Đề xuất thăng hạng dựa trên năng lực, trình độ và thành tích trong lao động

GD&TĐ - Đại biểu Quốc hội, nhà giáo đề xuất: để xét thăng hạng viên chức nói chung và giáo viên nói riêng, cần minh chứng bằng năng lực, chuyên môn, thành tích trong dạy –học...

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh cho hay, không riêng gì giáo viên mà nhiều cử tri là cán bộ viên chức ở các lĩnh vực, ngành nghề khác đã phản ánh về một số bất cập đối với quy định các chứng chỉ khi bổ nhiệm, thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

Với giáo viên đã xóa bỏ được 2 “giấy phép con” là: tin học và Ngoại ngữ; nhưng các viên chức ở các ngành nghề khác vẫn phải đầy đủ các loại chứng chỉ này. Đây là áp lực không đáng có, thậm chí gây ra những phiền toái trong xã hội.

“Nhiều cử tri là giáo viên và viên chức khác đã phản ánh đến tôi rằng, học xong lớp bồi dưỡng, được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghệp rồi nhưng không bổ trợ nhiều cho chuyên môn nghiệp vụ. Chứng chỉ lại cất trong túi hồ sơ và có ý nghĩa hoàn thiện về mặt thủ tục, hành chính” - đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai cho hay.

Thầy Nguyễn Trọng Ngoạn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Phú Hòa (Chư Păh, Gia Lai) cho biết, đến thời điểm này, 100% giáo viên của trường đã học xong bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III và hạng II, có giáo viên đã có chứng chỉ hạng I.

Theo thầy Ngoạn, việc dạy  - học các lớp bồi dưỡng trên không thực chất, thậm chí còn hình thức. Các chuyên đề bồi dưỡng của giáo viên hạng III và hạng II đều na ná như nhau, không bổ trợ được nhiều cho giáo viên trong chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao năng lực sư phạm, bởi các nội dung kiến thức đã được học khi họ còn là sinh viên của trường sư phạm.

Thầy Ngoạn đề nghị, các đơn vị được giao bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cần cập nhật thực tiễn, liên tục làm mới các chuyên đề trong quá trình bỗi dưỡng. Đặc biệt, cần phân định rõ ràng, giữa các chuyên đề bồi dưỡng đối với chức danh nghề nghiệp. Ví dụ: chuyên đề bồi dưỡng giáo viên hạng III khác hạng II, hạng I như thế nào...

Từ thực tiễn, thầy Ngoạn đề xuất, nên chăng bỏ hẳn các loại chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Để xét thăng hạng giáo viên cần minh chứng bằng năng lực, chuyên môn, thành tích trong dạy –học.

“Giáo viên tiểu học hạng III, chỉ cần có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên tiểu học là đủ tiêu chuẩn về trình độ để được xếp giáo viên hạng III. Còn để được bổ nhiệm là giáo viên hạng II thì yêu cầu thêm về thành tích, chẳng hạn như chiến sỹ thi đua cơ sở, bằng khen, hay giấy khen của các cấp... hoặc đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện... như các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ quy định trong các Thông tư của Bộ GDĐT là đủ” – thầy Ngoạn dẫn giải.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng, cần bỏ các loại chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chức danh nghề nghiệp đối với viên chức nói chung và giáo viên nói riêng. Những “giấy phép con” này đã và  đang “hành” viên chức, gây tốn kém tiền bạc và thời gian.

Việc xét thăng hạng giáo viên cần dựa vào các minh chứng thông qua năng lực, trình độ, kết quả làm việc và thành tích trong lao động. Cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về việc này. Chẳng hạn, nếu viên chức muốn được xếp hạng I, thì ít nhất phải được Bằng khen của cấp Bộ trở lên... Tùy từng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ có những tiêu chí, tiêu chuẩn khác nhau.

“Còn nếu vẫn yêu cầu phải có về chứng chỉ thì chỉ nên áp dụng đối với những người có nhu cầu thăng hạng, hoặc thăng tiến, không nên bắt buộc chung đối với tất cả viên chức, trong đó có giáo viên” - đại biểu Quốc hội Tăng Thị Ngọc Mai nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.