Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024):

Báo Giáo dục và Thời đại đồng hành cùng thầy - trò Điện Biên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Báo Giáo dục và Thời đại luôn hướng tới thầy cô và học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có một số điểm của mảnh đất Điện Biên lịch sử...

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại trao quà cho học sinh nghèo trên địa bàn huyện Điện Biên. Ảnh: Ngọc Diệp
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại trao quà cho học sinh nghèo trên địa bàn huyện Điện Biên. Ảnh: Ngọc Diệp

Từ tiền thân là tờ báo Người Giáo viên Nhân dân, trong 65 năm xây dựng và trưởng thành (1959 – 2024), cùng với việc không ngừng đổi mới để bắt kịp nhu cầu của đời sống, Báo Giáo dục và Thời đại còn luôn quan tâm đến công tác thiện nguyện, hướng tới thầy cô và học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, trong đó có một số điểm của mảnh đất Điện Biên lịch sử...

Sưởi ấm đông giá

Mùa Đông năm 2018, nhà báo Dương Thanh Hương – Phó Tổng Biên tập không quản ngại đường sá xa xôi, vượt hơn 700km đường rừng và đặt chân đến huyện biên giới Mường Nhé (địa danh con gà gáy 3 nước Lào – Việt – Trung cùng nghe) để thực hiện chuyến thiện nguyện đầy ý nghĩa - chương trình “Đông ấm cho em” tại xã Pá Mỳ.

“Chúng tôi rất vui khi các em được nhà báo Triệu Ngọc Lâm phát tâm ủng hộ. Tấm lòng nhân ái này đã giúp các em vượt qua khó khăn, có nhà ở ổn định để yên tâm học tập. Mấy năm qua, cả 3 chị em Tuyết luôn học chăm ngoan”. - Thầy Phạm Hải Cường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Na Sang

“Mường Nhé là huyện đặc biệt khó khăn của Điện Biên. Bởi thế, tôi thực sự cảm phục tinh thần vượt khó của thầy trò nơi đây. Trong điều kiện thiếu thốn đủ bề, xa chồng, xa con song họ vẫn một lòng yêu nghề, mến trẻ.

Tuy đa số học sinh là con em hộ nghèo, song ngày ngày vẫn băng rừng đến trường học chữ, đó là điều hiếm nơi nào có được. Những phần quà lần này có ý nghĩa hơn bởi sẽ góp phần giúp các em vượt qua những mùa Đông lạnh giá trong hành trình học chữ”, nhà báo Dương Thanh Hương chia sẻ.

Trước sự chứng kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương, tập thể cán bộ, giáo viên 2 trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pá Mỳ, Ban Tổ chức chương trình “Đông ấm cho em” trao 578 suất quà, gồm: Chăn đông, áo ấm, chiếu, màn tuyn, ủng đi mưa... trị giá 250 triệu đồng đến tận tay học sinh. Đó là những suất quà được “gói ghém” từ tình cảm chân thành, đầy ý nghĩa của Báo Giáo dục & Thời đại và Quỹ hỗ trợ Giáo dục NTS – Kaspersky với tinh thần sẻ chia yêu thương.

Ông Giàng A Trừ, Bí thư Đảng ủy xã Pá Mỳ khi đó, không giấu được sự xúc động: “Ở đây có hơn 90% gia đình dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo. Chính sự hỗ trợ của Báo Giáo dục & Thời đại và Quỹ hỗ trợ Giáo dục NTS – Kaspersky là một nguồn động viên, tạo điều kiện thuận lợi để bà con vươn lên có cuộc sống đủ đầy hơn; các cháu học sinh được đón một mùa Đông ấm áp hơn”.

Chuyến thiện nguyện đầy ý nghĩa này đã đặt “nền móng” cho các hoạt động nhân ái của Báo Giáo dục và & Thời đại những năm tiếp theo ở khu vực Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng.

Nhà báo Dương Thanh Hương (áo đen ngồi giữa) – Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại thăm và trao tặng quà cho học sinh nghèo tại Điện Biên. Ảnh: Ngọc Diệp

Nhà báo Dương Thanh Hương (áo đen ngồi giữa) – Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại thăm và trao tặng quà cho học sinh nghèo tại Điện Biên. Ảnh: Ngọc Diệp

Lên “rốn lũ” Nậm Nhừ...

Cho đến tận hôm nay, các giáo viên ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Nậm Nhừ (Nậm Pồ) vẫn chưa thể quên được trận lũ kinh hoàng xảy ra lúc 5 giờ sáng ngày 17/8/2020. Nước lũ đổ về bất ngờ, giáo viên chỉ kịp chạy thoát thân, tài sản mất hết. Hai ngôi nhà của giáo viên, 4 gian nhà ở của học sinh bán trú bị lũ cuốn trôi. Một dãy nhà công vụ với 6 phòng ở bị hư hỏng nặng. Hơn chục xe máy bị lũ cuốn trôi, các lớp học bị ngập sâu trong bùn đất. Các giáo viên cắm bản ở đây rơi vào cảnh “màn trời, chiếu đất”.

Thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của thầy cô nơi đây, chỉ trong hơn chục ngày kêu gọi, nhóm thiện nguyện Hoa Hoàng (Hà Nội) đã kết nối với một số câu lạc bộ thiện nguyện khắp mọi miền Tổ quốc huy động được hơn 600 suất quà với trị giá gần 300 triệu đồng hỗ trợ nhân dân địa phương cùng thầy trò các trường bị ảnh hưởng.

Do lượng hàng lớn, lần lượt các xe “ba chân” hộc tốc “phi” từ các tỉnh miền xuôi ngược rừng lên Điện Biên ứng cứu. Việc vận chuyển trong điều kiện mùa mưa, đường trơn trượt, khó đi nên hàng trăm cán bộ, giáo viên, cán bộ chiến sĩ Công an huyện, bộ đội biên phòng cùng phụ huynh học sinh đã huy động “tổng lực” để vận chuyển bằng xe máy cho kịp khai giảng. Cũng chẳng ai bảo ai, mỗi nhà “đóng góp” một xe máy tham gia vận chuyển.

Nhà báo Nguyễn Đức Tuân – Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại (thứ 7 từ phải qua) cùng các mạnh thường quân trao tặng các suất quà trị giá hơn 530 triệu đồng cho thầy trò 5 trường trên địa bàn xã Mường Mươn. Ảnh: Ngọc Diệp

Nhà báo Nguyễn Đức Tuân – Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại (thứ 7 từ phải qua) cùng các mạnh thường quân trao tặng các suất quà trị giá hơn 530 triệu đồng cho thầy trò 5 trường trên địa bàn xã Mường Mươn. Ảnh: Ngọc Diệp

Hai hôm trước ngày khai giảng, Báo Giáo dục & Thời đại cùng nhóm thiện nguyện Hoa Hoàng đã thay mặt mạnh thường quân trong cả nước chuyển trao 205 suất quà cho học sinh tiểu học (mỗi suất quà bao gồm: Chăn, màn, gối, chiếu, vở viết, bút viết, xô xách nước, bàn chải, tuýp kem đánh răng) và gần 500 chiếc bánh Trung thu.

Riêng gần 100 học sinh nội trú và giáo viên chịu thiệt hại do lũ ống được trao tặng thêm 500kg gạo và 50 thùng mì tôm. 80 học sinh ở Trường Mầm non Nậm Nhừ cùng các giáo viên bị mất nhà do mưa lũ cũng được trao tặng nhiều đồ dùng thiết yếu để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

“Nếu không có những nghĩa cử cao đẹp của các mạnh thường quân, không có sự kết nối của Báo Giáo dục & Thời đại thì có lẽ các cháu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới như ở Nậm Nhừ chúng tôi chẳng biết đến cái bánh Trung thu. Tôi tin rằng các thầy cô, học trò ở đây sẽ sớm quên đi mất mát, nỗ lực vươn lên trong dạy và học để không phụ lòng mong mỏi của nhà hảo tâm khắp mọi miền Tổ quốc”, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Nậm Pồ xúc động nói.

Trao tặng nhà “Khăn quàng đỏ” cho học sinh mồ côi tại huyện Mường Chà vào tháng 8/2022. Công trình do nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại phát tâm ủng hộ và kêu gọi. Ảnh: Ngọc Diệp

Trao tặng nhà “Khăn quàng đỏ” cho học sinh mồ côi tại huyện Mường Chà vào tháng 8/2022. Công trình do nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại phát tâm ủng hộ và kêu gọi. Ảnh: Ngọc Diệp

Viết tiếp giấc mơ đến trường...

Tháng 3/2022, em Lường Thị Tuyết đang là học sinh lớp 6A1 Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học số 1 Na Sang (Mường Chà). Tuyết sinh ra trong gia đình đặc biệt khó khăn, thuộc hộ nghèo: Bố bị tai nạn mất sớm, mẹ đi làm xa, bỏ lại ba đứa con thơ dại. Ngày qua ngày, ba chị em nương tựa lẫn nhau.

Tuyết thay cha mẹ chăm sóc, dạy bảo các em. Cả 3 sống chung trong căn nhà gỗ ọp ẹp luôn chực đổ, mưa thì dột, nắng thì hắt. Cứ đến bữa, ba chị em lại sang xin cơm nhà ông bà ngoại bên cạnh. Dù vậy, các em luôn cố gắng đi học đều. Tuyết còn là lớp trưởng gương mẫu, học sinh giỏi của trường. Bởi vậy, chưa khi nào em thôi lo sợ sẽ không được đến trường như bạn bè cùng trang lứa.

Cũng thời điểm đó, nhân dịp khai trương Văn phòng Đại diện Báo Giáo dục & Thời đại khu vực Tây Bắc, nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại có chuyến công tác tại Điện Biên. Thấu hiểu hoàn cảnh của 3 chị em, nhà báo Triệu Ngọc Lâm đã phát tâm ủng hộ tiền mặt, kêu gọi xây dựng nhà ở cho các em.

Lời phát động đó đã nhận được sự đồng thuận cao từ nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp địa phương, Hội đồng đội tỉnh Điện Biên. Sau mấy tháng triển khai, ngày 7/8/2022, ngôi nhà xây chắc chắn có tổng vốn gần 100 triệu đồng với diện tích 35m2 đã được hoàn thành trong niềm vui vỡ òa của 3 chị em Tuyết, bà con dân bản cùng tập thể giáo viên các trường trên địa bàn.

“Tôi rất cảm phục tinh thần vượt khó để đến trường của các em. Lẽ ra ở độ tuổi này, các em phải được nâng niu, được giáo dục, song vì hoàn cảnh éo le nên em Tuyết phải thay cha, thay mẹ bươn chải với cuộc sống và dạy dỗ các em khi còn rất nhỏ. Phần quà mà Báo Giáo dục & Thời đại cùng các mạnh thường quân dành tặng cho 3 chị em Tuyết lần này tuy không lớn song cũng góp phần nào giúp các em viết tiếp giấc mơ đến trường”, nhà báo Triệu Ngọc Lâm chia sẻ.

Năm nay, Lường Thị Tuyết đã là thiếu nữ. Em đang theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Na Sang. Em vẫn là “lá cờ đầu” của lớp 8A1 trong phong trào học tập. Còn Lường Thị Thanh Huyền đã học lớp 4B của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Na Sang. Em út Lường Văn Nguyễn cũng đang theo học lớp 2 của ngôi trường này.

Đại diện Báo Giáo dục & Thời đại trao tặng các suất quà trị giá gần 300 triệu đồng hỗ trợ cô trò và nhân dân vùng lũ Nậm Nhừ, Nậm Pồ vào tháng 9/2020. Ảnh: Ngọc Diệp

Đại diện Báo Giáo dục & Thời đại trao tặng các suất quà trị giá gần 300 triệu đồng hỗ trợ cô trò và nhân dân vùng lũ Nậm Nhừ, Nậm Pồ vào tháng 9/2020. Ảnh: Ngọc Diệp

Đem ánh sáng đến Mường Mươn...

Tháng 3 vừa qua, hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024) Báo Giáo dục & Thời đại tiếp tục kết nối với nhóm thiện nguyện Hoa Hoàng, triển khai liên tiếp 3 chương trình thiện nguyện dành cho cô trò khu vực biên giới của xã Mường Mươn (Mường Chà). Tổng trị giá 3 chương trình lên tới hơn 1 tỷ đồng.

“Hành trang” mà đoàn thiện nguyện mang theo trong chuyến thiện nguyện lần này là: 100 xe đạp; 42 suất học bổng cho học sinh mồ côi; 5 bộ phát điện năng lượng mặt trời; gần 100 bộ đồ chơi trong nhà và ngoài trời; 4 công trình mái che sân chơi, nhà ăn cho học sinh; 1,5 tấn gạo; 700 thùng mì tôm; gần 300 thùng sữa tươi; hàng trăm bộ chăn, gối... Tất cả dành tặng học sinh 5 trường học ở 3 cấp trên địa bàn xã Mường Mươn.

Nhà báo Nguyễn Đức Tuân – Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại bày tỏ: “Đặt chân lên đến mảnh đất này chúng tôi mới thấy rằng phải có nghị lực phi thường thì các cô mới bám trụ lại trong điều kiện hết sức khó khăn thế. Các con cũng vậy, rất yêu trường, yêu lớp, hiếu học nên mới chăm chỉ đến lớp mỗi ngày. Phần quà mà chúng tôi trao tặng là sự chia sẻ lớn lao cả về vật chất lẫn tinh thần nhưng vẫn chưa thể giải quyết hết được những khó khăn mà cô trò đang gặp phải. Song chúng tôi mong rằng sẽ phần nào giúp cô trò các trường có môi trường dạy học tốt hơn”.

Thầy trò các trường trên địa bàn xã Mường Mươn ai nấy đều vui mừng, phấn khởi khi đón nhận những phần quà đầy ý nghĩa và thiết thực đó. Song có lẽ, giáo viên hai cấp mầm non, tiểu học ở những điểm bản khó như: Huổi Meo, Pú Vang, Huổi Nhả, Pú Múa, Huổi Ho là những người vui hơn cả bởi từ sự hỗ trợ này, lần đầu nơi đây có điện.

Cô Phạm Thị Thảo, giáo viên Trường Mầm non số 2 Mường Mươn xúc động nói: “Mỗi chiều, các em tan học ra về thì giáo viên cắm bản như chúng tôi buồn lắm, chỉ có một mình với bóng đêm. Giờ có điện rồi, các cô có thể kết nối máy tính để soạn bài. Trong giờ học có thể bật quạt mát cho các con học, rồi giảng bài trực quan qua máy tính. Cô trò ở đây ai cũng vui!”.

“Có đến tận nơi mới thấy được nỗi vất vả, nhọc nhằn của các cô. Thực sự là họ thiếu đủ bề: Không điện, không nước, không có sóng điện thoại, đường đi thì hiểm trở... Qua việc kết nối với Báo Giáo dục & Thời đại để thực hiện các chuyến thiện nguyện ở vùng cao, chúng tôi thấy yên tâm hơn khi các phần quà đến đủ, đúng đối tượng. Mỗi chuyến đi cho tôi thêm một trải nghiệm mới. Bằng tình cảm của mình, tôi sẽ đi tiếp, kết nối tiếp để giấc mơ đến trường của các con được dài thêm”, chị Hoàng Thị Hoa – Trưởng nhóm thiện nguyện Hoa Hoàng bộc bạch.

Từ 2018 đến nay, Báo Giáo dục & Thời đại đã kết nối với các mạnh thường quân, nhóm thiện nguyện trong cả nước (nhất là nhóm Hoa Hoàng) thực hiện 20 chương trình thiện nguyện tại 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Đã có hơn 13 nghìn suất quà ý nghĩa được trao tặng tới tận tay các giáo viên, học sinh và đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Tổng giá trị các suất quà huy động được từ các chương trình là gần 4 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink.

Truyện ngắn: Viết tiếp giấc mơ

GD&TĐ - Chẳng hiểu sao ba mẹ lại treo ảnh Bác trên bàn thờ, ở vị trí cao nhất. Chòm râu dài, ánh mắt hiền từ và cái miệng cười mỉm trấn an tinh thần chị.
Binh chủng đặc biệt ở Trường Sơn

Binh chủng đặc biệt ở Trường Sơn

GD&TĐ - ​Tạo nên sức mạnh Trường Sơn là tổng lực của cả dân tộc, của cả thời đại, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ báo chí, văn nghệ sĩ.