Chủ tịch EU thừa nhận Trung Quốc làm phi công nghiệp hóa châu Âu

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho rằng Trung Quốc làm dư cung hàng hóa và khiến châu Âu phi công nghiệp hóa.

Chủ tịch EU Ursula von der Leyen cho rằng Trung Quốc gây nên tình trạng phi công nghiệp hóa ở châu Âu.
Chủ tịch EU Ursula von der Leyen cho rằng Trung Quốc gây nên tình trạng phi công nghiệp hóa ở châu Âu.

Trong chuyến công du châu Âu mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen.

Bà Ursula von der Leyen đã đề cập đến chính sách của Bắc Kinh mà bà cho rằng gây ra mối đe dọa phi công nghiệp hóa trong khối.

“Trung Quốc hiện đang sản xuất với mức trợ cấp khổng lồ, nhiều hơn số lượng bán ra do nhu cầu nội địa yếu.

Điều này dẫn đến tình trạng dư cung hàng hóa được trợ cấp của Trung Quốc, chẳng hạn như xe điện và thép, dẫn đến thương mại không công bằng” - bà nói.

Bà Ursula von der Leyen nói thêm: “Châu Âu không thể chấp nhận những hành vi bóp méo thị trường như vậy có thể dẫn đến phi công nghiệp hóa ở châu Âu”.

Trong vài tuần qua, chính quyền EU đã mở các cuộc điều tra về các hoạt động được cho là không công bằng của Trung Quốc, bao gồm các hạn chế cung cấp thiết bị y tế của châu Âu cho thị trường Trung Quốc và trợ cấp cho các công ty Trung Quốc sản xuất tua-bin gió, xe điện và tàu hỏa.

Trong khi đó, Trung Quốc đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu từ EU, điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu Pháp.

Các cuộc điều tra lẫn nhau được coi là một cuộc đối đầu ăn miếng trả miếng ngày càng gia tăng về chủ nghĩa bảo hộ.

Bà Von der Leyen đã thúc đẩy thương mại “giảm rủi ro” với Trung Quốc, nhưng chưa đi xa đến mức ủng hộ việc tách khỏi cường quốc kinh tế này.

Các thành viên EU phần lớn đã tách nền kinh tế của họ khỏi Nga trong nỗ lực trừng phạt Moscow về cuộc xung đột ở Ukraine. Việc mất khả năng tiếp cận nguồn khí đốt tự nhiên giá rẻ của Nga đã ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở Tây Âu, buộc các doanh nghiệp phải chuyển sản xuất sang địa điểm khác.

Mỹ là một trong những điểm đến chính của họ vì chính phủ đã cung cấp trợ cấp cho một số nhà sản xuất theo Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022.

Trong một bài viết đăng trên báo chí Pháp trước chuyến thăm, ông Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh cam kết đạt được “những khung cảnh mới” trong mối quan hệ với nước này.

Ông viết: “Pháp đang thúc đẩy tái công nghiệp hóa dựa trên đổi mới xanh, trong khi Trung Quốc đang đẩy nhanh phát triển lực lượng sản xuất mới có chất lượng”.

Ông Tập đã đến Pháp vào Chủ nhật và dự kiến sẽ đến thăm quốc gia thành viên EU khác là Hungary và Serbia.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ