Giáo dục thể chất: Nâng chất lượng từ chuẩn hóa đội ngũ

GD&TĐ - Chuẩn hóa năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên GD thể chất (GDTC) trong các trường phổ thông không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình, SGK mới, mà còn góp phần nâng cao phương pháp dạy học...

Đào tạo giáo viên giáo dục thể chất tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội. Ảnh: NTCC
Đào tạo giáo viên giáo dục thể chất tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội. Ảnh: NTCC

Chuẩn hóa trong nhà trường

Nhiều năm qua, GDTC luôn được ngành Giáo dục, các nhà trường đặc biệt quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho môn học. GDTC cũng là một trong những môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm phát triển toàn diện người học.

Trong nhà trường, giáo viên đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng môn học. Song vẫn còn giáo viên chậm đổi mới phương pháp giảng dạy, đánh giá... dẫn tới dạy học không hiệu quả, học sinh xem nhẹ môn học. Yêu cầu về chuẩn hóa đội ngũ từ trong trường học nhằm nâng cao chất lượng dạy học, không để môn học bị coi nhẹ được cấp thiết đặt ra.

Thầy Nguyễn Quang Hưng - giáo viên môn GDTC Trường PTDTBT THCS Cốc Lầu (Bắc Hà, Lào Cai) - trao đổi: Việc nâng cao chuyên môn đáp ứng yêu cầu giảng dạy cơ bản của chương trình chủ yếu thông qua các lớp tập huấn của địa phương, Bộ tổ chức.

Bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ cho giáo viên thể dục đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, để giúp học sinh nâng cao thể lực, vận dụng kiến thức môn GDTC vào các môn học khác thì giáo viên vẫn cần được bồi dưỡng nâng cao, cụ thể hơn nữa.

Do đó, thầy Hưng và nhiều đồng nghiệp đã tự giác rèn luyện sức khỏe, tìm hiểu và đọc thêm nhiều tài liệu hướng dẫn dạy học từ các nguồn trong và ngoài nước. “Việc nâng cao chất lượng giảng dạy môn học cần nội lực lớn từ người thầy. Do đó, chuẩn hóa chuyên môn theo những cách khác nhau là vấn đề quan trọng cần được ngành Giáo dục, nhà trường quan tâm, đầu tư. Bản thân giáo viên cũng phải chủ động, tích cực trong tự bồi dưỡng…”, thầy Hưng trao đổi.

Công tác đào tạo giáo viên giáo dục thể chất tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội đang ngày càng được nâng cao chất lượng, yêu cầu chuẩn đầu ra. Ảnh: NTCC
Công tác đào tạo giáo viên giáo dục thể chất tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội đang ngày càng được nâng cao chất lượng, yêu cầu chuẩn đầu ra. Ảnh: NTCC

Trường THCS Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có 3 giáo viên GDTC. Cô Đinh Phương Anh - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Để nâng cao chất lượng dạy học, hàng năm nhà trường đều cử giáo viên tham gia bồi dưỡng thường xuyên các chuyên đề của quận. Ngoài ra, giáo viên còn được tham gia đợt bồi dưỡng của thành phố, Bộ tổ chức.

Do giáo viên đã chuẩn hóa từ khâu đào tạo (tốt nghiệp đại học chuyên ngành thể dục) và được bồi dưỡng thường xuyên, tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại khóa liên quan đến GDTC… nên đã đảm đương việc dạy học môn GDTC ổn định. Nhiều giáo viên đã phát huy hiệu quả môn học, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung.

Minh chứng cho thông tin trên, cô Đinh Phương Anh nhấn mạnh: “Học sinh đón nhận hào hứng, không có tình trạng đến tiết thì xin nghỉ hay trốn học. Học sinh được học thể dục, tham gia hoạt động thể thao với nội dung phù hợp, phương pháp giảng dạy phong phú, được vận động ngoài trời thoải mái…”.

Cô Nguyễn Thị Hợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình) - trao đổi: Để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, chuẩn hóa chuyên môn đội ngũ trong trường học, ban giám hiệu nhà trường đã đặt ra những yêu cầu chuyên môn như các môn học chính khóa khác.

Mỗi tháng nhóm giáo viên thể dục phải sinh hoạt chuyên môn 2 lần và đều có sổ sách ghi chép chuyên môn. Các chuyên đề GDTC cấp trường, cấp khối diễn ra theo thời gian quy định của triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Hoạt động chuyên môn được tổ chức thường xuyên tại trường giúp giáo viên tăng thêm cơ hội cọ xát, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng bộ môn.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Phình 1 (Bắc Hà, Lào Cai) trong giờ GDTC. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Lùng Phình 1 (Bắc Hà, Lào Cai) trong giờ GDTC. Ảnh: NTCC

Nâng “chất” giáo viên từ đào tạo

Theo TS Nguyễn Duy Quyết - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, một trong những yếu tố có vai trò quyết định hàng đầu đến chất lượng GDTC là đội ngũ nhà giáo.

Đổi mới và nâng cao chất lượng môn GDTC, trước hết, nhà giáo phải đổi mới chính mình. Chất lượng giáo dục không thể có được trong một ngày, một tháng, một năm... Nhưng nếu không có sự lao động sáng tạo từng ngày, từng tháng, từng năm của các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục thì không thể có nền giáo dục chất lượng.

Do đó, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội đã có những chính sách, cũng như nhiều biện pháp nêu cao tinh thần trách nhiệm của người làm công tác GDTC… để tạo ra những sản phẩm giáo dục có chất lượng cao, có ích cho xã hội.

TS Nguyễn Duy Quyết khẳng định: Vai trò của người thầy trong hoạt động giáo dục có ý nghĩa quan trọng khi môi trường và vị trí giáo dục được coi trọng. Nhất là ngày nay, trước yêu cầu phát triển xã hội, trình độ, năng lực cần cho hoạt động nghề nghiệp của mỗi ngành đòi hỏi ngày càng cao, gánh nặng tri thức cần và đủ trong hành trang của người thầy càng nhiều.

Người thầy không những phải nắm vững, hiểu sâu về chuyên môn giảng dạy, mà còn hiểu biết rộng về các lĩnh vực liên quan đến nội dung giảng dạy. Bản thân mỗi thầy, cô giáo cần học tập nâng cao tri thức và tầm hiểu biết cũng như nắm vững những kiến thức cơ bản, hiểu biết rộng về những kiến thức có liên quan đến phạm vi chuyên môn. Đồng thời, nhà giáo phải biết xu hướng, phát minh về lĩnh vực khoa học có liên quan. Qua đó nhận thức được những mặt mạnh, hạn chế của lĩnh vực đó và những vấn đề cần gợi mở để nghiên cứu, có hứng thú nghiên cứu.

Do đó, trong hoạt động giảng dạy GDTC hàng ngày, mỗi người thầy, nhà trường và các cơ quan quản lý đều phải quan tâm đến lĩnh vực phương tiện, phương pháp và công nghệ. Một mặt, cần nâng cao hiệu quả đầu tư, trang bị kỹ thuật phương tiện dạy học, mặt khác cần nâng cao hiệu quả sử dụng và năng lực sử dụng của đội ngũ nhà giáo.

Người thầy cần có ý thức chủ động, nghiên cứu ứng dụng, đặc biệt là những phương pháp và phương tiện dạy học các môn chuyên ngành mang tính đặc thù.

Mỗi nhà giáo nhất định phải có năng lực tự học, tự bồi dưỡng để hoàn thiện kiến thức phục vụ cho công tác giảng dạy và nâng cao năng lực bản thân. Để có được điều đó thầy, cô giáo phải thực sự có nhu cầu nâng cao trình độ, coi đó là động lực luôn thôi thúc trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Mặt khác,  nhà giáo cần có kỹ năng và phương pháp để tự học hiệu quả. - TS Nguyễn Duy Quyết

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.