Giáo dục pháp luật qua phiên tòa giả định

GD&TĐ - Nhằm giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, ngành Giáo dục Đồng Tháp cùng với Đoàn Thanh niên, Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Tư pháp đã tổ chức nhiều phiên tòa giả định. Phiên tòa giả định đã góp phần giúp học sinh hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, đẩy lùi các tệ nạn trong trường học nói riêng và trong xã hội nói chung.

Giáo dục pháp luật qua phiên tòa giả định

Phiên tòa giả định “hút” học sinh

Từ nhiều năm qua, tại các trường học ở Đồng Tháp, đặc biệt là các trường THPT đều có diễn ra phiên tòa giả định. Đây là hoạt động được ký kết phối hợp liên tịch giữa Đoàn Thanh niên, Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Tư pháp và ngành Giáo dục. Mỗi phiên tòa giả định là một tình huống được cập nhật gắn liền với đời sống xã hội, đặc biệt là tâm lý lứa tuổi học sinh. Phiên tòa diễn ra giống như phiên tòa thật với đầy đủ các quy trình đã thu hút đông đảo học sinh, giáo viên tham gia.

Phiên tòa giả định vừa được tổ chức tại Trường THPT Mỹ Quý (huyện Tháp Mười) đã thu hút hàng trăm giáo viên, học sinh tham gia. Với nội dung liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về mua bán trái phép chất ma túy, phiên tòa đã thật sự cuốn hút người xem với những tình tiết hấp dẫn.

Tình huống của phiên tòa được dàn dựng lại từ một vụ án có thật, đã xảy ra trên địa bàn huyện Tháp Mười. Vì thế phiên tòa giả định đã tạo được tính chân thực, khách quan và tính giáo dục thiết thực đối với các em học sinh.

Thầy Trần Liên Quang, Trường THPT Mỹ Quý cho biết: “Phiên tòa giả định đã được tổ chức đúng theo trình tự, nội dung, đảm bảo tính chuyên môn, chính xác về luật, có tính giáo dục sâu sắc. Công tác phối hợp tổ chức cũng đã được Đoàn trường, Hội Liên hiệp thanh niên trường chủ động thực hiện, chuẩn bị tốt các điều kiện về vật chất nhằm tổ chức tốt phiên tòa”.

Hay phiên tòa giả định được tổ chức tại Trường THPT Lai Vung 1 (huyện Lai Vung) cũng thu hút hàng ngàn học sinh tham gia với chủ đề nóng hổi tính thời sự: “Phòng chống ma túy, phòng chống xâm hại trẻ em”.

Bằng các tình huống và sự việc được tái hiện thực tế gắn liền với đời sống xã hội tại địa phương, phiên tòa giả định đã góp phần tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống cho đoàn viên thanh niên, học sinh trong trường học thêm hiểu biết về pháp luật; đặc biệt thực hiện việc phòng chống ma túy, xâm hại trẻ em, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân, tuân thủ các quy định về pháp luật, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội trong trường học.

Giáo dục pháp luật hiệu quả

Phiên tòa giả định góp phần định hướng thanh thiếu niên trong trường học hiểu biết và chấp hành pháp luật, rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng sống. Bên cạnh đó học sinh còn được đặt câu hỏi, giao lưu tại phiên tòa giả định. Nội dung thể hiện sinh động, phù hợp với giới trẻ, giúp đoàn viên, thanh niên hiểu biết hơn về luật pháp, ý thức chấp hành pháp luật. Đặc biệt là nhận thức được những hành động của mình để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Trong thời gian tới, phiên tòa giả định sẽ được tỉnh Đồng Tháp tiếp tục triển khai với nhiều tình huống gắn liền với thực tế và được tổ chức ở nhiều trường học. Bên cạnh đó, tại các điểm trường học, các thông tin liên quan đến tình hình an ninh trật tự được cập nhật thường xuyên tại các văn phòng Đoàn.

Một số điểm trường còn thành lập các mô hình, câu lạc bộ; tổ chức các diễn đàn, hội thi, lưu diễn tuyên truyền pháp luật như: Phiên tòa giả định trong trường học; Câu lạc bộ “Nhịp sống trẻ”, “Thắp sáng niềm tin”; mô hình “Nhà trường an toàn không có ma túy”; “Góc thân thiện”; Câu lạc bộ “Giáo dục học sinh cá biệt”; Cuộc vận động “3 không với ma túy”...

Theo cô Mai Thị Thùy Trang - Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Tràm Chim (huyện Tam Nông): Phiên tòa giả định được tổ chức đã phát huy hiệu quả rất lớn. Đã tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống cho đoàn viên thanh niên và học sinh. Giúp học sinh hiểu biết về pháp luật, phòng chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em...

Nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi đoàn viên thanh niên và học sinh tuân thủ các quy định của pháp luật, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Chúng tôi mong muốn Phiên tòa giả định sẽ tiếp tục được duy trì và nhân rộng nhiều hơn nữa. Góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và tuyên truyền pháp luật trong trường học, giúp đối tượng học sinh củng cố kiến thức pháp luật cũng như tiếp cận thực tiễn pháp luật. Đây là hình thức tuyên truyền, giáo dục rất hiệu quả trong việc nâng cao ý thức và hình thành chuẩn mực ứng xử đúng với quy định của pháp luật...

Em Trần Phương Nhi - học sinh lớp 12 Trường THPT Lai Vung 1, chia sẻ: “Qua phiên tòa này, em cùng các bạn có thêm rất nhiều hiểu biết về việc phòng chống ma túy và bảo vệ bản thân trước sự cám dỗ của những người xấu. Trước đây, việc giáo dục phòng chống ma túy và giáo dục pháp luật chủ yếu qua môn Giáo dục công dân; giờ đây có phiên tòa giả định với các tình huống thực tế nên rất dễ nhớ, dễ hiểu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ