Nậm Pồ - Điện Biên: Giải pháp nào cho tình trạng thiếu giáo viên

GD&TĐ - Tình trạng thiếu giáo viên (GV) ở huyện Nậm Pồ (Điện Biên) thời gian qua đã tác động không nhỏ đến công tác dạy và học. Trước thực trạng trên, huyện đã linh hoạt vận dụng các giải pháp với nỗ lực duy trì, từng bước nâng cao chất lượng trong công tác GD-ĐT, đáp ứng mong mỏi của đồng bào các dân tộc trên vùng đất cực Tây đầy gian khó này.

Tiết dạy và học ở Trường Mầm non Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ. Ảnh: T.G
Tiết dạy và học ở Trường Mầm non Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ. Ảnh: T.G

Thực trạng thiếu giáo viên

Huyện Nậm Pồ hiện có 45 trường (5 trường chưa hoạt động GD) với 763 lớp, 18.989 HS; trong đó 15 trường MN, 15 trường TH và 15 trường THCS; 1.676 cán bộ quản lý GV, nhân viên. Ngoài đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ, cấp MN có 355 GV; cấp TH 521 GV; cấp THCS có 313 GV. Như vậy, theo quy định, ngành GD-ĐT huyện còn thiếu hơn 200 GV, chủ yếu ở cấp MN với 190 GV.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ cho biết: Bên cạnh thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của ban Chấp hành Trung ương Đảng về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế thì nguyên nhân căn cơ vẫn do dân số trong độ tuổi đi học, tỷ lệ huy động HS ra lớp tăng dẫn đến quy mô trường, lớp học tăng theo.

Ông Nguyễn Xuân Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT huyện thẳng thắn chia sẻ: “Không riêng gì Nậm Pồ, với đặc thù là huyện vùng cao, điều kiện sinh hoạt, giao thông đi lại quá khó khăn nên nhiều GV đã tự nguyện viết đơn xin thôi việc, trong đó chủ yếu là GV hợp đồng. Về phía ngành, chúng tôi đã cố gắng động viên, giải đáp những thắc mắc, chia sẻ những khó khăn và tạo điều kiện hết mức cho GV yên tâm công tác. Tuy nhiên chúng tôi cũng tôn trọng ý kiến của GV nếu họ nhất quyết xin nghỉ”.

Đơn cử như ở cấp mầm non, năm học 2018 – 2019, huy động trẻ nhà trẻ ra lớp là 1.694/4.823 (tăng 5,7% so với kế hoạch); so với năm học 2017 – 2018, tăng 2,2%; huy động trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường đạt 97%, so với kế hoạch tăng 3%; so với năm học 2017 - 2018, tăng 1,5%. Như vậy, để đáp ứng việc tăng tỷ lệ HS ra lớp như trên, yêu cầu phải tăng số GV đứng lớp cho các trường. Tuy nhiên, trong điều kiện chưa đáp ứng đủ số lượng GV đứng lớp, ngành chủ động chỉ đạo các trường tăng số lượng HS/lớp, đồng thời, phải bảo đảm không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu GV ở Nậm Pồ là do GV ở một số trường trên địa bàn tự nguyện xin nghỉ việc. Từ khi thành lập huyện Nậm Pồ (năm 2013) đến nay đã có hơn 50 GV xin thôi việc.

Huyện Nậm Pồ còn thiếu 200 GV, trong đó 190 GV mầm non. Ảnh: T.G
  • Huyện Nậm Pồ còn thiếu 200 GV, trong đó 190 GV mầm non. Ảnh: T.G

Giải pháp tình thế

Không chỉ ở cấp MN, ở cấp TH trên địa bàn huyện cũng có tình trạng thiếu GV, trong đó chủ yếu là thiếu GV ở các bộ môn đặc thù, như: Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc… Đối với các môn văn hóa về cơ bản vẫn đáp ứng nhu cầu học tập của HS.

Thầy Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Na Cô Sa, cho biết: “Những năm trước đây, nhà trường thường xảy ra tình trạng thiếu GV đối với các môn đặc thù. Song để khắc phục tình trạng này, trường tổ chức cho GV dạy tăng tiết nhằm đảm bảo việc học tập của HS. Đến nay, công tác GD của nhà trường đã ổn định, chất lượng GD không ngừng tăng lên”.

Để khắc phục tình trạng thiếu GV, trước mắt, Phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ đã kiến nghị UBND huyện ký hợp đồng có thời hạn để đảm bảo công tác giảng dạy đối với các cơ sở GD, song đây vẫn chỉ là một trong những giải pháp tình thế.

“Ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như trên, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện có kế hoạch tuyển dụng đủ GV”, ông Nguyễn Xuân Thuận cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ