Giáo dục vùng cao A Lưới chuyển mình mạnh mẽ

GD&TĐ - A Lưới là huyện miền núi phía Tây của Thừa Thiên - Huế, có biên giới giáp nước bạn Lào, đang từng ngày “thay da đổi thịt”...

 Niềm vui đến trường của học sinh A Lưới.
Niềm vui đến trường của học sinh A Lưới.

Bộ mặt nông thôn miền núi ở A Lưới có nhiều khởi sắc, đặc biệt giáo dục đã có những bước phát triển mới.

Gian nan con chữ

Cả huyện A Lưới hiện có 3 trường trung học phổ thông: THPT A Lưới, THCS - THPT Trường Sơn và THCS - THPT Hồng Vân. Học sinh có cả người Kinh và người dân tộc thiểu số. So với 2 trường Hồng Vân và Trường Sơn, Trường THPT A Lưới đóng ngay trung tâm thị trấn nên điều kiện đi lại, học tập sinh hoạt của giáo viên và học sinh thuận lợi hơn.

Trường THCS - THPT Trường Sơn nằm giữa núi rừng hoang sơ. Hằng năm cả học sinh cấp 2 và cấp 3 trên dưới 20 lớp. Cô Nguyễn Thị Thảo với thâm niên 20 năm ở ngôi trường này chia sẻ: “Điều kiện học tập của các em rất khó khăn. Một buổi đi học, buổi còn lại các em lên nương rẫy. Các em đi học chuyên cần ở trường hằng ngày là mừng lắm rồi”.

Thầy Hoàng Văn Liêm, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hồng Vân dẫn chúng tôi dạo quanh khuôn viên trường giữa vùng đất vắng, sau lưng là núi non trùng điệp. Thầy cho biết, trường hiện có 546 học sinh và 49 thầy, cô giáo. Trên 90% học sinh là con em dân tộc Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy… đến từ các xã Trung Sơn, Hồng Vân, Hồng Thủy.

Nhiều học sinh nhà cách xa trường trên 30 cây số. Bố mẹ các em chủ yếu sống bằng nghề làm rẫy, nuôi bò, dê, cuộc sống còn khó khăn, thiếu thốn. Thế nên, không ít em phải nghỉ học giữa chừng. Bằng tấm lòng yêu thương học sinh nghèo, thầy cô nơi đây không quản nhọc nhằn, vào từng bản, lội từng con suối để thuyết phục các em trở lại trường.

Trường có mấy phòng tập thể dành cho giáo viên ở xa. Anh Lê Văn Phong, 13 năm làm bảo vệ Trường THCS – THPT Hồng Vân, ngày đêm gắn bó với ngôi trường bên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Khi giáo viên và học sinh ra về, ban đêm mình anh lặng lẽ ở lại trường chỉ nghe tiếng gió thổi trên những dãy hành lang hoang vắng. Anh Phong hiểu hoàn cảnh, tính cách của từng em. Anh nói, thương nhất là những học sinh ở xa trường, chiều tan học phải đạp xe trong những cơn mưa rừng xối xả bạc trắng kèm theo giông gió rất nguy hiểm.

Tình thầy trò vùng cao A Lưới.

Tình thầy trò vùng cao A Lưới.

Tình yêu biến đất lạ thành quê hương

Dẫu còn vất vả, song A Lưới là vùng đất sâu nặng ân tình. Thầy giáo Hà Văn Thuận, người có 17 năm gắn bó với trường vùng cao A Lưới nửa đùa nửa thật với chúng tôi, ai đã lên A Lưới thì khó lòng mà về xuôi được. Rồi thầy Thuận kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của những thầy, cô giáo lên đây công tác.

Hầu hết, các thầy cô đến Trường Hồng Vân nhận nhiệm sở, lúc đầu rất nản chí. Có người lên được vài tháng không trụ được đành bỏ ngang, hoặc về lại vùng xuôi đi tìm công việc khác. Trước đây, trường không có nước, chủ yếu tích trữ nước mưa để dùng, trường mới có hệ thống nước máy dẫn từ suối về 2 - 3 năm nay.

Cô Nguyễn Thị Hạnh, quê Quảng Bình đã miệt mài gieo chữ ở Trường THCS - THPT Trường Sơn hơn 25 năm qua. Hiểu rõ tâm lí, tính cách và hoàn cảnh của từng em qua nhiều thế hệ, cô lại càng gắn bó và yêu thương học sinh nhiều hơn, bởi cô thấu cảm cái điều kiện của học trò thua thiệt so với các bạn vùng xuôi. Cô Hạnh chia sẻ: “Học sinh ở đây chủ yếu tốt nghiệp lớp 12 là vào Nam làm công nhân, hoặc ở nhà làm nương rẫy. Số em học tiếp đại học hằng năm rất ít”.

Vượt qua điều kiện thiếu thốn, và nghĩa tình học sinh vùng cao A Lưới khiến nhiều giáo viên trẻ không có tư tưởng bỏ nghề, hay chuyển trường nữa. Thậm chí, nhiều thầy, cô gặp được “một nửa của mình”, rồi lập gia đình, sinh con đẻ cái và thế là gắn bó cả cuộc đời nơi núi rừng miền Tây với nhiệm vụ thiêng liêng gieo chữ cho những học sinh nghèo đến lúc nghỉ hưu.

Thầy Lê Hải Hiệu ở Thanh Hóa, tốt nghiệp đại học sư phạm môn Ngữ văn, tình nguyện lên đây công tác, kết hôn với cô giáo Trần Thị Lan ở A Lưới. Giờ cả 2 vợ chồng dạy cùng Trường Hồng Vân. Thầy Lê Hồng Quang ở Phú Thọ, dạy môn Giáo dục công dân sánh duyên cùng cô giáo vùng cao ở A Ngo và chọn A Lưới để thủy chung với nghề dạy học của mình. Cô Võ Thị Thấm ở Quảng Điền phải lòng anh bộ đội, người dân tộc ở A Roàng giờ yên bề gia thất, hằng ngày đem con chữ đến thắp sáng ước mơ cho các em thơ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, Trường THCS - THPT Hồng Vân có 54 học sinh lớp 12 dự thi. Cô giáo Đàm Thị Hoa, Hiệu trưởng nhà trường, vui mừng chia sẻ với chúng tôi về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp là 100%. 2 ngày diễn ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường đã phân công các giáo viên, nhân viên không làm nhiệm vụ coi thi theo dõi, động viên, chăm sóc các em chu đáo. Nhà trường tổ chức cho 100% học sinh lớp 12 ở lại ăn cơm trưa tại cơ sở 1 của trường để các em nghỉ ngơi tại chỗ và đi thi đúng giờ.

Lên A Lưới, chứng kiến việc làm của thầy, cô giáo, được gặp gỡ, trò chuyện với những con người ngày đêm bám bản bám trường để gieo con chữ, thắp sáng ước mơ cho thế hệ trẻ vùng cao lòng thấy ấm áp và thật đáng trân trọng.

Các em ở đây điều kiện khó khăn lắm, nhưng rất ngoan, nghe lời thầy, cô giáo và sống rất tình cảm. Từ thầy, cô giáo đến nhân viên trong trường luôn xem các em như là con, là em của mình. Kiên trì, tận tâm, lo lắng, bày vẽ và theo sát các em từng ngày”, cô Đàm Thị Hoa tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ