Nan giải bài toán giáo viên
Ông Hoàng Văn Đồng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải cho biết: Tính đến thời điểm gần nhất là tháng 2/2019 huyện Mù Cang Chải có tổng số 37 trường học (trong đó mầm non 15 trường; Tiểu học độc lập 7 trường; THCS độc lập 7 trường; TH&THCS 8 trường). Toàn huyện hiện có 20 trường phổ thông dân tộc bán trú (tiểu học độc lập 7 trường; THCS độc lập 6 trường; TH&THCS 7 trường) và 1 trường phổ thông dân tộc nội trú. Tổng số lớp của cấp mầm non 179 nhóm/lớp (nhà trẻ 22 lớp; mẫu giáo 157 lớp) với 5.395 cháu/học sinh; Cấp tiểu học 258 lớp với 8.552 học sinh; Lớp THCS 147 lớp với 5.619 học sinh.
Tuy nhiên, tổng số giáo viên toàn ngành để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ giáo dục đến nay vẫn thiếu hơn 130 giáo viên ở bậc mầm non và THCS cho dù đã được Phòng GD&ĐT bố trí thêm 27 giáo viên từ bậc tiểu học dôi dư sang.
Thời điểm hiện tại, bậc học mầm non có 295 giáo viên; bậc Tiểu học 429 giáo viên; THCS có 293 giáo viên. So với định mức quy mô năm học 2018 - 2019 cấp mầm non thiếu 101 giáo viên; bậc THCS thiếu 36 giáo viên, trong đó thiếu nhiều nhất ở nhóm giáo viên giảng dạy các môn Toán, Lý, Tin, KTCN: 6 giáo viên; Văn, sử, GDCD 10 giáo viên; Thể dục 2 giáo viên; Nhạc 4 giáo viên; Mĩ thuật 6 giáo viên; Tiếng Anh 1 giáo viên; phụ trách đội 7 giáo viên…
Theo Phòng GD&ĐT Mù Cang Chải, trên địa bàn huyện có 2 trường thiếu giáo viên nhiều nhất phải kể tới là: Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Nậm Có thiếu tới 13 giáo viên; Trường PTDTBT - THCS Lý Tự Trọng, xã Nậm Có là đơn vị thiếu nhiều giáo viên cấp THCS với 6 giáo viên (nhóm Toán, Lý thiếu 2 giáo viên; Nhóm Văn, Sử, GDCD thiếu 2; Thể dục 1; Đoàn Đội 1 giáo viên).
Bất cập từ đội ngũ
Đội ngũ GV là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục. Ảnh: Thanh Long |
Thầy giáo Hà Trần Hồng – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Khao Mang chia sẻ: Hiện trường có 488 học sinh chia làm 13 lớp nhưng chỉ có 24 giáo viên, 2 cán bộ quản lý, 4 nhân viên. So với định biên giáo dục thì trường còn thiếu 2 - 3 giáo viên. Vì thiếu giáo viên nên hầu hết giáo viên của trường ngoài đảm nhiệm 17 tiết dạy/ tuần thì còn phải đảm đương thêm các hoạt động khác (về chủ nhiệm, thư ký hội đồng…).
Theo thầy Hà Trần Hồng, Việc đảm nhiệm tối đa thời gian trên lớp và các hoạt động khác chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy, sức khỏe cũng như đời sống của giáo viên. Mỗi giáo viên không có thời gian để đào sâu thêm bài giảng, càng khó để có thời gian tự nghiên cứu bồi dưỡng cho chính mình... Trong khi đó, toàn ngành Giáo dục đang đổi mới căn bản, Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đòi hỏi nhiều phương pháp giảng dạy phong phú hiệu quả; học sinh phải được phát huy năng lực toàn diện… lại càng đòi hỏi người thầy phải nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, có thời gian bồi dưỡng kiến thức và tiếp cận với nhiều phương pháp giáo dục hiện đại…
Trên một cách nhìn tổng thể và toàn diện, thầy Hoàng Văn Đồng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải cũng cho biết thêm: Đối với cấp học mầm non, thiếu 101 giáo viên nhưng kinh phí cấp cho biên chế có hạn. Chính vì vậy, để bù lấp cho đủ thì số giáo viên đang làm công tác giảng dạy vẫn phải vất vả làm vượt số giờ dạy quy định. Đáng nói, dù “đầu tắt mặt tối” như vậy song các đơn vị trường học cũng không có đủ kinh phí chi trả hỗ trợ cho giáo viên dạy vượt số giờ quy định. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non đến nay tại Mù Cang Chải vẫn trong tình trạng căng thẳng, giáo viên nhiều áp lực công việc… song việc tuyển dụng lại thực hiện chưa kịp thời. Thiếu cả về số lượng và chất lượng so với đòi hỏi thực tế.
Mang câu hỏi khắc phục “bài toán” thiếu giáo viên đến cấp quản lý các nhà trường và phòng giáo dục đều ngậm ngùi: Khá khó khăn trong quản lý và sắp xếp lịch giảng dạy cho giáo viên. Nếu có đủ giáo viên thì mỗi giáo viên sẽ được giảm tải về khối lượng, không phải kiêm nhiệm trồng chéo quá nhiều công việc cùng lúc… Giáo viên có thời gian đầu tư cho chuyên môn, chất lượng giáo dục được đảm bảo tốt hơn...
Để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu giáo viên, Phòng GD&ĐT Mù Cang Chải vẫn chủ yếu dùng giải pháp khắc phục như: Tích cực tuyên truyền, làm tốt công tác tư tưởng, giúp đội ngũ yên tâm công tác, công hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Đối với giáo viên cấp tiểu học dôi dư, bố trí dạy tăng cường có thời hạn cho cấp học mầm non đang thiếu nhiều giáo viên.
Ngoài ra, Phòng GD&ĐT hằng năm tiếp tục rà soát quy mô trường, lớp học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tham mưu cho UBND huyện báo cáo, đề xuất UBND tỉnh thực hiện tuyển dụng giáo viên.
Năm học 2018 - 2019, ngành GD-ĐT Mù Cang Chải đang thực hiện tuyển dụng 23 giáo viên mầm non. Như vậy, số lượng giáo viên thiếu mới chỉ được tháo gỡ ở mức độ nhỏ và chưa kịp thời. Từ đó dễ dàng nhìn thấy một thực tế chung nhất là: Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ bị hạn chế, không đồng đều, nhất là giữa các điểm lẻ và điểm trường chính. Số học sinh được nuôi dưỡng ở các trường mầm non còn thấp bởi thiếu nhân viên dinh dưỡng và cơ sở vật chất.
Công tác quản lý sức khoẻ cho trẻ còn nhiều bất cập. Số trẻ 5 tuổi học chương trình giáo dục mầm non chưa nhiều do thiếu giáo viên, phòng học. Việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp một vùng dân tộc thiểu số ở một số xã chưa được quan tâm đúng mức. Từ đó, việc huy động trẻ em ra lớp còn gặp nhiều khó khăn...
Rõ ràng, để nâng cao chất lượng giáo dục ở huyện vùng cao Mù Cang Chải thì chỉ sự khắc phục tạm thời của ngành Giáo dục là chưa đủ. Các ban ngành chức năng cần giải quyết dứt điểm và cơ bản tình trạng thiếu giáo viên thông qua các chính sách đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên; có chính sách cụ thể trong khuyến khích phát triển giáo dục miền núi và đặc biệt ưu tiên cho cấp bậc học đang thiếu nhiều giáo viên nhất.