Trao yêu thương gặt thấu hiểu
Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) thuộc huyện miền núi biên giới, với tỷ lệ học sinh (HS) là con em người dân tộc thiểu số trung bình từ 85% – 93%.
Bởi vậy, công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho các em cũng hết sức đặc biệt. Thay vì tổ chức các buổi thuyết trình trước lớp, nhà trường đã khéo léo chuyển tải thông điệp đến HS thông qua các hoạt động văn hóa – văn nghệ như: Kịch nói, thơ ca, hát, múa,…
Theo thầy Nguyễn Minh Đạo – Hiệu trưởng nhà trường, thông qua những hoạt động này vừa giúp các em nắm bắt thông tin vừa phát huy được năng khiếu, sở trường. Tuy nhiên, hình thức này được nhà trường triển khai thường xuyên theo chủ đề khi chưa có dịch bệnh Covid-19 xảy ra hoặc chưa diễn biến phức tạp.
Cụ thể, nhà trường sẽ lên chủ đề theo tháng hoặc sự kiện, sau đó gửi về từng lớp học. Từ những chủ đề cụ thể, các lớp sẽ lên kịch bản và phương thức trình bày. Với những kịch bản sinh động và sáng tạo, nhà trường sẽ lựa chọn để biểu diễn dưới Cờ.
“Trong các hoạt động giáo dục kỹ năng, nhà trường luôn chú trọng làm sao có thể khích lệ HS tham gia thay vì ép buộc. Khi các em chủ động tham gia thì hiệu quả nhận lại vô cùng tích cực”, thầy Đạo nói.
Ngoài tổ chức các hoạt động ngoại khóa, biểu diễn dưới Cờ, giáo viên nhà trường cũng thường xuyên lồng ghép vào môn học phù hợp, như: Giáo dục Công dân, Sinh học hay Ngữ văn.
Đồng thời, nhà trường cũng thành lập tổ tư vấn với những thầy, cô giáo có kiến thức chuyên môn về giới tính, sức khỏe sinh sản,… để giúp các em tháo gỡ những vấn đề còn vướng mắc.
Ngoài ra, nhà trường cũng mời bác sĩ tại các bệnh viện trên địa bàn để giáo dục cho các em về giới tính, sức khỏe sinh sản cũng như những hệ lụy để từ đó nâng cao ý thức phòng tránh.
Đối với HS là con em người dân tộc thiểu số, thầy Đạo cho rằng, mỗi thầy cô cần phải tạo được niềm tin, sự tin tưởng đối với các em. Bởi, chỉ khi trao đi yêu thương và niềm tin mới nhận lại được sự thấu hiểu, sẻ chia từ các em.
“Quan trọng nhất vẫn là sự vào cuộc đồng bộ từ cán bộ quản lý cho đến giáo viên, HS và sự đồng lòng, phối hợp của phụ huynh. Tất cả cùng nhau thực hiện mới thực sự đem lại hiệu quả. Từ đó, mang lại môi trường học tập thân thiện và hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc”, thầy Đạo chia sẻ.
Khơi dậy tình yêu Tổ quốc
Tại Trường THPT Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS cũng được nhà trường ứng biến linh hoạt trước diễn biến dịch bệnh Covid-19.
Thầy Nguyễn Văn Hải – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hiện công tác giáo dục chủ yếu diễn ra theo hình thức trực tuyến thông qua mạng xã hội. Đối với những em học trực tiếp tại trường, nội dung này vẫn được triển khai thông qua các buổi sinh hoạt cuối tuần.
Cũng theo thầy Hải, trước đây khi dịch bệnh Covid-19 chưa xảy ra hoặc chưa diễn biến phức tạp, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS là hoạt động thường niên của nhà trường.
“Các hoạt động được diễn ra dưới Cờ theo chủ đề. Chẳng hạn vào dịp 20/11, nhà trường sẽ giáo dục cho các em theo chủ đề: Uống nước nhớ nguồn. Trong khi đó, dịp 26/3 là Tháng Thanh niên, trường sẽ phối hợp với Đoàn Thanh niên tuyên truyền cho HS về văn hóa ứng xử,…”, thầy Hải chia sẻ.
Đặc biệt, hàng năm Đoàn trường cũng tổ chức cho HS viếng thăm Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Bỉm Sơn. Tại đây, các em sẽ dọn dẹp, vệ sinh và dâng hương cho các anh hùng liệt sĩ.
“Thông qua hoạt động ngoại khóa này, nhà trường mong muốn chuyển tải đến HS thông điệp uống nước nhớ nguồn. Bởi lớp lớp cha, anh là người con của quê hương đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, giáo dục cho các em ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước, bảo vệ Tổ quốc”, thầy Hải nói.
Là người phụ trách các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho HS, chị Mai Thị Lương – Bí thư Đoàn, Trường THPT Bỉm Sơn cho biết: Trước đây, nhà trường thường phối hợp với Công an tỉnh Thanh Hóa, Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức các buổi tuyên truyền dưới Cờ để hướng dẫn cho các em kỹ năng phòng tránh tệ nạn xã hội, bạo lực học đường.
Đồng thời, mời các diễn giả là chuyên gia tâm lý,… để giáo dục cho các em những kỹ năng sống cần thiết.
“Đặc biệt, nhà trường cũng có rất nhiều câu lạc bộ như Tiếng Anh, Olympic, võ, văn nghệ,… Các câu lạc tuy có phương thức hoạt động khác nhau nhưng có chung mục đích đó là tạo môi trường cho học sinh được rèn luyện các kỹ năng sống. Đồng thời, giúp các em phát huy tài năng, sự sáng tạo và phong thái tự tin hơn”, chị Lương nói.
“Trước khi dịch bệnh chưa xảy ra, chúng em cũng thường xuyên được tham dự các buổi tuyên truyền về phòng chống ma túy, bạo lực học đường….
Những hoạt động này rất bổ ích, góp phần định hướng cho chúng em về tư tưởng sống tốt đẹp. Ngoài ra, còn giúp chúng em phòng tránh các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường,…”, em Nguyễn Hải Bình (lớp 12A8, Trường THPT Bỉm Sơn) chia sẻ: