Làm chủ khó khăn, kịp thời thích ứng
TS Phạm Tất Thắng cho rằng: Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống xã hội; nhưng ngành Giáo dục nói riêng, cả nước nói chung đã đổi mới và thích ứng rất mạnh mẽ, kịp thời; qua đó làm chủ được tình hình trong trạng thái “bình thường mới”.
“Là quốc gia có dân số trẻ, số học sinh, sinh viên của Việt Nam chiếm gần 1/4 dân số; cùng với đó là khoảng 1,5 triệu cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên. Hoạt động dạy học chủ yếu diễn ra trực tiếp ở trên lớp. Với những đặc thù này, hoạt động thường nhật của ngành Giáo dục bị tác động mạnh mẽ trong dịch bệnh.
Thế nhưng, trên thực tế, toàn ngành đã làm chủ tình hình, ứng phó nhanh nhạy, kịp thời và vượt qua được khó khăn, hoàn thành khá tốt mục tiêu và nhiệm vụ đề ra. Ví dụ điển hình là việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - một kỳ thi lớn, diễn ra trên phạm vi toàn quốc - nhưng được tổ chức thành công, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, hiệu quả, khách quan, công bằng, minh bạch và nghiêm túc” – TS Phạm Tất Thắng nhận định.
Năm 2020 còn là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai Nghị quyết Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bắt đầu với lớp 1. Dù vẫn có những điều phải rút kinh nghiệm, nhưng nhìn chung hệ thống giáo dục phổ thông đã chuyển mình mạnh mẽ; một mặt thay đổi tư duy, đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý để thích ứng với tình hình mới, đồng thời chuẩn bị điều kiện cần thiết tiếp tục thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa mới ở các lớp tiếp theo.
Nhấn mạnh đến dấu ấn trong chuyển đổi số, TS Phạm Tất Thắng cho rằng: Chính tình thế khó khăn bởi dịch bệnh lại là cơ hội cho ngành Giáo dục chuyển biến mạnh mẽ nội dung này.
Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng trang thiết bị công nghệ vào dạy học được toàn ngành nỗ lực nhiều năm nay, nhưng trên thực tế chuyển đổi thực sự không nhanh như mong muốn. Vậy mà chỉ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, lần đầu tiên việc dạy học trực tuyến được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc; có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%).
“Dịch Covid-19 như một cú hích với toàn ngành Giáo dục. Từ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh đều phải chủ động thích ứng, buộc phải chuyển đổi” – TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Với giáo dục đại học, từ chỗ chưa từng có tên trong bảng xếp hạng thế giới, hiện Việt Nam có 4 đại học lọt vào tốp 1.000 thế giới; 11 trường đại học nằm trong bảng xếp hạng châu Á của QS. Nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới. Đó chính là kết quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, thực hiện tự chủ đại học.
Cần thêm nỗ lực, quyết tâm
Bên cạnh những kết quả đạt được, TS Phạm Tất Thắng cũng cho rằng: Khó khăn, hạn chế là khó tránh khỏi. Nhưng không vì những tồn tại, hạn chế mà không ghi nhận thành tựu đã đạt được; không vì khó khăn mà chúng ta chùn bước.
“Không chỉ trong năm 2020 mà nhìn cả quá trình nền giáo dục cách mạng Việt Nam, từ lúc thành lập nước đến nay đã có những thành tích đáng ghi nhận. Gần như toàn bộ lực lượng lao động – những người làm nên sự đổi mới của đất nước trong những năm qua – đều là sản phẩm của ngành Giáo dục. Do đó, nhìn nhận hạn chế, tồn tại là cần thiết, từ đó tìm phương hướng để khắc phục. Khắc phục một cách mạnh mẽ, triệt để và với quyết tâm cao” – TS Phạm Tất Thắng cho hay.
Năm 2021 là một năm đặc biệt. Theo đó, giáo dục phổ thông tiếp tục thực hiện Nghị quyết Quốc hội, triển khai đổi mới Chương trình, sách giáo khoa với lớp 2, lớp 6. Với giáo dục đại học thực hiện yêu cầu về tự chủ đại học ở tầm mới. Trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vẫn phải ứng phó với dịch bệnh, TS Phạm Tất Thắng cho hay: Thực hiện nhiệm vụ trên đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực hơn bình thường của toàn ngành Giáo dục.
Đặc biệt năm 2021 cũng là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Do đó, ngành Giáo dục phải thực hiện với một quyết tâm cao, nỗ lực lớn, trong một trạng thái bình thường mới; làm sao vừa bảo đảm tuyệt đối an toàn về sức khỏe của HSSV, GV, vừa đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có mục tiêu về giáo dục.