việc Bộ GD&ĐT đã lựa chọn phương án 1 trong số 3 phương án đưa ra trước đây.

Có lẽ đây là phương án ít thay đổi nhất. Tuy nhiên phương án này chỉ nên sử dụng cho năm 2015 còn những năm sau phải tiến đến phương án tiến bộ hơn để làm cho kỳ thi vừa gọn nhẹ hơn vừa có chất lượng cao hơn.

Đề xuất phương án mới thi sau 2015

Phương án hiện nay thi 8 môn, trong đó có 4 môn trắc nghiệm và 4 môn tự luận. Bộ quy định mỗi môn tự luận 180 phút, và kỳ thi 8 môn diễn ra trong 8 buổi. Như vậy kỳ thi sẽ kéo dài.

Cùng đó, nhiều môn, số phương án lựa chọn vào các trường Đại học sẽ rất khác nhau, điều này gây khó khăn cho thí sinh. Khoa học đo lường trong giáo dục chỉ ra rằng: Chất lượng của kỳ thi bằng trắc nghiệm do chất lượng của đề thi quyết định, còn chất lượng của kỳ thi bằng tự luận do trình độ người chấm quyết định.

Đề thi trắc nghiệm có thể xây dựng trong cả năm, với sự tham gia của nhiều người mà không sợ lộ đề. Với ngân hàng câu hỏi đã được thử nghiệm và chỉnh sửa kỹ càng, trước kỳ thi ít ngày chỉ cần làm đề thi nhờ phần mềm máy tính là có đề thi tốt, mà hoàn toàn không sợ lộ bí mật.

Khi sử dụng phương án 3, số đề thi chỉ còn 5, vì có 1 đề là tích hợp các môn khoa học xã hội, một đề là tích hợp các môn khoa học tự nhiên. mà tất cả chủ yếu là các đề trắc nghiệm, nên có thể tổ chức trong 2 buổi là đủ.

GS Thiệp cung cấp thông tin về hai kỳ thi cuối bậc phổ thông và tuyển sinh đại học của 2 tập đoàn đánh giá tiến hành song song ở Mỹ: SAT thi 2 môn: Tiếng Anh, Toán và 1 câu tự luận ngắn làm trong 25 phút, thời gian tổng cộng 3 giờ 45 phút; ACT cho 4 môn: Tiếng Anh, Toán, Đọc hiểu (chủ yếu khoa học xã hội) và Suy luận (khoa học tự nhiên) kèm một câu tự luận ngắn làm trong 30 phút, thời gian tổng cộng chỉ 3 giờ 25 phút.

Theo GS Lâm Quang Thiệp, dư luận lo lắng về việc tích hợp các đề khi các môn chưa được tích hợp trong chương trình, nhưng thật ra chưa cần tích hợp môn học vẫn ra được đề tích hợp (hoặc gọi tổng hợp thì chính xác hơn): đó là một đề bao gồm các đề đơn. Tất nhiên các đề đơn đều phải là đề trắc nghiệm.

Chẳng hạn, một đề tổng hợp khoa học tự nhiên gồm 20 câu Lý, 20 câu Hóa và 20 câu Sinh là đủ. Ngoài ra, muốn đánh giá khả năng diễn đạt và giải quyết vấn đề của thí sinh, thì trong mỗi đề Tiếng Việt và Toán có thể thêm một câu tự luận ngắn, hạn chế làm trong 30 phút, buộc thí sinh phải suy nghĩ cẩn thận khi viết và cũng giảm nhẹ công sức chấm thi.

Rất mong Bộ GD&ĐT tiếp tục “đổi mới tuyển sinh theo hướng áp dụng công nghệ đo lường giáo dục hiện đại” như định hướng tại Nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới giáo dục đại học. 

                                                                    GS Lâm Quang Thiệp

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ