Tạo không gian hoạt động rộng lớn cho nhà giáo

GD&TĐ - Xây dựng Luật Nhà giáo cần trả lời được câu hỏi: Nhà giáo sẽ được gì khi ban hành Luật? Lực lượng nhà giáo sẽ được phát triển gì thêm từ Luật này?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận phiên họp.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận phiên họp.

Đây là điều được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Trưởng Ban soạn thảo Dự án Luật Nhà giáo nhấn mạnh tại phiên họp toàn thể Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo sáng 7/5 tại Bộ GD&ĐT.

Tổng hợp các phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Phó trưởng ban thường trực Ban soạn thảo cho biết, các ý kiến đều thống nhất cao quan điểm về sự cần thiết, thậm chí cấp bách trong xây dựng Luật Nhà giáo. Vấn đề này không phải mới đặt ra mà đã được Bộ GD&ĐT nung nấu, nghiên cứu từ nhiều năm nay.

Ngoài ra, những vấn đề được các đại biểu, chuyên gia tập trung trao đổi liên quan đến đối tượng điều chỉnh trong Luật Nhà giáo; chế độ, chính sách và tính đặc thù của nhà giáo; tuyển dụng nhà giáo; nghĩa vụ, trách nhiệm nhà giáo và công tác truyền thông…

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại phiên họp.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại phiên họp.

Bày tỏ cảm ơn các ý kiến trao đổi, góp ý và nhận định bộ phận soạn thảo đã đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, tâm huyết để chuẩn bị dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ một số quan điểm chung. Theo đó, Bộ trưởng cho rằng, mục đích, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng Luật đã rất rõ; vấn đề là cần trả lời được câu hỏi mà 1,6 triệu nhà giáo quan tâm, đó là: Nhà giáo sẽ được gì khi ban hành Luật? Lực lượng nhà giáo nói chung sẽ được phát triển gì thêm từ Luật này?

Để tạo sự đồng thuận, việc truyền thông chỉ là ngọn, nội dung các điều khoản của Luật mới là gốc. Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ quan điểm: Nội dung Luật Nhà giáo không thể quá ôm đồm, nhưng những nội dung quan trọng mà chúng ta mong muốn, kỳ vọng phải được đề cập, thông qua. Một số nội dung nếu có va chạm, mâu thuẫn, trùng lặp với các văn bản quy phạm pháp luật khác, nhưng tốt cho nhà giáo thì kiên quyết đưa vào…

Phiên họp nhận được 10 ý kiến góp ý của các chuyên gia. Trong ảnh: Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu góp ý dự thảo Luật Nhà giáo.

Phiên họp nhận được 10 ý kiến góp ý của các chuyên gia. Trong ảnh: Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu góp ý dự thảo Luật Nhà giáo.

Ngoài các quan điểm chung nói trên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh một số vấn đề lớn như: Vị thế của nhà giáo, phát triển, tôn vinh và bảo vệ nhà giáo; đời sống, lương, thu nhập, điều kiện làm việc của nhà giáo; chứng chỉ hành nghề; quản lý nhà nước đối với nhà giáo…

“Mừng là, trong đề xuất cải cách tiền lương, lĩnh vực giáo dục và y tế được xếp ở mức phụ cấp nghề cao nhất - 30%. Tổng quỹ lương cơ bản của ngành cũng đang ở nhóm cao nhất. Tuy nhiên, chúng ta cần thể chế hóa để bảo đảm sự bền vững, luật hóa chủ trương tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”, Bộ trưởng làm rõ thêm.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu.

Vấn đề quản lý nhà nước đối với nhà giáo, Bộ trưởng cho rằng, cần trên nguyên tắc bảo đảm tính quản lý thống nhất trong toàn ngành, thông suốt từ trung ương đến địa phương; làm sao phát triển đội ngũ tốt nhất; quản lý, khai thác, điều hành, phát huy tốt nhất, từ vấn đề tuyển dụng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm liên quan đến nhân sự cơ sở giáo dục. Nhưng phải trên cơ sở bảo đảm quyền quản lý nhà nước và trách nhiệm của ngành Nội vụ, việc phân cấp địa phương.

“Đề ra quản lý nhà nước một cách thống nhất phải giải quyết được những điểm nghẽn hiện nay; mở thông được quản lý trong phạm vi rộng toàn ngành và tạo ra không gian hoạt động rộng lớn cho nhà giáo”, Bộ trưởng bày tỏ.

Tại Phiên họp, Bộ trưởng cũng trao đổi quan điểm về một số nội dung tổ soạn thảo xin ý kiến; đồng thời tiếp thu ý kiến góp ý và giao nhiệm vụ cho các đơn vị, cục vụ, cơ sở giáo dục đại học trong thời gian tới.

Từ năm 2018 đến 2021, Bộ GD&ĐT đã tiến hành triển khai các nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, tổ chức các khảo sát trong nước và quốc tế, huy động đội ngũ chuyên gia trong và ngoài ngành phục vụ đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cho đến thời điểm này, có thể nói, việc đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo đã được chuẩn bị nghiêm túc tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng Luật khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 của Quốc hội khóa XV.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ