Lan tỏa tinh thần 'chiến sĩ Điện Biên' đến thế hệ trẻ

GD&TĐ - Đã 70 năm trôi qua, nhưng lòng tự hào về Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn mãi in đậm trong tâm trí ông Nguyễn Công Nuôi - người chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Công Nuôi.
Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Công Nuôi.

Ông luôn mong muốn được trao truyền lại tình yêu đất nước của mình cho các thế hệ mai sau.

“Sống dậy” ký ức hào hùng

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trôi qua 70 năm, ở tuổi 90 ký ức về chiến dịch lịch sử vẫn còn in đậm trong tâm trí cựu binh Nguyễn Công Nuôi (tổ dân phố 1, thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên). Khí thế hào hùng của một thời “khói lửa” cùng đồng đội và nhân dân cả nước làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã sống lại qua câu chuyện của ông.

Mỗi độ tháng 5 về, ông lại bảo con, cháu đưa ông vượt hơn 40 km từ thị trấn Mường Ảng về thành phố Điện Biên Phủ, nơi có cụm di tích Điện Biên Phủ năm xưa để ghé thăm.

Ngần ấy năm đã trôi qua, song ông vẫn không thể nào quên từng chi tiết của mỗi trận đánh năm 1954. Ở đó là lòng chảo Mường Thanh, nơi ông trực tiếp tham gia chiến dịch. Từng “mảnh” kỉ niệm nhỏ với đồng đội ngày ấy, ông Nuôi luôn gìn giữ và chưa khi nào cảm thấy nhạt phai.

Quá khứ ghi lại ấn tượng sâu sắc nhất với ông là trận đánh Đồi A1. Đó là trận mở màn diễn ra vào ngày 31/3/1954, là một trong những trận đánh quan trọng trong giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của chiến dịch. Mục tiêu của quân đội ta trong trận này là xóa sổ trung tâm đề kháng Eliane 2 trong dãy cứ điểm phía Đông Điện Biên Phủ.

“Đây là trận chiến đấu gay go quyết liệt nhất trong toàn bộ Chiến dịch Điện Biên Phủ, với số bộ đội thương vong cũng là cao nhất. Trận đánh dai dẳng kéo dài cả tháng trời. Nhiệm vụ chính của tôi lúc ấy là pháo thủ số 1, Đại đội súng cối đánh yểm trợ cho các đơn vị xung kích đánh Đồi A1. Giữa sự sống, cái chết mong manh, song chúng tôi luôn quyết chí, bền lòng, anh dũng chiến đấu đến cùng”, ông Nguyễn Công Nuôi hồi tưởng lại.

Theo ông Nuôi, thời điểm đó quân ta thiếu thốn đủ thứ. Đường hành quân xa, địa hình hiểm trở nhưng trên vai người lính bao giờ cũng là hơn 50kg. Nhưng bằng ý chí sắt đá, ông cùng với đồng đội không màng khó khăn, gian khổ, quyết tâm tiêu diệt bằng được cứ điểm của quân địch, góp phần công sức, máu xương giành thắng lợi, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

“Khi ấy tôi còn trẻ, nhìn bom đạn rơi như mưa, đồng đội nằm xuống vô số, kể cũng sợ, song vẫn vững tin khi thấy cả đơn vị đều quyết tâm. Điều kiện gian khổ như thế, song tất cả đều đồng chí, đồng lòng. Tất cả đều quyết chiến để bảo vệ Tổ quốc. Mọi sự sợ hãi đều tan biến”, ông Nuôi kể.

Sau Chiến thắng Điện Biên, ông Nuôi cùng sư đoàn về đóng quân ở Thanh Hóa, hậu thuẫn cho nhân dân đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt. Năm 1958, ông trở lại Điện Biên củng cố quốc phòng, hỗ trợ nhân dân miền núi sản xuất, phát triển kinh tế.

Ông Nuôi kể: “Huyện Mường Ảng (huyện Tuần Giáo, tỉnh Lai Châu cũ) ngày xưa hoang sơ, người dân thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Khi ấy, đồng ruộng bỏ hoang, cỏ mọc ngang ngực. Sau giải phóng mới bắt đầu xây dựng lại cuộc sống. 70 năm trôi qua, hơn ai hết, tôi cảm nhận rõ sự đổi thay của mảnh đất Mường Ảng nơi mình đang sinh sống. Tôi thực sự tự hào vì đã cùng đồng đội quyết chiến, đem lại hòa bình và đời sống no ấm cho mảnh đất này”.

Công lao đóng góp của ông Nguyễn Công Nuôi cho đất nước đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều tấm huân, huy chương, bằng khen, giấy khen. Những phần thưởng cao quý ấy, ông vẫn giữ đến tận hôm nay. Trong đó có “Huân chương Chiến sĩ vẻ vang” - kỷ vật ông luôn giữ bên mình với tất cả niềm tự hào về một thời oanh liệt.

Ông Nguyễn Công Nuôi chụp ảnh lưu niệm cùng ông Nguyễn Tiến Đạt - Bí thư Huyện ủy Mường Ảng nhân buổi gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Nguyễn Công Nuôi chụp ảnh lưu niệm cùng ông Nguyễn Tiến Đạt - Bí thư Huyện ủy Mường Ảng nhân buổi gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tấm gương sáng cho thế hệ sau

Hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa trở về góp công, góp sức của mình vào nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế. Những kỷ niệm thời máu lửa là những bài học lịch sử sống động để ông giáo dục con, cháu về lòng yêu nước, tinh thần quật cường của dân tộc.

Điều làm ông Nuôi tự hào là con, cháu luôn hiếu thảo, chăm ngoan, kính trên nhường dưới, sống chuẩn mực tại nơi học tập và công tác. Hiện nay, con, cháu của ông nhiều người đã thành đạt, đang công tác tại các cơ quan Nhà nước.

“Cựu chiến binh Nguyễn Công Nuôi là người truyền lửa cho thế hệ trẻ. Việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ sau thông qua những câu chuyện kể của ông về thời kháng chiến đã góp phần khẳng định lịch sử hào hùng của dân tộc. Cùng với đó là những cống hiến lớn lao và sự hy sinh cao cả của cha ông. Câu chuyện của những chiến sĩ Điện Biên như ông đã góp phần bồi dưỡng lòng tự hào về truyền thống yêu nước của thế hệ trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Mường Ảng chia sẻ.

Theo ông Hùng, ông Nuôi đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình, ông đã có những đóng góp lớn trong việc tuyên truyền người dân bài trừ tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu. Từ sự thay đổi nhận thức của người dân đã tạo nền tảng cho công cuộc xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư thành công.

“Nhờ có nhiều đóng góp với địa phương nên ông Nguyễn Công Nuôi đã được bà con trong tổ dân phố 1, thị trấn Mường Ảng tín nhiệm, bầu là ‘Người có uy tín suốt 16 năm qua’”, ông Hùng nói.

70 năm sau ngày chiến thắng, cho đến tận hôm nay, ông Nguyễn Công Nuôi vẫn luôn mong muốn từ cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc sẽ giúp cho thế hệ trẻ thấm nhuần truyền thống yêu nước. Ôn cố tri tân là cách khơi gợi và phát huy tinh thần Điện Biên Phủ hiệu quả nhất, củng cố niềm tin vững chắc vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Ông luôn mong mỏi thế hệ trẻ hôm nay sống có hoài bão, ước mơ, tiếp bước cha anh, kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.