Thầy giáo trọn đời với vùng cao A Lưới

GD&TĐ - Năm 1979, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Huế, thầy giáo trẻ Thái Nam đến với vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế theo sự phân công của ngành Giáo dục. Thấm thoát 39 năm đã trôi qua, A Lưới giờ là quê hương thứ hai và thầy cũng có thể mỉm cười mãn nguyện với sự cống hiến của mình cho mảnh đất này.

Thầy giáo trọn đời với vùng cao A Lưới

Người thầy của bản làng

Như những chàng trai, cô gái thành phố khác, những ngày đầu gia nhập cuộc sống nơi rừng thiêng nước độc, thầy Nam chỉ mong sao sớm được trở về. Thời đó, để khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng quê hương, toàn quốc phát động tinh thần “thắt lưng buộc bụng”, tiêu chuẩn giáo viên hàng tháng là 2 kg gạo và 11 kg sắn; học sinh đa số là con nhà nghèo nên đến trường cơm không đủ no, áo không đủ ấm, có nhiều học sinh chỉ nhỏ hơn thầy giáo vài tuổi...

Nhưng trong khốn khó lại có niềm vui riêng - Thầy Nam hồi tưởng: “Người vùng bản luôn xem thầy cô giáo như người thân, ngoài giờ lên lớp, giáo viên lại đi “tấp dạt”. Kể đến đây thầy cười và giải thích: “Tấp dạt” với giáo viên dưới xuôi lúc bấy giờ có nghĩa là đến nhà dân để cùng làm, cùng ăn uống hát ca, cùng tìm cách phát triển kinh tế... và đó chính là sợi dây để gắn kết chúng tôi với mảnh đất này”.

Năm 1984, sau 5 năm phấn đấu với nhiều thành tích cao, thầy Nam đủ điều kiện thuyên chuyển công tác về những địa phương ít khó khăn hơn. Nhưng, phần có nhiều tình cảm với người dân nơi đây, phần bén duyên với cô giáo mầm non có chung hoàn cảnh nên thầy Nam quyết định ở lại với A Lưới. Năm 1994, thầy được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Thủy, đến nay thầy đã được thuyên chuyển để làm quản lý nhiều trường học khác nhau ở A Lưới.

Dù ở cương vị nào, và quản lý ngôi trường nào, thầy Nam cũng luôn nhắc nhở mình rằng muốn làm tốt chuyên môn phải hiểu được tâm tư của đồng nghiệp, tâm lý của học sinh và phụ huynh và cứ thế hòa mình với nơi mình công tác; với hướng đi đó, thầy giáo Nam không chỉ thành công với sự nghiệp giáo dục, mà còn được phụ huynh và người dân địa phương kính trọng.

Dấu ấn trong nghề

Hiện thầy Thái Nam là Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung. Tuy đây là điểm dừng chân cuối cùng trong sự nghiệp của thầy và thời gian quản lý chỉ vỏn vẹn 3 năm. Thầy Nam tâm sự: “Còn được cống hiến ngày nào thì tôi vẫn nguyện đem hết sức để cống hiến để xây dựng môi trường giáo dục của mình ngày một tốt hơn”.

Thầy “bật mí”, năm 2015 nhận quyết định thuyên chuyển, nhưng Quang Trung với mình là sự trở về. Trước đó, từ năm 2000 - 2005, thầy đã là Hiệu trưởng lúc còn mang tên Trường THCS Hồng Quảng. Những kỷ niệm cùng đồng nghiệp từng bước xây dựng trường từ khi cơ sở vật chất (CSVC) còn nghèo nàn trên mảnh đất trống để trở thành môi trường sư phạm ngày một khang trang. Dù ngày trở về, Trường THCS Quang Trung đã là cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia, nhưng với thầy Nam, vẫn còn quá nhiều việc phải làm.

Nằm trên địa bàn xã Hồng Quảng, 100% học sinh của trường là con em vùng bản; trong đó, 88% các em thuộc hộ nghèo, cận nghèo; đa số phụ huynh còn bận bịu mưu sinh, nhiều người phải đi xa làm ăn mới đảm bảo được kinh tế cho gia đình nên không có sự quan tâm thấu đáo đến việc học tập của con. Tình trạng học sinh không chuyên cần việc học; ứng xử thiếu đoàn kết... dẫn đến chất lượng đào tạo chưa cao.

Với tư cách là người đứng đầu, thầy Nam nêu rõ quan điểm, để duy trì và nâng cao danh hiệu trường chuẩn, bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng dạy học cần chấn chỉnh lại tác phong đạo đức của học sinh và vận động các em đến trường chuyên cần. Thầy chỉ đạo ban giám hiệu nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương và liên kết với gia đình cùng chung tay giáo dục học sinh để đưa chất lượng dạy và học ở đây thực sự xứng tầm là trường học đạt chuẩn.

Ông Lê Thành Lộc, Hội trưởng Hội Cha mẹ học sinh Trường THCS Quang Trung thừa nhận: “Thầy Nam được phụ huynh tin tưởng vì luôn làm việc bằng cái tâm. Mỗi kế hoạch đều hướng tới lợi ích cho học sinh nên luôn được phụ huynh hưởng ứng tích cực”. Còn với cô giáo Lê Thị Bình, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân, là một trong số những giáo viên từng có thời gian dài công tác với thầy Nam tâm sự: “Với thầy Nam, tôi đã quen với tác phong của người anh, người đồng nghiệp. Với tinh thần làm việc nhiệt tình, tận tâm và khoa học, anh luôn là tấm gương để đồng nghiệp noi theo”.

Trở thành người con A Lưới

Song, điều thầy Nam tự hào nhất là những năm tháng xây dựng Trường THCS Lê Lợi. Là Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường được ngành Giáo dục địa phương đặt mục tiêu phấn đấu trở thành mô hình thu nhỏ của chất lượng cao Nguyễn Tri Phương của TP Huế. Đón nhận hơn 70% học sinh là người Kinh, đòi hỏi môi trường giáo dục ở đây chất lượng phải cao; thế nhưng, CSVC ban đầu không khác những đơn vị khác, ngoài 8 phòng học cấp 4 nằm giữa khu đất có nhiều hố bom còn sót lại sau chiến tranh.

Để đạt được mục tiêu, nhà trường phải vừa tập trung đầu tư chất lượng, thầy hiệu trưởng vừa tích cực huy động cán bộ giáo viên, phụ huynh góp công lao động san lấp mặt bằng xây dựng thành sân chơi, bãi tập, khu vườn thực hành cho học sinh... Đồng thời, thầy tham mưu với chính quyền địa phương để được đầu tư CSVC phù hợp với môi trường chất lượng cao. Cùng với đó, trường kết nghĩa với Trường THCS Nguyễn Tri Phương (TP Huế) tổ chức những buổi giao lưu, dự giờ nhằm tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng dạy và học.

Với cách làm này, Trường THCS Lê Lợi khẳng định được chất lượng sau đó không lâu; từ năm học 2008 – 2009 đã có học sinh đạt giải 3 cấp quốc gia môn Giải Toán trên mạng, từ đó đến nay năm nào trường cũng có học sinh đoạt giải học sinh giỏi các cấp và nhiều học sinh đỗ vào Trường THPT Chuyên Quốc học Huế.

Cuối năm nay, thầy Thái Nam đến tuổi nghỉ hưu, không chỉ mĩ mãn với nghề, tự hào hơn là cả 3 người con của thầy đều là những học sinh ưu tú của huyện, riêng con trai đầu Thái Đặng Nhật Quang, sinh năm 1985 là học sinh ở A Lưới đầu tiên thi đỗ vào Trường THPT Chuyên Quốc học Huế; hai người con sau cũng noi gương anh; giờ đây, họ đều đã trưởng thành và đang là những cán bộ tốt phục vụ quê hương A Lưới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.