Dạy học ở vùng cao A Lưới

GD&TĐ - Nằm heo hút phía Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế, A Lưới là một trong những huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất của địa phương. Huyện vùng cao A Lưới có 21 xã/thị trấn là nơi sinh sống của cộng đồng các dân tộc người Pa Cô, Tà Ôi, Kà Tu, Pa Hi cùng một số dân tộc anh em khác, với điều kiện còn hết sức khó khăn, thiếu thốn. 

Dạy học ở vùng cao A Lưới

Điều đó như càng thôi thúc những người giáo viên nơi đây ngày đêm nỗ lực dạy học, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng khó.

Nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học

Nói về tình hình trường lớp, điều kiện học tập của địa phương, thầy Trần Viết Văn - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện A Lưới - cho biết: Hiện nay mạng lưới trường học trên địa bàn được phát triển mở rộng, với 5 trường THCS, 3 trường TH&THCS, 18 trường tiểu học và 21 trường mầm non. Mạng lưới trường lớp tới tận các thôn, làng nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em HS đến trường, học tập.

Tuy nhiên, hầu hết HS đều là con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên điều kiện học tập còn nhiều thiệt thòi. Đời sống đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động các trường học còn khó khăn, thiếu thốn; nhất là những giáo viên, người lao động, HS ở các vùng sâu, vùng xa có điều kiện đi lại cách trở.

Thầy Lê Văn Bôn - Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hương Nguyên - cho hay: Địa bàn xã Hương Nguyên có 4 thôn, bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Ka Tu; đời sống của bà con còn nhiều bấp bênh. Chính vì vậy mà điều kiện học tập của con em HS có phần thiệt thòi rất lớn. Để đảm bảo công tác duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng dạy học, các thầy cô giáo phải thường xuyên đã đến từng nhà, thôn bản vận động HS đến trường đi học.

Với hơn 90% HS toàn huyện là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nên công tác tăng cường năng lực Tiếng Việt cho HS được các trường học xem là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong năm học, nhất là đối với các trường mầm non, tiểu học và các trường học đóng chân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, các thôn có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Nói về công tác dạy học Tiếng Việt cho trẻ mầm non, cô giáo Trần Thị Nghiêu - Hiệu trưởng Trường MN Hồng Bắc - chia sẻ: Nhà trường luôn xác định việc dạy Tiếng Việt cho trẻ mầm non là rất quan trọng, cho nên để giúp trẻ học tốt môn Tiếng Việt, công tác dạy học Tiếng Việt được nhà trường tổ chức hết sức linh hoạt và sinh động. Để có những bài giảng hay, hiệu quả, các cô giáo phải sưu tầm đồ dùng dạy học gần gũi với cuộc sống của trẻ, tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có của địa phương để làm hình ảnh minh họa sinh động, thông qua các tiết kể chuyện bằng Tiếng Việt. Qua những tiết học như vậy, trẻ hứng thú hơn với việc học Tiếng Việt, tự tin giao tiếp với cô giáo và các bạn trong lớp. Chính sự quan tâm đến trang bị năng lực Tiếng Việt cho trẻ mầm non khi vừa bước vào trường, nên sau khi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, hầu hết các trẻ đều có tâm thế sẵn sàng bước vào lớp 1.

Khát khao mái nhà công vụ

Đến thăm Trường TH&THCS Hương Nguyên, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh sống chật hẹp, thiếu thốn của các thầy cô giáo. Căn phòng chừng 6m2, bàn ghế được xếp lại làm chỗ ăn nghỉ. Thức ăn, cơm hộp các thầy cô bới theo chủ yếu là đồ khô. Thầy giáo Lê Văn Bôn - Phó Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hương Nguyên, trăn trở: Trường có 22 cán bộ, giáo viên thì chỉ có 2 người ở thị trấn A Lưới, còn lại đều từ các địa bàn khác đến dạy học, như huyện Phú Lộc, Quảng Điền, Hương Thủy và TP Huế.

Từ trường ngược lên thị trấn A Lưới phải vượt qua 2 đèo Tà Lương và A Co cách hơn 30km, ngược về Huế phải qua đèo Kim Quy cách gần 50km. Trước đây, ngành GD-ĐT đã đầu tư xây dựng dãy nhà công vụ 5 - 6 phòng đặt tại xã Hồng Hạ dành cho giáo viên 2 địa bàn Hồng Hạ và Hương Nguyên. Do địa điểm từ Trường TH&THCS Hương Nguyên ngược lên Hồng Hạ phải vượt qua đèo Tà Lương rất cách trở, vả lại vị trí nhà công vụ cách xa trung tâm xã, cách xa chợ và hàng quán phục vụ ăn uống nên không phát huy hiệu quả sử dụng.

Chính vì vậy, để đảm bảo công tác dạy học, cũng như đi lại thuận lợi, các giáo viên đành ở lại trường, mặc dù điều kiện ăn ở tại trường hết sức khó khăn.

Năm học 2017 - 2018, toàn huyện A Lưới có 48 trường thuộc các cấp học mầm non, tiểu học, THCS và có gần 60 điểm trường tại các thôn, bản, với tổng số gần 14 ngàn HS các cấp và 1.148 cán bộ, giáo viên. Đến nay, hệ thống cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy học, tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn nhất của ngành GD-ĐT A Lưới là tình trạng thiếu nhà công vụ cho giáo viên tại các điểm trường, nhất là ở 2 xã Hồng Hạ và Hương Nguyên; cùng với đó có nhiều nhà công vụ cho giáo viên ở đây xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Đứng chân dạy học trên vùng cao A Lưới, hầu hết giáo viên đều từ dưới xuôi lên công tác.

Trường học lại phân bố thành nhiều điểm trường, có nơi phải đi gần 4 tiếng đồng hồ mới đến nơi, nên phần lớn các thầy, cô giáo phải lưu trú thường xuyên để đảm bảo công tác giảng dạy. Bởi vậy, điều mong muốn nhất của ngành GD-ĐT A Lưới là các cấp, các ngành cần quan tâm sớm giải quyết nhu cầu nhà công vụ cho giáo viên, nhằm giúp các thầy cô yên tâm cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.