Giáo dục xứ Quảng với nghĩa tình “3 đủ”

GD&TĐ - Hàng ngàn lượt học sinh đồng bào thiểu số, hàng trăm cán bộ, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn đang học tập, công tác trên địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa tỉnh Quảng Nam như càng được tiếp thêm sức mạnh từ những sự sẻ chia thiết thực của chương trình “3 đủ” mà ngành GD&ĐT Quảng Nam thực hiện trong nhiều năm qua.

Giáo dục xứ Quảng với nghĩa tình “3 đủ”

Khơi dậy nghĩa cử cao đẹp

Sau hơn 5 năm thực hiện, chương trình “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) do ngành GD&ĐT phát động đã thực sự tạo sự lan tỏa sâu rộng đến các đơn vị giáo dục cơ sở. Với những cách làm linh hoạt, hiệu quả khác nhau, chương trình “3 đủ” đã không những giúp cải thiện đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, mà còn góp phần nâng cao chất lượng chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

Bởi nói như thầy Nguyễn Văn Dung – Trưởng phòng GD&ĐT Hội An (Quảng Nam), trong quãng thời gian gắn bó với ngành GD&ĐT, có lẽ chương trình “3 đủ” là một trong những hoạt động vừa mang ý nghĩa nhân văn cao cả, vừa là góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn giáo dục.

Theo thầy Nguyễn Văn Dung, kể từ khi thực hiện chương trình “3 đủ”, mỗi năm cán bộ, viên chức ngành GD&ĐT Hội An đều trích nửa ngày lương đóng góp vào quỹ chương trình “3 đủ”. Từ nguồn tích lũy được, ngành GD&ĐT Hội An đã tiến hành hỗ trợ cho ngành GD&ĐT huyện Tây Giang (Quảng Nam) theo chương trình kết nghĩa “3 đủ”. Ngoài ra, để thể hiện nghĩa cử “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái”, ngành GD&ĐT Hội An còn trích kinh phí trao tặng quà, hỗ trợ tiền mặt cho những giáo viên, học sinh của hai huyện Tây Giang và TP Hội An không may gặp khó khăn, hoạn nạn.

Thầy Dung cho biết: “Từ khi thực hiện chương trình “3 đủ”, nguồn quỹ thu được năm sau đều cao hơn năm trước. Ví như năm này, toàn ngành GD&ĐT Hội An đóng góp được 97 triệu đồng. Trong đó, ngành đã dành 40 triệu đồng để hỗ trợ huyện Tây Giang, còn 57 triệu dành trao tặng quà cho giáo viên, học sinh gặp hoạn nạn. Chính những việc làm có ý nghĩa nhân văn tốt đẹp và thiết thực đó như càng thắt chặt tình cảm giữa những CBGVNV ngành giáo dục ở vùng cao với vùng đồng bằng, thành thị”.

Không dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất, tinh thần, chương trình “3 đủ” còn góp phần đẩy mạnh hoạt động mang tính chuyên môn giáo dục. Theo thầy Huỳnh Kim Tín – nguyên Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Giang, hằng năm khi thực hiện chương trình “3 đủ”, ngành GD&ĐT đều lồng ghép các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy.

Thầy Tín cho hay: “Trong thời gian qua, từ sự hỗ trợ của đơn vị kết nghĩa và sự đóng góp của ngành GD&ĐT huyện Tây Giang, chương trình “3 đủ” đã giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất cũng như về tinh thần cho hàng ngàn lượt học sinh, giáo viên vượt qua khó khăn, thiếu thốn. Bên cạnh đó, chương trình “3 đủ” còn lồng ghép hiệu quả hoạt động trao đổi chuyên môn dạy và học. Thông qua các hoạt động như dự giờ học tập phương pháp giảng dạy, học tập các kinh nghiệm, giải pháp chuyên môn hay, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý… đã giúp CBGVNV các trường học không ngừng nâng cao được trình độ, kỹ năng chuyên môn của mình”.

Tiếp sức giáo viên, học sinh vùng khó

Từ năm học 2010 - 2011, Công đoàn ngành Giáo dục huyện Nam Giang hưởng ứng triển khai mô hình “3 đủ”. Cuộc vận động này nhằm kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội nhằm chăm lo cho học sinh người dân tộc thiểu số vùng có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn để các em được đến trường học tập. Hằng năm, Công đoàn Giáo dục huyện Nam Giang đã tích cực vận động nhà giáo, cán bộ quản lý, đoàn viên công đoàn tham gia đóng góp để hỗ trợ cho các em học sinh nghèo, vượt khó trong học tập. Hình thức đóng góp có thể là vật chất như quần áo, sách vở cũ hoặc bằng tiền mặt để mua sắm các vật dụng phục vụ sinh hoạt, học tập, vui chơi của các em.

Cũng như tâm trạng của nhiều học sinh được thụ hưởng chương trình trên địa bàn huyện, em Bling Thị Tốt - học sinh lớp 7 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS liên xã Cà Dy – Tà Bhing, rất vui mừng khi em vừa nhận được quà hỗ trợ từ chương trình “3 đủ”. Gia đình em có hoàn cảnh hết sức khó khăn, các anh chị của em đã nghỉ học; bản thân em cũng đôi lần có ý định nghỉ học nhưng nhờ thầy cô, bạn bè giúp đỡ, động viên và đặc biệt là được hỗ trợ từ chương trình “3 đủ” nên em thêm phần yên tâm để bám trường, bám lớp.

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), trong 5 năm qua, hơn 4.000 học sinh của huyện Nam Giang đã hưởng lợi từ phong trào này. Đối với học sinh là người đồng bào thiểu số, con mồ côi cha hoặc mẹ, khuyết tật sẽ được hỗ trợ áo ấm mới hoặc bộ đồ dùng học tập, một suất quà trị giá từ 150.000 - 500.000 đồng. Còn với giáo viên, người lao động của ngành bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ, trợ cấp mỗi suất từ 500.000 - 5 triệu đồng.

Thầy Bình chia sẻ: Bên cạnh việc thực hiện mô hình “3 đủ” này, chúng tôi còn triển khai chủ trương của Công đoàn Giáo dục tỉnh Quảng Nam là phân công một huyện vùng thuận lợi có trách nhiệm kết nghĩa, giúp đỡ một huyện miền núi cao. Trong 4 năm qua, ngành Giáo dục huyện Nam Giang luôn được sự quan tâm hỗ trợ của đơn vị kết nghĩa là ngành GD&ĐT huyện Đại Lộc. Mỗi năm đơn vị kết nghĩa hỗ trợ cho nhà giáo và học sinh huyện Nam Giang từ 30 - 40 triệu đồng.

Trung bình năm học đã có hơn 60 suất được phân bổ cho nhà giáo, người lao động, mỗi suất từ 500.000 - 700.000 đồng; hỗ trợ cho các em học sinh hơn 350 suất, mỗi suất từ 100.000 - 150.000 đồng. Riêng năm học 2015 - 2016, đơn vị kết nghĩa dự kiến hỗ trợ 330 suất quà cho các em học sinh và gáo viên, nhân viên huyện Nam Giang trị giá 100 triệu đồng.

“Hiện nay trên địa bàn toàn ngành Giáo dục có trên 500 nhà giáo và lao động; số lượng nhà giáo và lao động khó khăn vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, ở mức 20%. Riêng về học sinh thì số lượng khó khăn quá nhiều vì tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện chiếm hơn 60% hộ nghèo và cận nghèo, tương đương hơn 3.600 học sinh.

Trước thực tế như vậy, việc thực hiện tốt mô hình “3 đủ” càng có ý nghĩa, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”, giúp các em học sinh bám lớp, bám trường để đi tìm “con chữ”; còn đối với thầy cô giáo thì an tâm hơn trong quá trình công tác”, thầy Nguyễn Văn Bình cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ