Bức thư không quá dài nhưng đủ đầy tình cảm, bài học vượt qua chính mình của người thầy dành cho học trò của mình.
Giúp học sinh hiểu giá trị bản thân
Thầy Tuyên chia sẻ: Ở kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Tuyên Quang, nhà trường có 8 học sinh tham gia, trong đó có 7 em đoạt giải, chỉ có em Lê Vân Anh - học sinh lớp 9 thi môn Văn - không đoạt giải. Đây là lý do để thầy Tuyên viết thư động viên học trò của mình. Trong thư thầy viết: "Điểm số một bài thi học sinh giỏi không nói lên tất cả. Vân Anh à, đón nhận thành công thì dễ, dũng cảm vượt qua được những thất bại mới thực sự là thành công em ạ, đó mới là điều thầy cô và người mẹ yêu quý của em mong muốn em có được".
Lời nhắn nhủ của thầy không chỉ có ý nghĩa với Vân Anh, mà còn với nhiều em học sinh khác. "Giáo dục học sinh vươn lên, vượt qua khó khăn, áp lực là việc làm thường xuyên của nhà trường. Chúng tôi đã thành lập tổ tư vấn cho học sinh nội trú, nhằm giải đáp mọi băn khoăn, thắc mắc của học trò. Ngoài ra, nhà trường còn chú trọng tổ chức giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh" – thầy Tuyên chia sẻ, đồng thời cho biết: Giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống là môn học tự chọn của nhà trường và có tính điểm trong chương trình học chính khóa. Môn học này giúp học sinh hiểu giá trị đích thực của bản thân, cuộc sống; từ đó biết cách vượt qua khó khăn, áp lực hằng ngày.
Chia sẻ về cách đánh giá, nhận xét học sinh, thầy Tuyên trao đổi: Từ hiệu trưởng đến giáo viên đã thay đổi nhận tư duy, nhận thức. Nhà trường chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, không nặng về điểm số, thành tích học tập; đồng thời quan tâm đến kết quả giáo dục của học trò để động viên các em tiếp tục nỗ lực, phấn đấu.
Thầy Tuyên viện dẫn: 3 năm nay, nhà trường duy trì hình thức vinh danh học sinh bằng cách in ảnh pano khổ lớn rồi treo trong trường. Theo đó, cuối năm trường tổ chức lấy ý kiến học sinh để lựa chọn 3 - 4 bạn tiêu biểu để làm poster. Không nhất thiết phải học giỏi mới được vinh danh, những em tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của nhà trường, có việc làm tốt đều có cơ hội được chụp để in ảnh khổ lớn treo trong trường.
"Ngoài ra, nhà trường cũng đổi mới hình thức khen thưởng. Trong buổi tổng kết năm học, giáo viên ngồi họp toàn trường, bình chọn 1 - 3 học sinh có tiến bộ vượt bậc trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức và học tập để đề xuất khen thưởng. Chẳng hạn: Có em năm học trước học kém, phải thi lại nhưng năm học này trở thành học sinh tiên tiến. Những em đó rất xứng để được khen thưởng. Trong buổi tổng kết năm học, nhà trường mời cả phụ huynh đó lên để tặng hoa chúc mừng" – thầy Tuyên cho hay.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá: Trách nhiệm và tâm người thầy
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội cho rằng: Thầy Tuyên viết thư động viên học sinh kịp thời. Cách làm của thầy rất hay và khéo. Qua đó, giúp học sinh có nhận thức về việc học tập của mình, bởi điểm số không nói lên tất cả. Bức thư của thầy cũng là cách để giáo dục học sinh có ý thức vươn lên, dám đối diện với khó khăn và biết biến khó khăn trở thành động lực cho mình.
"Tới đây, Chương trình giáo dục phổ thông mới chuyển từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Vì thế, việc đổi mới cách kiểm tra, đánh giá là cần thiết. Qua đó, khích lệ học sinh vươn lên trong học tập và rèn luyện. Muốn vậy, cán bộ quản lý, giáo viên cũng cần thay đổi từ nhận thức cho đến hành động" – TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Theo ông Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ quốc gia về Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), câu chuyện của Lê Vân Anh – học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Hàm Yên không phải là cá biệt. Thầy hiệu trưởng sống có lòng trắc ẩn, xử lý nhân văn, tất cả vì học trò của mình.
Ông Đặng Tự Ân trao đổi: Thời gian học tập ở trường phổ thông là quá trình đang hình thành và phát triển năng lực của học sinh. Đời còn dài, mỗi em phải biết tự rèn luyện bản thân, trau dồi tri thức mới trưởng thành, đáp ứng sự đòi hỏi ngày càng cao của xã hội và đất nước. Vì thế, cách đánh giá quá trình học tập của học sinh thông qua nhận xét, giúp các em rèn luyện phương pháp học tập theo tư duy khoa học để giải quyết một vấn đề, tình huống cụ thể là phù hợp. Từ đó định hướng học sinh phát huy phương pháp học tập độc lập, sáng tạo và có thói quen học tập suốt đời sau này. Đây là phương pháp đánh giá ưu việt mà chúng ta đang coi trọng và tích cực làm. "Đánh giá học sinh, đừng phụ thuộc vào một bài kiểm tra hay điểm số. Hãy nhìn vào quá trình phấn đấu để đánh giá năng lực và phẩm chất toàn diện từng em" - ông Đặng Tự Ân nhấn mạnh.
"Mỗi tuần, ban giám hiệu dành một buổi nói chuyện với học sinh tại nhà đa năng của trường, qua đó, giải đáp băn khoăn, thắc mắc của học trò. Nhà trường đã và đang vận dụng theo Mô hình trường học mới nên việc kiểm tra, đánh giá học sinh có nhiều cải tiến và hoàn toàn có thể "bắt nhịp" với cách kiểm tra, đánh giá học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông mới". - Thầy Lê Thành Tuyên