Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, ĐBQH khóa XIV:
Kiến tạo, hỗ trợ cá nhân thành hạt nhân đổi mới
Ngành GD đã đi qua một năm học trong điều kiện ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, gây xáo trộn hoạt động dạy - học. Với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, bằng các phương pháp, hình thức dạy học phù hợp, toàn ngành đã nỗ lực hoàn thành chương trình năm học, tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tạo được niềm tin, uy tín, vị thế của ngành với phụ huynh, xã hội. Trong thách thức, cùng sự hỗ trợ và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đội ngũ thầy cô giáo đã vượt qua khó khăn để vừa tham gia phòng chống dịch bệnh, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, dạy học; thể hiện tâm huyết, sáng tạo bắt nhịp với sự thay đổi và sẵn sàng tâm thế cho quá trình đổi mới trong mọi hoàn cảnh.
Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; là năm đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025, mở ra thời cơ, vận hội mới, song hành với nhiều thách thức, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực hơn nữa. Cơ quan quản lý GD các cấp phải là nơi kiến tạo, hỗ trợ để mỗi cá nhân trở thành hạt nhân đổi mới, tự nguyện thi đua, tạo lan tỏa trong toàn ngành. HSSV có môi trường thuận lợi nhất để phát huy tối đa phẩm chất, năng lực cá nhân; có đủ kỹ năng mềm, có văn hóa, tri thức, sống nhân văn, yêu quê hương, đất nước.
Ngành GD Vĩnh Long cần quan tâm quy hoạch, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý (CBQL) đáp ứng yêu cầu đổi mới GD, Luật Giáo dục 2019 và bảo đảm ổn định lâu dài. Chú trọng tập huấn để thầy, cô giáo yên tâm khi thực hiện Chương trình, SGK GDPT mới; nêu cao tinh thần trách nhiệm, khát vọng cống hiến, xem đây là những yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng GD và thành công trong triển khai Chương trình GDPT mới.
Cùng với đó, ngành tiếp tục quy hoạch, sắp xếp quy mô trường lớp phù hợp với điều kiện thực tế; chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ GD trong lộ trình đổi mới. Đổi mới tư duy, phương thức quản lý theo hướng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý một cách toàn diện. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và thực hiện chuyển đổi số trong GD, chú trọng quản lý GD trên môi trường mạng.
Năm 2020 đi qua, ngành GD tự hào vì góp phần vào thành công chung trong quá trình phát triển đất nước. Với niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tin rằng đội ngũ toàn ngành cùng quyết tâm, tiếp tục phát huy truyền thống, phẩm chất cao đẹp của nhà giáo; chủ động, sáng tạo vượt để vượt qua mọi thách thức, cống hiến cho sự nghiệp GD, vì một Việt Nam phồn thịnh, hạnh phúc, phát triển bền vững.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, thành viên Hội đồng Quốc gia GD và phát triển nhân lực:
Cần sự đoàn kết và kỷ cương
Năm 2020, cả nước nói chung, ngành GD nói riêng đã vượt qua nhiều khó khăn chưa từng gặp, chưa từng dự đoán và cơ bản làm chủ được tình hình, đạt được những kết quả đáng trân trọng. Trong đó, nhiều bài học quý báu được rút ra; giải pháp tích cực, sáng tạo được hình thành; nhờ đó giải quyết được những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Trên nền tảng đó, bước sang năm mới 2021, kỳ vọng về những chủ trương mới, tiến bộ trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về GD-ĐT sẽ tạo cộng hưởng để GD-ĐT có những bước phát triển quan trọng.
Các hoạt động triển khai với kết quả được đánh giá cao trong năm 2020 là kết tinh của sự đoàn kết, đồng hành cùng kỷ cương. Nếu hai yếu tố đó không đồng thời, rất khó tổ chức tốt hoạt động dạy - học và các hoạt động khác trong dịch bệnh phức tạp. Điều này càng cho thấy, trong trạng thái mới, để vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, càng cần sự đoàn kết trong toàn ngành, cần kỷ cương trong hoạt động.
Năm 2021, toàn ngành tiếp tục triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và Kết luận 51-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW. Trong tình hình mới, muốn thực hiện thành công đổi mới đòi hỏi sự sáng tạo. Chúng ta kỳ vọng, mỗi thầy cô, CBQL sẽ là những hạt nhân đoàn kết, tìm ra được giải pháp mới ở vị trí công việc của mình để thực hiện hiệu quả cao nhất nhiệm vụ đề ra.
Định hướng trong phát triển GD-ĐT theo đúng chiều hướng tiến bộ của GD thế giới; quyết sách ngày càng sát hơn với thực tiễn; những bài học quý báu đã tích lũy được; cùng sự đồng lòng của toàn ngành, của xã hội; quyết tâm của mỗi thầy cô, CBQL, với những cách làm sáng tạo, chúng ta hoàn toàn tin tưởng sẽ hiện thực hóa khát vọng chân chính của ngành.
Cuối cùng là giải pháp. Giải pháp thông minh chỉ ra đời trong một không gian cởi mở, dân chủ, trách nhiệm. Với quyết tâm đổi mới hệ thống quản lý gắn với nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo và chính từ động lực nội tại của mỗi người sẽ tạo ra những bước chuyển hiệu quả trong công việc.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế:
Vấn đề cần quan tâm nhất vẫn là con người
Năm 2021, năm đầu tiên của giai đoạn 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển 2021 - 2030 định hướng 2045; dù còn nhiều khó khăn nhưng sẽ là năm đầy triển vọng cho một giai đoạn phát triển mới của đất nước; trong đó, ngành GD-ĐT tập trung cao nhất để thực hiện thành công Chương trình GDPT mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Để thực hiện hiệu quả phương châm trong năm 2021: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, vấn đề cần quan tâm nhất vẫn là con người. Đội ngũ giáo viên, CBQL GD phải đổi mới trong tư duy, nhận thức: Đổi mới tư duy về sự phát triển; đổi mới tư duy trong công tác quản lý, huy động nguồn lực... Quan tâm xây dựng hình ảnh người thầy tự tôn, tự trọng, tâm huyết với nghề, có phẩm chất, năng lực, uy tín và mô phạm; giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, thành thạo ứng dụng CNTT, luôn tích cực sáng tạo và tích cực đổi mới.
Tiếp đến, chú trọng triển khai, cụ thể hóa các chính sách của Đảng, Nhà nước về GD-ĐT, đặc biệt chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặt khác, quan tâm chế độ chính sách với GD vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số để phát triển chất lượng đại trà, nâng cao mặt bằng dân trí, xây dựng xã hội học tập và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỉ.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào chuyển đổi số trong GD; đồng thời kiểm soát tốt bảo đảm an toàn trường học, phòng chống dịch Covid và duy trì hoạt động bình thường trong trạng thái mới.
Quan tâm chất lượng, hiệu quả thực hiện đổi mới Chương trình GDPT. Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm để thấy ưu khuyết điểm và hướng khắc phục tồn tại hạn chế để thực hiện Chương trình GDPT mới chất lượng, hiệu quả. Đổi mới tư duy trong công tác truyền thông, hướng đến huy động sự chung tay của toàn xã hội vào phát triển GD-ĐT đúng nghĩa sự nghiệp GD là của toàn dân.
Tăng cường kỷ cương nền nếp. Khắc phục vi phạm trong dạy-học thêm, chạy theo bệnh thành tích. Phải làm sao thắp sáng, thổi bùng ngọn lửa khát vọng, đam mê học và tự hào ở HS. Quan tâm HS yếu thế, HS có hoàn cảnh khó khăn, HS là con em đồng bào dân tộc với quan điểm không bỏ rơi một trẻ em nào. Đặc biệt quan tâm nội dung GD đạo đức, lối sống cho HS. Nhà trường không chỉ dạy chữ mà đặc biệt phải coi trọng dạy người. GD lòng tự hào, tinh thần tự tôn dân tộc, trách nhiệm với quê hương đất nước cho thế hệ trẻ.
PGS. TS Chu Cẩm Thơ - Phó trưởng ban phụ trách, Ban Nghiên cứu đánh giá GD - Viện Khoa học GD Việt Nam:
Hướng tới thay đổi về “chất”
Trong nỗ lực tiếp tục đổi mới toàn diện, căn bản GD-ĐT, năm 2021 đòi hỏi toàn ngành cùng hướng tới thực hiện thay đổi về “chất”, thay đổi từ bên trong mỗi con người, đơn vị, việc làm, mỗi cách thực hiện nhiệm vụ.
Năm 2020, chúng ta đã bản lĩnh khi vượt qua thách thức của nhiều biến cố, duy trì thành công việc dạy - học mỗi lần “giãn cách xã hội” bởi dịch bệnh, thiên tai. Chúng ta cũng từng bước vượt qua chính mình trước những đổi mới, thiếu thốn về vật chất và từng bước bù đắp năng lực thực hiện.
Hàng chục ngàn giáo viên, giảng viên cốt cán đã hoàn thành các khóa đào tạo bồi dưỡng năng lực thực hiện chương trình mới. Giáo viên lớp 1 cũng đã trải nghiệm năm đầu tiên của việc dùng SGK mới, việc dạy học theo định hướng đổi mới,… Rồi đây, họ sẽ là người tiếp tục thực hiện tại chính nơi mình giảng dạy, cùng nhiệm vụ truyền thụ cho các đồng nghiệp. Thay đổi của họ chính là thước đo của thành công. Vì thế, nếu họ không có khát vọng phát triển, đoàn kết, đổi mới trong rèn luyện, thực hiện thì chẳng bao giờ có được thành quả bền vững. Bên cạnh đó, đã có hàng trăm nghìn giáo viên được học, được dạy trực tuyến… Công cuộc chuyển đổi số thực sự len lỏi vào mỗi nhà trường, vào việc học của mỗi người học. Làm sao để kĩ năng số, thành tựu số hóa trở thành một thành tố của lực lượng GD? Đó phải chăng là “cú hích” đòi hỏi mỗi người, đơn vị phải nhìn nhận lại cách quản lý, phát triển bản thân mình, tổ chức mình.
Chúng ta cần chú trọng trách nhiệm của mỗi cá nhân, trong tham chiếu với sự chuyển mình của cả hệ thống, để thực sự không bỏ lại bất kì ai. Đồng hành cùng nhau đòi hỏi chúng ta nghiêm túc thực hiện kỷ cương của ngành trong sự đoàn kết; cùng truyền cho nhau, cùng hướng nhau thấy tầm nhìn về thành quả nguồn nhân lực tương lai; có năng lực, động lực để dũng cảm thay đổi về “chất”. Và khi nhắc nhau về những gì sẽ đến khi “sức ì” hiện hữu, chúng ta sẽ không thôi lo lắng và nhận ra mình “không vô can” với sai lầm có thể xảy ra.
Khát vọng phát triển có thể giúp chúng ta nhân tự lực, tự cường gấp bội. Vượt khó là truyền thống của dân tộc, ngành. Khó khăn không chỉ là thiếu thốn, dịch bệnh, thiên tai,… mà còn là thiếu ý chí vượt qua chính mình, thiếu động lực để làm giàu tri thức và sẵn sàng thực hiện vì cái mới. Chúng ta cũng cần nhắc nhau chống lại sự bàng quan, tự bằng lòng,… đang có thể có trong mỗi người; cần cùng nhau, phối hợp tốt hơn nữa, nhân văn giữa gia đình - nhà trường - xã hội, để người học thực sự là trung tâm của mỗi hoạt động GD.