Giáo dục học sinh qua hành động đẹp của thầy cô

Giáo dục học sinh qua hành động đẹp của thầy cô

Để HS không bị dừng học

Từ khi nghỉ học do dịch Covid-19, em Hoàng Trọng Minh (lớp 7, Trường THCS Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh) luôn cảm thấy tù túng do không được ra ngoài cùng bạn bè, mà ở nhà giữ em cho bố mẹ đi làm. Cụm từ “học trực tuyến” với em càng xa lạ bởi máy tính không có, mạng Internet cũng không. Tuy nhiên, sau khi cô giáo chủ nhiệm, thầy cô bộ môn đến tận nhà giao bài tập, hướng dẫn em học bài, củng cố kiến thức, Minh rất vui và không còn cảm giác bị “bỏ quên” trong phong trào học trên mạng.

Thầy Phạm Yên Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Phúc Đồng (Hương Khê, Hà Tĩnh) chia sẻ: “HS vùng nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn, công nghệ thông tin chưa phủ sóng từng gia đình. Vì vậy, giáo viên phải đến từng nhà giao bài tập, hướng dẫn học sinh ôn bài. Chính sự cần mẫn, có trách nhiệm đó mới thôi thúc trò nghiêm túc trong việc học hành hàng ngày”.

Trường Tiểu học Nam Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) có gần 190 học sinh, 6 giáo viên văn hóa với 7 lớp học, phong trào ôn tập kiến thức diễn ra sôi nổi kể từ ngày đầu nghỉ tránh dịch. Cô Nguyễn Thị Tiền Giang - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường ở vùng sâu, vùng xa nên phần lớn học sinh không có điều kiện ôn tập kiến thức qua mạng Internet, thế nên chúng tôi duy trì ôn tập cho các em qua 2 hình thức. Phần lý thuyết được các cô gửi cho phụ huynh qua Zalo, Facebook, tin nhắn hoặc gọi điện trực tiếp cho phụ huynh. Phần bài tập, các cô soạn đề cương ôn tập theo nhóm đối tượng rồi gửi đến tận nhà”.

Những ngày nghỉ này, ngoài việc thảo luận chuyên môn, ra đề cương ôn tập hàng tuần cho các em. Giáo viên vẫn đến trường dọn vệ sinh, mở cửa thư viện cho phụ huynh mượn sách, đồng thời gửi bài tập để phụ huynh mang về cho con và nộp bài làm phát từ trước để các cô kiểm tra kết quả. Những phụ huynh không có điều kiện đến trường, giáo viên chủ nhiệm đến nhà để gặp gỡ, động viên và kiểm tra việc ôn luyện của trò.

Tại Trường Tiểu học Xuân Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), việc in, phát đề cương ôn tập cho học sinh được thực hiện hàng tuần. Cô Phạm Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Lộc cho biết: “Toàn trường có 630 học sinh nhưng qua khảo sát chỉ có gần 100 học sinh có điều kiện có thể học trực tuyến. Để tạo phong trào ôn tập giúp học sinh nắm vững kiến thức, chúng tôi tổ chức in, phát đề đến tận tay các em và kiểm tra bài tập sau mỗi tuần”.

“Xin” điện thoại cũ cho trò

Trăn trở trước thực trạng một số học sinh không có phương tiện học tập, ít nhất là một chiếc điện thoại thông minh cũ để có thể truy cập mạng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã kêu gọi thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, em học sinh, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, chung tay hỗ trợ smartphone cho học sinh học trực tuyến.

Trên Facebook cá nhân, thầy Dương Đình Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu đăng thông tin: “Nhằm khắc phục tình trạng nghỉ học do dịch bệnh, Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu triển khai đại trà chương trình dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, còn một bộ phận học sinh quá nghèo, không có phương tiện học tập, ít nhất là một chiếc smartphone cũ để có thể truy cập mạng”. Theo đó, mọi người có thể đóng góp bằng tiền hoặc hiện vật là điện thoại thông minh mới hoặc cũ còn dùng được.

Thầy Thọ cho biết: “Nhà trường mong muốn em nào cũng có điện thoại, máy tính nối mạng để tham gia học tập. Biết là khó khăn nhưng đây là cơ hội để mở ra một hình thức dạy học mới. Sau này học sinh sẽ quen với các ứng dụng của công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, qua khảo sát còn gần 70 HS lớp 12 và xấp xỉ 365 HS 2 khối còn lại chưa có phương tiện để học trực tuyến. Do vậy, tôi lên mạng kêu gọi cộng đồng cùng chung tay giúp đỡ để HS dù khó khăn vẫn có cơ hội tiếp cận GD trực tuyến”.

“Cái hay của phần mềm này là cho phép hàng trăm người truy cập cùng lúc. Giáo viên có thể dạy ở nhà hoặc trên lớp thông qua webcam của máy tính. Học sinh dùng điện thoại thông minh để học và phản hồi, tương tác. Em nào tham gia hay không đều hiển thị nên giáo viên có thể điểm danh được”, thầy Thọ nói thêm.

Chỉ sau một thời gian ngắn, trường nhận được sự hỗ trợ, sẻ chia kịp thời về tiền cũng như hiện vật. Để triển khai đại trà kế hoạch học tập trực tuyến và sử dụng có hiệu quả món quà đầy ân nghĩa này, nhà trường đã tiến hành trao tặng đợt 1 với 30 điện thoại thông minh và 30 sim thẻ cùng tài khoản với tổng trị giá hơn 33 triệu đồng cho 30 học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất.

Qua lời kêu gọi của thầy hiệu trưởng, nhiều HS trong lớp khi biết hoàn cảnh của bạn đã chủ động sẻ chia, giúp đỡ. Em cho bạn mượn điện thoại cũ còn dùng được, em rủ bạn học cùng. Các thầy cô trong trường cũng có sự hỗ trợ nhất định với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chừng ấy thôi cũng đủ làm ấm lòng người được giúp đỡ, tạo sức lan tỏa về hành động đẹp giữa thầy và trò, trò với trò trong môi trường học đường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.