Giáo dục Quảng Bình qua cơn lũ kép

GD&TĐ - Trong khi ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình chưa khắc phục xong hậu quả của cơn lũ lịch sử giữa tháng 10/2016, mấy ngày qua một cơn lũ khác lại xuất hiện. 

Giáo dục Quảng Bình qua cơn lũ kép

Toàn bộ công sức của cán bộ, nhân viên, giáo viên ngành GD Quảng Bình nỗ lực dọn dẹp hậu quả của cơn lũ trước để đảm bảo cho HS đến trường sớm nhất, lại tiếp tục bị cuốn trôi theo con nước…

Nơi vùng đất mưa là phải đóng cửa trường

Đợt mưa lũ lần này không gây ngập sâu trên diện rộng, nhưng gây chia cắt nhiều vùng ở Quảng Bình. Bị ngập nặng chủ yếu là các trường học dọc bờ sông Gianh thuộc địa bàn huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, 10 xã vùng Nam thị xã Ba Đồn; dọc bờ sông Son thuộc địa bàn huyện Bố Trạch; một số trường thuộc vùng trũng của huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy; một số xã của huyện vùng cao Minh Hóa… Do mưa lũ nhiều tuyến đường bị ngập, sạt lở, nên có những nơi không bị ngập nhưng HS vẫn không thể đến trường.

Thầy Võ Vĩnh Hào, Trưởng phòng GD&ĐT Lệ Thủy trao đổi: Đợt mưu lũ này toàn huyện có 19 trường ở vùng trũng bị ngập từ 1 - 1,2 mét. Đặc biệt địa bàn xã Sơn Thủy bị ngập và chia cắt hoàn toàn, nên mới xảy ra trường hợp HS Dương Thị Kim Anh, HS lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám trú tại xã Sơn Thủy.

Thầy Võ Hải Quân, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Bố Trạch, cũng chia sẻ: Mưa lũ đã làm các trường ở địa bàn 4 xã Phúc Trạch, Sơn Trạch, Hưng Trạch, Liên Trạch bị ngập nặng, hiện các thầy cô giáo đang nỗ lực cố gắng khắc phục, làm vệ sinh trường lớp khi nước rút. Các trường còn lại cơ bản sáng 4/11 cũng đã ổn định cho HS tới trường học.

Toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 5 trường nội trú, 2 trường bán trú và 1 trường có HS bán trú dành cho HS con em đồng bào dân tộc và các vùng đặc biệt khó khăn. Trong 2 đợt mưa lũ vừa qua nhà trường đã giữ HS ở lại trường, chăm lo chu đáo từng bữa ăn và tuyệt đối không cho các em về nhà để bảo đảm an toàn tính mạng cho HS. Vì hầu hết HS ở những ngôi trường này đều ở các bản làng xa xôi, khi mưa lớn đường núi bị sạt lở, nước ở các sông suối dâng cao và chảy xiết, nếu để các em về sẽ rất nguy hiểm.

Theo thầy Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Lâm Thủy (Lệ Thủy), trong đợt mưa lũ kép này, ngoài điểm trường chính được an toàn, còn các điểm trường lẻ ở bản Tân Ly bị ngập lụt và điểm trường ở bản Eo Bù bị chia cắt hoàn toàn do đường bị sạt lở nghiêm trọng.

Sáng 3/11, nhà trường đã cử các giáo viên ở điểm trường chính đi bộ để tiếp cận với hai điểm trường này nhằm giúp đỡ giáo viên ở đây khắc phục hậu quả và vận động HS đến trường. Nhờ chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm từ trước, nên trong các ngày mưa lũ, 40 HS bán trú của trường được các thầy cô giáo chăm lo đầy đủ từng bữa ăn cho các em…

Cần sự chung tay của cộng đồng

Tạm gác việc nhà, nhiều giáo viên đã phải đến trường để trực lũ mặc cho con cái họ để người thân chăm trong dòng nước dữ bao vây tứ bề. Họ đến trường chỉ để thực hiện việc làm vệ sinh dọn dẹp trường lớp làm sao đảm bảo sạch đẹp sau mùa mưa lũ nhằm để các cháu đến trường học sớm nhất có thể. Nhiều giáo viên có nhà ở vùng lũ thì phải làm việc quần quật từ sáng đến tối để làm sạch trường lớp, vệ sinh dọn dẹp gia đình.

Trong đợt mưa lũ lần hai này hơn 17 vạn HS lại bị gián đoạn việc học tập. Việc học của các em HS đã bị trì trệ nên trách nhiệm, công sức của giáo viên ở vùng lũ là cực kỳ lớn, bởi ở đây cả khối lượng kiến thức cần truyền đạt cho các em sau hơn 1 tuần nghỉ học. Chưa kể việc sau lũ, nhiều trường học ở các vùng ngập sâu mọi trang thiết bị dạy học không còn giữ được nên dẫn đến việc trang bị kiến thức cho các em HS càng khó khăn hơn.

Đã không ít đoàn cứu trợ, các nhà hảo tâm cùng chung tay với nhà trường để giúp đỡ các em HS nhằm chia sẻ những khó khăn và thầy cô cùng HS vùng lũ gặp phải. Đây không chỉ là sự chia sẻ cùng vùng khó mà còn là sự cần thiết, kịp thời để trợ giúp các em HS tránh việc bỏ học vì kinh tế gia đình kiệt quệ sau thiên tai bão lũ.

Có thể nói, lũ chồng lên lũ đã làm thiệt hại nặng nề cho ngành GD Quảng Bình về cơ sở vật chất và trường lớp, dù nội lực có cố gắng đến bao nhiêu đi chăng nữa thì thầy cô giáo và các em HS vùng lũ vẫn rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội….

Trước tình hình ảnh hưởng thiên tai và sự cố ô nhiễm môi trường biển, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Bình đã có văn bản đề nghị các cơ sở GD trong toàn tỉnh hạn chế việc tổ chức các hoạt động kỉ nệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Việc làm này nhằm tập trung khắc phục khó khăn, sớm ổn định các hoạt động GD sau thiên tai xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.