Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp: Thăng hạng cần đi đôi với kỹ năng, kiến thức

GD&TĐ - Thăng hạng chức danh nghề nghiệp (CDNN) cần đi đôi với nâng cao kiến thức, kỹ năng, trình độ nghề nghiệp tương ứng.

Trong giờ học tại Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ảnh minh họa
Trong giờ học tại Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Hà Nội). Ảnh minh họa

Yêu cầu bồi dưỡng nâng cao trình độ khi thăng hạng công chức, viên chức cũng phổ biến trong phạm vi quốc tế. Vấn đề là cần có các chương trình bồi dưỡng phù hợp. 

Cơ hội GV phát triển nghề nghiệp

Thăng hạng CDNN là nhu cầu chính đáng, khẳng định uy tín, trình độ, năng lực phẩm chất của giáo viên (GV) qua quá trình tu dưỡng, phấn đấu. Nhấn mạnh điều này, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, cho rằng: Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, cần có những “mốc” để ghi nhận, đánh giá, thậm chí suy tôn giá trị nhà giáo. Vì vậy mới có các văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục, yêu cầu, nhiệm vụ cho từng “chặng” hoạt động.

Trong chùm Thông tư Bộ GD&ĐT mới ban hành quy định rõ về việc có chứng chỉ bồi dưỡng như một văn bản xác tín, minh chứng, công nhận những hoạt động cần thiết mà GV đã thực hiện. Đây chỉ là những yêu cầu, điều kiện cần cho một hồ sơ ứng viên thi hoặc xét thăng hạng CDNN. Điều này hoàn toàn bình thường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Cùng quan điểm này, theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam, CHLB Đức), việc GV khi muốn thăng hạng phải tham gia các khóa bồi dưỡng để có chứng chỉ bồi dưỡng theo chuẩn CDNN là cần thiết. Điều này phù hợp quy định từ các văn bản pháp lý như Luật Viên chức, Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ.

Bộ GD&ĐT ban hành các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn CDNN và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ bậc mầm non, giáo dục phổ thông (GDPT) đến đại học; trong đó bao gồm tiêu chuẩn “có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN”. Chuyên gia Nguyễn Văn Cường khẳng định: Quy định tiêu chuẩn này phù hợp yêu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo. Thăng hạng CDNN cần đi đôi với nâng cao kiến thức, kỹ năng, trình độ nghề nghiệp tương ứng. Chính sách này hỗ trợ, tạo cơ hội cho GV phát triển nghề nghiệp gắn với học tập suốt đời. Yêu cầu bồi dưỡng nâng cao trình độ trong thăng hạng công chức, viên chức cũng phổ biến trong phạm vi quốc tế. Vấn đề là cần có các chương trình bồi dưỡng phù hợp. 

Cập nhật kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp luôn song hành với từng giáo viên.
Cập nhật kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp luôn song hành với từng giáo viên.

GV không chỉ cần bồi dưỡng chuyên môn

Năm 2016, Bộ GD&ĐT ban hành các chương trình bồi dưỡng CDNN GV từng cấp học. Với thời lượng 240 tiết, chương trình gồm ba phần nội dung: Kiến thức về chính trị, quản lý Nhà nước và các kỹ năng chung; kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp của chức danh GV theo cấp học và hạng GV; tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc GV phải học kiến thức về chính trị, quản lý Nhà nước là không thiết thực.

Theo đánh giá của chuyên gia Nguyễn Văn Cường, các thành phần nội dung trong chương trình bồi dưỡng là cần thiết, phù hợp với yêu cầu công nhận thăng hạng GV; trong đó có kiến thức về chính trị, quản lý Nhà nước. Luật Giáo dục quy định: “Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo”. Vì vậy, nâng cao trình độ chính trị cũng là nội dung cần thiết trong chương trình bồi dưỡng GV, bên cạnh chuyên môn, nghiệp vụ. Thực tiễn giáo dục, hiểu biết chính trị, quản lý Nhà nước về giáo dục thực sự cần thiết trong thực hiện các nhiệm vụ của nhà giáo. Vấn đề là cần lựa chọn những nội dung cụ thể, thiết thực với hoạt động giáo dục của GV.

Từng 10 năm công tác trong ngành Giáo dục, bà Hồ Thị Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị trăn trở trước hạn chế về kiến thức chính trị, quản lý Nhà nước của bộ phận GV hiện nay. “Kiến thức về chính trị, quản lý Nhà nước, GV không chỉ nên học mà cần phải học”, nhấn mạnh điều này, bà Hồ Thị Minh cho rằng: Có hiểu biết chính trị, GV mới có thể giáo dục học trò lý tưởng, đạo đức cách mạng. Còn nắm chắc chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục chính là kim chỉ nam cho hoạt động dạy học của GV. Không chỉ thế, thầy cô cũng phải cập nhật các thông tin về đổi mới giáo dục, cũng như văn bản chính sách của ngành; công việc của nhà giáo không thể tách rời những điều này. 

Cập nhật chương trình bồi dưỡng phù hợp với bối cảnh mới

Để thực hiện các chương trình bồi dưỡng CDNN GV hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chung của đội ngũ nhà giáo, tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp cho từng GV về cả hạng GV, trình độ, năng lực nghề nghiệp, chuyên gia Nguyễn Văn Cường cho rằng: Cần cập nhật chương trình bồi dưỡng cho phù hợp với bối cảnh và những quy định mới. Trong việc cụ thể hóa các phần nội dung đã quy định trong chương trình, cần lựa chọn nội dung thiết thực, cập nhật, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn phát triển quốc gia, địa phương.

Chương trình bồi dưỡng CDNN GV cũng cần được tổ chức một cách thiết thực, thu hút, đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực nghề nghiệp của GV; tránh hình thức, chỉ do nhu cầu thăng hạng mà GV phải tham gia...

Về vấn đề này, TS Tôn Quang Cường cho rằng, vì khung chương trình được ban hành từ năm 2016, nên cần điều chỉnh, cập nhật thêm. Cách thức tổ chức bồi dưỡng cũng cần liên tục điều chỉnh, đổi mới cho phù hợp với bối cảnh xã hội, công nghệ, nhu cầu từ phía GV. Nên có văn bản hướng dẫn cụ thể để GV có thể tiếp cận, hiểu rõ ý nghĩa của chương trình bồi dưỡng; coi chương trình bồi dưỡng như một kênh thông tin để cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, không phải là “đề bài” để làm bài tập lấy chứng chỉ.

“Trong thực tiễn, bên cạnh chương trình bồi dưỡng CDNN còn có nhiều chương trình bồi dưỡng GV khác. Nên xem xét công nhận các chứng chỉ bồi dưỡng, các minh chứng khác phù hợp, có thể thay thế cho những nội dung tương đương của chương trình bồi dưỡng CDNN” - chuyên gia Nguyễn Văn Cường góp ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.