Chen chúc trong lớp
Nguyễn Thị Thư cho biết: Cô về công tác ở đây đã 12 năm. Kể từ đó đến nay, năm nào cũng một mình quản một lớp học từ 36 đến 46 cháu. “Ngoài việc quản cháu, tôi còn phải làm tất cả các công việc khác như: Quản lý hồ sơ, sổ sách; dọn vệ sinh trường, lớp học; cho các cháu ăn, uống, nghỉ trưa và vệ sinh cá nhân... Tôi không còn thời gian để soạn giảng” - cô Thư nói.
Trường Mẫu giáo Cư Drăm, xã Cư Drăm đang chịu nhiều áp lực quá tải trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Trường có 1 điểm chính và 7 điểm lẻ, với 11 lớp học trên gần 400 trẻ. Các cháu học sinh trong trường chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các lớp học nằm rải rác ở các thôn, buôn xa điểm chính, nên rất khó đầu tư cho trẻ học theo đúng độ tuổi. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ trong công tác dạy và học còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu giáo dục.
Điều đáng quan tâm ở đây là mỗi lớp học chỉ 1giáo viên quản lớp. Lớp học nào cũng quá tải so với quy định. Bà HĐík Ê Ban - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Drăm cho biết: Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp mới đạt gần 49% tổng số trẻ trên địa bàn xã. Do thiếu giáo viên nên nhà trường chỉ ưu tiên cho trẻ 5 tuổi đến lớp, đối với trẻ từ 3 đến 4 tuổi chưa huy động được.
Các cháu mỗi lớp quá đông, mà chỉ một cô giáo “đánh vật” với bao công việc lẽ ra có người phụ giúp như cho các cháu ăn, sinh hoạt… Bà H Đík Ê Ban tâm sự: “Thấy giáo viên vất vả, các cô trong Ban giám hiệu nhà trường cũng phải thay nhau xuống phụ giúp. Nhưng đâu thể đỡ đần cả năm học, nhiều năm học?”.
Biết nhưng bất lực
Trẻ đến tuổi đi học mầm non nhưng lại không được đến trường. Nhiều gia đình gặp phải khó khăn vì phải cắt cử một lao động ở nhà trông con. Chị Nguyễn Thị Na, cán bộ xã Cư Drăm cho biết: Vợ chồng chị có 2 cháu sinh đôi, đã quá 3 tuổi vẫn chưa được đến trường. Vợ chồng phải thay phiên nhau người đi làm, người ở nhà trông con. Không riêng gia đình Na mà trên địa bàn xã còn có nhiều gia đình khác cũng đang gặp khó khăn trong việc gửi con.
Trên địa bàn huyện Krông Bông còn nhiều xã như: Jang Mao, Hòa Phong, Hòa Lễ, Họa Mi cũng đang gặp cảnh thiếu giáo viên mẫu giáo trầm trọng, nên phụ huynh đành để con ở nhà.
Ông Lê Văn Quý - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Krông Bông cho biết: Đối với bậc học mầm non, huyện đang thiếu 122 giáo viên trên 15 trường học. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Ngành Giáo dục huyện đang thực hiện tinh giản biên chế, bố trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, do đó hàng năm ngành giảm 10% cán bộ viên chức. HS ngày một gia tăng, biên chế dành cho bậc học mầm non lại không có chỉ tiêu. Các trường mẫu giáo không có kinh phí để hợp đồng thêm giáo viên, dó đó các nhà trường phải chịu nhiều áp lực.