Các địa phương chấm thi nghiêm túc, thuận lợi

GD&TĐ - Kỳ thi THPT quốc gia năm nay chỉ duy nhất môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận nên công tác chấm thi nhẹ nhàng hơn. Với chấm trắc nghiệm, các địa phương đã có nhiều kinh nghiệm nên cũng không nhiều lo lắng. Đáp án rõ ràng, chi tiết của Bộ GD&ĐT giúp địa phương thuận lợi hơn trong chấm thi.

Chấm thi THPT Quốc gia 2017 đang được các địa phương nghiêm túc triển khai. (Ảnh: Minh họa)
Chấm thi THPT Quốc gia 2017 đang được các địa phương nghiêm túc triển khai. (Ảnh: Minh họa)

Nhiều thuận lợi trong công tác chấm thi

Một số địa phương, đặc biệt những địa phương có số lượng bài thi tự luận ít dự kiến hoàn thành việc chấm thi khá sớm.

Theo ông Đoàn Văn Hương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn - toàn tỉnh Bắc Kạn có 2.791 bài thi Ngữ văn, số lượng cán bộ chấm thi được huy động chấm bài thi này là 30 người; công tác chấm triển khai từ chiều 26/6 và bắt đầu chấm đại trà toàn bộ bài thi vào 27/6. Tỉnh này dự kiến sẽ chấm xong vào khoảng 3/7. Với các bài thi trắc nghiệm, Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm của Bắc Kạn gồm 10 người với một máy chấm.

"Năm nay, công tác chấm thi khá nhẹ nhàng. Thứ nhất, đáp án của Bộ GD&ĐT rất rõ ràng, chi tiết nên việc vận dụng đáp án chấm thuận lợi. Tất cả giáo viên của Bắc Kạn đã họp chấm chung 15 bài thi và đều thống nhất cao. Về việc chấm trắc nghiệm, chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm, trang bị đủ máy móc. Ngoài ra, trực tiếp Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cũng đã đến quán triệt, nhắc nhở về công tác chấm thi tại Bắc Kạn" - ông Đoàn Văn Hương chia sẻ.

Tại Lai Châu, công tác chấm thi THPT quốc gia 2017 dự kiến kết thúc vào ngày 4/7. Theo ông Hoàng Đức Minh - Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu, toàn tỉnh có hơn 3.000 bài thi tự luận, huy động 26 giáo viên chấm. Hội đồng chấm bắt đầu làm việc từ hôm nay (28/6); chấm thi trắc nghiệm sẽ bắt đầu từ buổi chiều với đội ngũ 10 người.

"Việc chấm thi năm nay nhẹ nhàng hơn vì chủ yếu các bài thi là trắc nghiệm và do máy chấm và quy chế thi cũng đã hướng dẫn rất cụ thể. Điều cần lưu ý là dữ liệu sau khi quét phải quản lý kỹ, kiểm soát tốt. Tuy nhiên, việc chấm có thuận lợi hay không phụ thuộc rất nhiều vào bài thi của thí sinh có làm theo đúng hướng dẫn hay không. Nhận thức điều này nên trước kỳ thi, chúng tôi đã phổ biến rất kỹ cho thí sinh về việc làm bài thi trắc nghiệm. Ngay trước hôm thi, học sinh của Lai Châu đã được thị phạm để tô đáp án đúng, chuẩn" - ông Hoàng Đức Minh cho hay.

Chia sẻ thêm về công tác tổ chức thi THPT quốc gia tại Lai Châu, Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định thành công tốt đẹp, kỳ thi được triển khai nghiêm túc theo đúng quy chế; việc đi lại cho giám thị, thí sinh được đảm bảo; in sao, vận chuyển đề thi an toàn. Kết thúc kỳ thi, toàn tỉnh không có thí sinh, giám thị nào vi phạm vị xử lý kỷ luật. Ý kiến phụ huynh, nhân dân cũng rất ủng hộ kỳ thi nhẹ nhàng, không căng thẳng.

Tăng cường thanh tra chấm thi

Tại Hưng Yên, với số lượng trên 11.000 bài thi môn Ngữ văn, toàn tỉnh huy động 72 cán bộ chấm thi là những người được chọn lựa đảm bảo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Dự kiến, các thầy cô sẽ hoàn thành chấm vào 3/7.

Với bài thi trắc nghiệm, Hưng Yên dự kiến hoàn thành sớm hơn một ngày (2/7 xong). Hiện nay, 12 người trong Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm đang ở công đoạn quét bài, với 3 máy chấm.

Theo ông Phan Xuân Quyết – Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD (Sở GD&ĐT Hưng Yên) - công tác chấm thi sẽ nhẹ nhàng nếu phần mềm xử lý tốt và thí sinh làm bài theo đúng hướng dẫn.

Chia sẻ về việc thực hiện nghiêm túc quy định chấm thi, ông Phan Văn Quyết cho biết, trong quá trình chấm đều có thanh tra theo quyết định của Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên ký, với thành phần có cả thanh tra của Sở GD&ĐT và cán bộ từ trường đại học phối hợp.

Ngoài ra, còn một lực lượng thanh tra nữa mới được tăng cường là thanh tra theo quyết định của Bộ GD&ĐT, do Chánh Thanh tra ký. "Hiện, tại Hưng Yên có 2 cán bộ từ Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên được giao nhiệm vụ thanh tra chấm thi theo quyết định này" - ông Phan Văn Quyết cho hay.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Tuyên Quang có khoảng 7.000 bài thi tự luận. Sở GD&ĐT đã huy động 62 cán bộ chấm thi. Từ hôm qua (27/6), Sở GD&ĐT đã tiến hành chấm đại trà. Theo ông Hoàng Văn Thinh - Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang, luôn có 2 cán bộ từ trường đại học phối hợp tham gia giám sát quá trình chấm thi.

Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm của Tuyên Quang có 6 người, cũng luôn có thanh tra của ngành, thanh tra theo quyết định của Bộ GD&ĐT giám sát.

Ông Hoàng Văn Thinh cũng nhận định công tác chấm thi năm nay nhẹ nhàng hơn vì phần lớn số bài thi là trắc nghiệm, chấm bằng máy, chỉ cần vận hành theo đúng quy trình.

"Tôi cho rằng, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như năm nay rất tốt. Bộ GD&ĐT đã công bố thông tin về kỳ thi sớm nên cơ sở có thể chủ động. Bản thân tôi là giám đốc Sở GD&ĐT cũng đã trực tiếp đến tất cả các trường THPT trên địa bàn để phổ biến quy chế thi, thông tin về những điểm đáng lưu ý trong kỳ thi. Công tác ôn tập trước kỳ thi cũng diễn ra nhẹ nhàng, hiệu quả; việc phối hợp tổ chức thi với các trường ĐH phối hợp cũng nhịp nhàng. Kết thúc kỳ thi, không có thí sinh, cán bộ coi thi nào tại Tuyên Quang vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật" - ông Hoàng Văn Thinh chia sẻ thêm.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, bộ phận giám sát chấm bài trắc nghiệm gồm: cán bộ giám sát của đơn vị chủ trì cụm thi, đơn vị phối hợp tổ chức thi (nếu có) và công an thực hiện giám sát trực tiếp, liên tục các hoạt động của Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm.
Với bài tự luận, phải bố trí đủ cán bộ chấm thi tự luận để thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi, theo tiến độ chấm của Ban Chấm thi đúng với quy định tại Quy chế thi. Mục đích của chấm kiểm tra là giúp Trưởng Ban Chấm thi phát hiện nhanh, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình chấm thi. Các bài chấm kiểm tra được lựa chọn ngẫu nhiên. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ