Giáo dục toàn diện từ trao tặng SGK đã qua sử dụng

GD&TĐ - Nhiều trường học phát động phong trào gìn giữ - trao tặng sách giáo khoa đã qua sử dụng để xây dựng tủ sách dùng chung, tặng lại HS khó khăn...

Trường Tiểu học Nghĩa Lộ tiếp nhận sách giáo khoa cũ của học sinh tặng khi kết thúc năm học 2022 - 2023.
Trường Tiểu học Nghĩa Lộ tiếp nhận sách giáo khoa cũ của học sinh tặng khi kết thúc năm học 2022 - 2023.

Trang sách, nết người

Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (Quảng Ngãi) được rèn thói quen không viết, vẽ vào sách giáo khoa. Với những nội dung bài học thực hiện điền khuyết, ghép nối buộc phải thao tác trực tiếp trên sách, các em sẽ sử dụng bút chì để làm bài. Khi tái sử dụng, chỉ cần tẩy xóa dễ dàng.

Phong trào Giữ gìn, trao tặng sách giáo khoa được các trường học ở Quảng Ngãi thực hiện nhiều năm nay. Em Minh Ngọc, lớp 7B, Trường THCS Trần Hưng Đạo chia sẻ bí quyết để bộ sách giáo khoa trông vẫn như mới sau một năm sử dụng: “Em dùng giấy nhớ để hỗ trợ quá trình học tập.

Những nội dung cần thiết hoặc các bài tập điền thiếu em sẽ viết vào giấy nhớ rồi dán vào chỗ trống của sách. Với cách làm này, cách ghi nhớ kiến thức sâu, dễ ôn bài hơn mà vẫn đảm bảo giữ được sách sạch, đẹp. Cuối năm học, chỉ cần gỡ những tờ giấy ghi chú là em đã có một bộ sách giáo khoa có thể tái sử dụng để gửi ở thư viện, tặng lại các em khóa sau”.

Bế giảng năm học vừa qua, Trường Tiểu học Trần Phú tiếp nhận 280 bộ sách giáo khoa qua sử dụng các lớp từ 1 - 5 do học sinh trao tặng. Nhà trường đã tặng lại 30 bộ cho học sinh hoàn cảnh khó khăn; số còn lại chuyển cho Thành đoàn tặng học sinh các huyện miền núi.

Trường Tiểu học Nghĩa Chánh (Quảng Ngãi) tiếp nhận 891 bộ sách giáo khoa qua sử dụng được học sinh các khối lớp tặng lại sau khi kết thúc năm học. Theo cô Đặng Thị Ngọc Anh, Hiệu trưởng, có gần 200 bộ sách giáo khoa đã được học sinh giữ lại ở gia đình để tặng cho chị em, họ hàng sử dụng những năm học tiếp theo. Bài học đầu tiên của mỗi học sinh là cách giữ gìn, bảo quản sách vở sạch đẹp, không quăn góc, sờn mép, viết vẽ bậy vào sách… Nhờ vậy, học sinh được rèn tính cẩn thận, quý trọng, gìn giữ sách vở.

Phong trào Giữ gìn, trao tặng sách giáo khoa trong các trường học ở thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) được phụ huynh ủng hộ. Hơn cả việc tiết kiệm một khoản kinh phí không nhỏ đầu mỗi năm học mới, học sinh còn được rèn luyện tính cẩn thận, chỉn chu từ nhỏ. Đây cũng là bài học về sự trao nhận, san sẻ yêu thương đối với bạn bè đồng trang lứa.

Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đang phát động phong trào tặng sách giáo khoa cũ. Chương trình kéo dài đến hết tháng 7. Thầy Lê Mạnh Tấn – Bí thư Đoàn trường - cho biết: “Do sách giáo khoa của Chương trình GDPT 2018, mỗi địa phương có sự lựa chọn khác nhau nên sách lớp 12, chúng tôi gửi tặng học sinh Trường THPT Tây Giang (Quảng Nam).

Riêng sách lớp 10, Đoàn trường sẽ thống kê danh sách từng đầu sách và thông báo rộng rãi trên các nền tảng xã hội để hỗ trợ học sinh nhà trường hoặc bất cứ học sinh lớp 10 nào cần đều có thể liên hệ để nhận”. Ngoài ra, Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám còn tiếp nhận hơn 1.000 quyển vở và đồ dùng học tập, cặp sách… để gửi tặng học sinh huyện Tây Giang.

Học sinh khối lớp Một, Trường Tiểu học Nghĩa Lộ được cô giáo hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản sách giáo khoa để có thể tái sử dụng cho những năm sau.

Học sinh khối lớp Một, Trường Tiểu học Nghĩa Lộ được cô giáo hướng dẫn cách sử dụng, bảo quản sách giáo khoa để có thể tái sử dụng cho những năm sau.

Không để trò học chay

Tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam), thầy, cô giáo đã vận động học sinh chọn những quyển sách giáo khoa đã qua sử dụng nhưng còn nguyên vẹn, không bị bong gáy, rách rời để tặng lại các em lớp dưới và đổi lấy sách cho năm học tới.

Thầy Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng, cho biết: “Do địa bàn trường đóng chân không còn nằm trong diện đặc biệt khó khăn nên chỉ một số rất nhỏ học sinh được hỗ trợ chi phí mua sắm đồ dùng học tập. Mỗi khối lớp có khoảng 10 - 20 em được phụ huynh mua sắm sách giáo khoa mới hàng năm. Còn lại, các em được nhà trường cho mượn sách giáo khoa để sử dụng suốt năm học, cuối năm trả lại cho thư viện trường”.

Đầu năm học, mỗi học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Trà Mai đều có cam kết phải đền trong trường hợp sách bị mất, hư hỏng… Học sinh được hướng dẫn cách bảo quản, sử dụng sách giáo khoa. Tuy nhiên, theo thầy Điệp nhận xét, tỉ lệ thất thoát do sách bị mất, rách, ướt, bong gáy… khi các em trả sách vào cuối năm vẫn còn cao, từ 20 - 30%.

“Với Chương trình GDPT mới, ngân sách của huyện sẽ cấp mua sách một lần cho thư viện để học sinh mượn sử dụng. Do đó hàng năm, nhà trường đều phải trích kinh phí mua sách giáo khoa bổ sung. Nhà trường tiết kiệm chi phí hồ sơ sổ sách để sử dụng thêm cho khoản này. Chúng tôi chủ trương trong kho sách của thư viện, tối thiểu phải có khoảng chục bộ sách giáo khoa dự phòng của mỗi khối lớp để đảm bảo học sinh không thiếu sách học” - thầy Điệp thông tin.

Các trường tiểu học, THCS huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) đều được hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí trang bị cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học để mua sắm sách giáo khoa cho các khối lớp 4 - 8 và mua sách giáo khoa bổ sung cho các lớp 1 - 2 - 3 và 6 - 7 để học sinh mượn. Nhờ vậy, việc mua sắm sách giáo khoa được tập trung và đồng bộ.

Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Lộ (TP Quảng Ngãi) - chia sẻ: “Hôm nay là sự chia sẻ những cuốn sách giáo khoa cũ, nhưng dần dần sẽ hình thành trong các em lòng yêu thương, sẻ chia, biết sống vì người khác. Đây là giá trị giúp học sinh phát triển toàn diện dù chỉ qua hoạt động nhỏ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.