(GD&TĐ) - Chất lượng giáo dục đại trà đã và đang có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục "vùng trũng" được nâng lên, chất lượng giáo dục "đỉnh cao" có những khởi sắc và tiếp tục được khẳng định bằng những thành quả đáng trân trọng.
Chương trình sách giáo khoa được xây dựng đã kế thừa và phát huy được những ưu điểm cơ bản của các chương trình trước đây, phù hợp với xu hướng quốc tế về phát triển chương trình với đầy đủ các yếu tố cơ bản là: mục tiêu giáo dục, chuẩn, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục; định hướng phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục; đánh giá kết quả giáo dục.
Nội dung sách giáo khoa đảm bảo được tính khoa học, cơ bản, hiện đại và tiếp cận trình độ giáo dục các nước phát triển trong khu vực; đã chú ý đến sự liên thông trong môn học, giữa các môn học, trong cấp học, giữa các cấp học theo nguyên tắc kế thừa và phát triển; đã chú ý giáo dục toàn diện các mặt đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ, các kĩ năng cơ bản và hướng nghiệp; đã xây dựng được chuẩn kiến thức, kĩ năng mỗi cấp học, các môn học làm căn cứ thống nhất trong quản lý, chỉ đạo và đánh giá kết quả giáo dục. Về cơ bản, chuẩn phù hợp với năng lực nhận thức của học sinh.
Nội dung sách giáo khoa đã đảm bảo tính chính xác, khoa học, cập nhật, phù hợp với trình độ chuyên môn của giáo viên được đào tạo chính quy; đã bám sát mục tiêu, đảm bảo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình môn học.
Sách giáo khoa đã chú ý tạo cơ hội để học sinh tự học qua các hoạt động giới thiệu mục đích bài học, tình huống có vấn đề, trả lời câu hỏi và làm bài tập tại lớp. Đồng thời có những nội dung, bài tập nâng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phân hóa trong dạy học; chú ý tạo cơ hội để học sinh hội nhập với cộng đồng thông qua một số chủ đề về truyền thống dân tộc, các nền văn hóa và lịch sử nhân loại, dân số, sức khỏe sinh sản, bảo vệ môi trường. Từ ngữ, hình ảnh minh họa trong sách không gây phương hại đến giới, các tộc người, các nền văn hóa khác nhau.
Công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được chú trọng. Hàng năm, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ cốt cán giảng dạy phổ thông cho các địa phương trong cả nước nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức, hướng dẫn triển khai chương trình, trong đó tập trung vào những điểm mới, điểm khó của chương trình, yêu cầu đổi mới phương pháp, kĩ thuật dạy học để phát huy tính tích cực của học sinh. Đồng thời, Bộ GD&ĐT tổ chức tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về sử dụng thiết bị dạy học.
Hầu hết đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đều có ý thức chính trị và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, giữ gìn nhân cách, sống gương mẫu, lành mạnh, có tinh thần trách nhiệm với ngành, có ý chí vươn lên, tích cực học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Chất lượng đội ngũ nhà giáo đã từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục của đất nước. Cơ cấu theo cấp học, trình độ đào tạo theo chuyên môn và vùng miền đang dần được cải thiện.
Cơ sở vật chất- kĩ thuật trường học được quan tâm. Việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường học và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã làm cho cơ sở vật chất của nhà trường phổ thông có nhiều tay đổi, góp phần nâng cao chất lượng chương trình giáo dục phổ thông.
Kinh phí mua sắm thiết bị dạy học được Bộ GD&ĐT xây dựng dự toán kế hoạch ngân sách cho từng tỉnh thành phố để Bộ Tài chính thẩm định và phân bổ kinh phí trực tiếp. Quy trình triển khai công tác thiết bị dạy học nghiêm túc, chặt chẽ, đảm bảo tính khoa học, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.
Nhìn chung, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nắm vững và truyền tải được chương trình, chuẩn kiến thức kĩ năng các môn học. Đa số học sinh tiếp thu được chương trình, sách giáo khoa thông qua các hoạt động hỗ trợ nhà trường và theo tài liệu hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các nhà trường đã đưa ra các biện pháp phụ đạo cho học sinh yếu kém.
Chất lượng giáo dục đại trà đã và đang có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục "vùng trũng" được nâng lên, chất lượng giáo dục "đỉnh cao" có những khởi sắc và tiếp tục được khẳng định bằng những thành quả đáng trân trọng. Chất lượng giáo dục đỉnh cao có bước phát triển mới thông qua việc phát triển hệ thống trường chuyên, trường năng khiếu. Trong các kì thi Olympic quốc tế năm 2012, đoàn học sinh Việt Nam đều đạt giải và xếp thứ hạng cao.
Lan Anh