Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Nghệ An khuyến cáo giáo viên cần tìm hiểu kỹ quy định để xác định bản thân thuộc đối tượng nào.
Cơ hội cho giáo viên chờ thăng hạng
Thầy Nguyễn Duy Linh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2, huyện Con Cuông, Nghệ An cho biết: Mặc dù là trường miền núi khó khăn nhưng 100% giáo viên đều có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, có 7 giáo viên đang hưởng lương giáo viên hạng III (theo trình độ cao đẳng) do chưa được thi thăng hạng II. Điều này khiến họ thiệt thòi về thu nhập.
Theo thầy Nguyễn Duy Linh, nội dung chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ GD&ĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường phổ thông có lợi cho nhiều giáo viên, đặc biệt là những người đang chờ thăng hạng. Đặc biệt quy định mới bãi bỏ tiêu chuẩn về chứng chỉ tin học và ngoại ngữ, giúp giáo viên đỡ vất vả khi muốn thi thăng hạng. Trường Tiểu học Thạch Ngàn 2 có 27 cán bộ quản lý, giáo viên. Ngoài 7 giáo viên hạng III, 20 giáo viên còn lại đều đạt hạng II. Nhưng những người này cũng đang nợ chứng chỉ nghề nghiệp theo quy định của Luật Viên chức.
“Chúng tôi chủ động lập danh sách chi tiết giáo viên gồm: Bằng cấp chuyên môn; đạt thành tích sáng kiến kinh nghiệm, giáo viên giỏi huyện, tỉnh; các chứng chỉ hiện có... Khi nào có hướng dẫn cụ thể của sở GD&ĐT sẽ thông báo đến giáo viên để học bổ sung chứng chỉ nghề nghiệp và các tiêu chuẩn khác để thi thăng hạng”, thầy Nguyễn Duy Linh cho hay.
Không vội vàng học chứng chỉ nghề nghiệp
Tại Nghệ An, những năm qua, nhiều giáo viên đi học các chứng chỉ trên để thi nâng hạng. Tuy nhiên, số người được thăng hạng không nhiều. Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có hơn 80 cán bộ giáo viên đều là giáo viên hạng III. Trong khi có những người đã công tác hơn 30 năm trong ngành. Trước đó, khi có chủ trương về thăng hạng, gần 40 giáo viên của trường đã đi học chứng chỉ nghề nghiệp song vẫn chưa đạt. Lý do chưa đúng thời gian xét thăng hạng, thiếu một trong số chứng chỉ theo tiêu chuẩn bắt buộc.
Thầy Lê Văn Tảo – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Nâng hạng là nguyện vọng nhiều năm nay của giáo viên. Chúng tôi mong muốn sớm có đợt thi xét thăng hạng theo quy định mới để đỡ thiệt thòi cho giáo viên. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên của trường đã thi và có các chứng chỉ theo yêu cầu. Nếu càng kéo dài thời gian, chứng chỉ của họ sẽ hết hạn.
Quy định mới về việc thăng hạng cũng khiến nhiều giáo viên trên địa bàn Nghệ An ồ ạt tìm đăng ký các lớp học chứng chỉ nghề nghiệp giáo viên. Một số trung tâm GDTX, GDTX và GDNN trên địa bàn tỉnh phối hợp với phòng GD&ĐT cùng trường đại học, cao đẳng mở các lớp học chứng chỉ cho học viên. Trong khi đó, không phải cơ sở nào cũng được phép đào tạo, cấp chứng chỉ. Bên cạnh đó, không phải giáo viên nào có chứng chỉ là được nâng hạng ngay.
Trước băn khoăn, lo lắng của giáo viên, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có công văn đề nghị các phòng GD&ĐT, trường học trên địa bàn rà soát cơ cấu, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Qua đó, xác định đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm, xếp lương theo các thông tư mới. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, sắp xếp tạo điều kiện cho giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng. Sở cũng khuyến cáo giáo viên trong khi chờ hướng dẫn chi tiết của Bộ GD&ĐT không nên tham gia các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp. Đặc biệt là những khóa đào tạo online do các đơn vị không đủ điều kiện và chức năng bồi dưỡng, tránh lãng phí không đáng có.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định: Việc Bộ ban hành thông tư mới quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy... các bậc học là hợp lý. Sự điều chỉnh của thông tư mới có lợi hơn cho giáo viên rất nhiều. Khi xếp hạng/bậc theo quy định mới, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở sẽ vượt bậc đáng kể so với trước đó. Đồng nghĩa với lương và các chế độ khác cũng nâng lên.