Chuẩn bị cho tương lai là sứ mệnh đồng thuận
Worldwide Educating for the Future Index đánh giá hệ thống giáo dục ở 35 nền kinh tế với 3 nhóm chỉ số chính gồm có: môi trường chính sách giáo dục, môi trường giảng dạy, môi trường kinh tế xã hội. 3 nhóm chỉ số này được chia cụ thể thành 16 chỉ số nhỏ để đưa ra kết quả chung cuộc, trong đó nhóm chỉ số môi trường giảng dạy được đánh giá là quan trọng nhất - chiếm 50% số điểm.
Các chỉ số tập trung vào các yếu tố như ngân sách của Chính phủ dành cho giáo dục, chất lượng đào tạo giáo viên, sự đa dạng văn hóa; từ đó đánh giá cách học sinh, sinh viên (HSSV) được chuẩn bị để sẵn sàng làm chủ các kỹ năng thiết yếu trong tương lai, như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, khả năng định hướng trong khi thế giới ngày càng số hóa và tự động hóa.
Worldwide Educating for the Future Index cũng phân tích những lý do dẫn đến thành công của nền giáo dục New Zealand, quốc gia xếp vị trí thứ nhất trên bảng xếp hạng chung cuộc.
Thứ nhất, giáo dục để chuẩn bị tương lai là một sứ mệnh chiến lược được đồng thuận cao tại New Zealand. Chủ trương của quốc gia này là đặt giáo dục ở vị trí trung tâm trong mọi nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội. Và giáo dục phải tạo điều kiện phát huy tối đa tiềm năng cá nhân của mỗi học sinh, sinh viên.
Mọi công dân New Zealand đều có quyền bình đẳng về cơ hội học hành và giáo dục phải đạt được mục tiêu giúp người dân New Zealand trở thành những người có kiến thức, kĩ năng, hiểu biết để có thể đáp ứng được sự thay đổi không ngừng của thế giới hiện đại.
Có thể kể đến những cuộc “cách mạng” giáo dục ở New Zealand, như chương trình học bậc THPTNCEA (tạm dịch: Chứng chỉ quốc gia New Zealand, tương đương Bằng PTTH của Việt Nam) dạy và học theo tín chỉ, mang tính linh động cao và phù hợp với khả năng của từng học sinh; chương trình chiến lược “Nation of Curious Minds” (Quốc gia của những bộ óc tò mò) với chìa khóa là giáo dục STEM, giúp khơi gợi niềm đam mê khoa học công nghệ đối với thế hệ trẻ New Zealand. Nation of Curious Minds kéo dài 10 năm (2014 – 2024) với mục tiêu sẽ tạo ra được một lực lượng lao động có đầy đủ kỹ năng để đối mặt với những thay đổi không ngừng của thế kỷ 21, đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0.
Giáo viên chủ động tìm kiếm doanh nghiệp
Thứ hai, dưới sự điều phối của chính phủ, New Zealand có được một hệ thống giáo dục đồng bộ, từ công nghệ đến phương pháp giảng dạy, giáo trình, và sự hợp tác với các doanh nghiệp; nhờ vậy hệ thống giáo dục có hướng tiếp cận phù hợp với mục tiêu đào tạo.
Đơn cử như việc từ 2018, công nghệ số sẽ được đưa vào giảng dạy ngay từ lớp 1 thay vì từ trung học như chương trình cũ. Với kế hoạch này, New Zealand mong muốn các em học sinh tiểu học hiểu được những thuật ngữ căn bản như Robot, Internet của vạn vật, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ in 3D … và khi kết thúc bậc tiểu học, học sinh được trang bị kỹ năng cơ bản về lập trình.
Không chỉ riêng các trường Phổ thông, chương trình học của các trường Đại học, Học viện tại New Zealand được xây dựng dựa trên nhu cầu của ngành công nghiệp và tập trung vào người học, giúp người học trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết để có thể hội nhập ở bất cứ môi trường nào.
Phương châm giáo dục của New Zealand là trang bị cho học sinh, sinh viên kỹ năng và tinh thần học tập suốt đời, kỹ năng tìm tòi và áp dụng kiến thức vào thực tiễn, kỹ năng tư duy và suy nghĩ độc lập, sáng tạo.
Theo học khoá Thạc sĩ Hệ thống Thông tin Doanh Nghiệp ĐH Canterbuty New Zealand- bạn Nguyễn Hoàng Tuấn tự tin về tương lai: “Động lực lớn nhất cho việc học của mình là niềm đam mê dành cho Công nghệ thông tin. Hơn nữa, với sự phát triển của công nghệ tự động hoá ở khắp mọi nơi, các hệ thống quản lý thông tin doanh nghiệp trở nên đặc biệt quan trọng, và điều đó cũng có nghĩa cơ hội việc làm dành cho mình sẽ rộng mở hơn rất nhiều.”
Tại các trường Đại học hay Học viện kỹ nghệ của New Zealand, các giảng viên ngoài giờ lên lớp còn chủ động gặp gỡ các doanh nghiệp bên ngoài để trao đổi thông tin hay tìm kiếm nơi “học việc” cho sinh viên của mình.
Nhờ đó sinh viên có được cái nhìn gần gũi hơn về công việc sau này, cũng như các thầy cô có thể cập nhật những thông tin mới nhất về xu hướng, nhu cầu trong ngành nghề nhằm xây dựng giáo trình học phù hợp.
Phạm Huy Cường- Cựu sinh viên ĐH Massey cho biết: “Vào mỗi học kỳ, ĐH Massey tổ chức nhiều hội chợ việc làm và có rất nhiều doanh nghiệp đến trường để giới thiệu. Ngoài ra, ĐH Massey xây dựng quan hệ với rất nhiều doanh nghiệp và là trung tâm nghiên cứu, hỗ trợ các công ty, doanh nghiệp nên các bạn sinh viên ra trường đều tự tin về khả năng tìm việc làm.”
Còn Thảo Trần- Cựu sinh viên của Đại học Công nghệ Auckland (AUT) thì chia sẻ: “Sự giao thoa về văn hóa ở ĐH AUT luôn được mọi người tôn trọng. Bạn có thể là bất cứ ai, màu da hay kiếu tóc. Sẽ không ai cảm thấy khó chịu với bạn. “Be yourself” đó là điểu AUT mang đến cho tôi khi bước chân vào trường và “Be confident” là thứ tôi mang ra khỏi AUT khi tốt nghiệp.”