Doanh nghiệp có đơn hàng trở lại, nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo

GD&TĐ - Dù tình hình đơn hàng đã phục hồi trở lại nhưng phần lớn các doanh nghiệp (DN) đang gặp khó vì thiếu lao động.

Nhiều DN dệt may đã nhận đơn hàng đến hết quý III năm nay. Ảnh: Quốc Hải
Nhiều DN dệt may đã nhận đơn hàng đến hết quý III năm nay. Ảnh: Quốc Hải

Ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty CP Quốc tế Dony (Công ty may mặc Dony) cho hay, dịp lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Dony phải sắp xếp lao động làm xuyên suốt cả ngày lễ để kịp tiến độ đơn hàng.

"Các đối tác dí đơn hàng dữ quá nên Dony khuyến khích công nhân làm cả ngày Chủ nhật để kịp tiến độ. Nhìn chung, tình hình đơn hàng thời điểm này đang rất tốt, Dony hiện có số lượng đơn hàng đủ cho công nhân làm đến hết tháng 8 luôn", ông Quang Anh chia sẻ.

Kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, nhiều lao động tại Công ty CP Tập đoàn Gia Định chỉ sắp xếp nghỉ 2 ngày, còn lại đều đăng ký đi làm để công ty kịp tiến độ giao hàng cho khách hàng.

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Gia Định cho biết, hiện doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng cho quý III/2024.

Bên cạnh các khách hàng truyền thống tại Mỹ, EU, Tập đoàn Gia Định đã mở rộng thêm khách hàng mới ở Nhật Bản, Hàn Quốc, và khai thác những thị trường ngách như Nam Phi, Mexico,…

“Nhờ sản xuất những sản phẩm giày dép có chất lượng từ trung bình trở lên và có độ khó cao mà đơn hàng của DN đã tăng 30% so với năm trước”, ông Trung cho biết.

Theo ghi nhận của PV báo Giáo dục và Thời Đại, tình hình đơn hàng của các DN sản xuất dệt may, da giày tại TPHCM cũng đang dần có sự cải thiện trong 4 tháng đầu năm nay. Nhiều DN đã đã ký được đơn hàng đến hết quý II, thậm chí một số DN đã có đơn hàng đến quý III/2024.

Tuy nhiên, hiện đa phần các đơn hàng của các DN là đơn hàng nhỏ chứ không phải là đơn hàng lớn, lên đến hàng trăm nghìn hay hàng triệu sản phẩm như trước đây.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtek), nhận định thị trường tiêu thụ mặt hàng may mặc trên thế giới vẫn chưa thật sự ổn định. Trong khi đó, việc thiếu hụt lao động cũng là một vấn đề khó khăn mà các DN dệt may đang phải đối mặt.

"Thời điểm trước dịp Tết 2024, nhiều lao động trong ngành dệt may đã nghỉ do thiếu việc làm vì không có đơn hàng, nhưng khi đơn hàng phục hồi trở lại như hiện tại, phần lớn các DN đang tìm giải pháp thu hút lao động trở lại nhưng đang gặp khó vì thiếu lao động", ông Hồng chia sẻ.

Đây cũng là vấn đề của các DN sản xuất ở những lĩnh vực khác dù cho đơn hàng đang dần cải thiện.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (Huba) thì cho hay, hiện các doanh nghiệp tại địa bàn TP.HCM chủ yếu có đơn hàng ngắn giao quý I, quý II. Một số doanh nghiệp có đơn hàng đến quý III nhưng để ký được phải chịu sức ép đơn giá giảm, hàng rào kỹ thuật cao...

"Tuy vậy, các DN vẫn đang rất nỗ lực để không bỏ mất đơn hàng, chấp nhận thu nhập giảm và tìm giải pháp tiết giảm chi phí, duy trì công ăn việc làm cho lao động", ông Hòa cho biết.

Theo Báo cáo Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) mới nhất trong tháng 4/2024 của S&P Global được công bố vào ngày 2/5 cho thấy, chỉ số PMI đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm (ở mức 50,3 điểm) với số lượng đơn đặt hàng mới tăng mạnh đã giúp ngành sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, như lưu ý của S&P Global, trong thời điểm số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, việc giảm số lượng nhân viên khiến các doanh nghiệp khó hoàn thành kịp tiến độ các đơn hàng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tìm kiếm Đại lý máy lạnh LG chính hãng Bếp từ Lorca nhập khẩu định giá công ty