Giáo dục lý tưởng, đạo đức thời 4.0: Bắt “trend” cùng thời cuộc

GD&TĐ - Trong bối cảnh công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ, công tác giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên cũng cần đổi mới để bảo đảm hiệu quả, phù hợp thời cuộc.

Lễ kết nạp Đội tại khu di tích Đình Tân Trào của học sinh Trường Tiểu học Tân Trào (Tuyên Quang).
Lễ kết nạp Đội tại khu di tích Đình Tân Trào của học sinh Trường Tiểu học Tân Trào (Tuyên Quang).

Đa dạng các hình thức

Nằm ở vùng chiến khu cách mạng xưa, Trường Tiểu học Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) luôn có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giáo dục cho học sinh hiểu biết về lịch sử, phát huy truyền thống quê hương cách mạng. Từ nhiều năm nay, nhà trường đã duy trì việc tổ chức lễ kết nạp đội cho học sinh lớp 3 tại các di tích lịch sử Lán Nà Nưa, Đình Hồng Thái, Đình Tân Trào...

Cô Dương Thị Hương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các hoạt động ý nghĩa trên góp phần giáo dục học sinh về truyền thống yêu nước, lòng tự hào về quê hương. Việc triển khai hiệu quả công tác giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng đã nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về cuộc sống, giúp các em tự tin trong hành trình lập thân, lập nghiệp sau này.

Tại Trường THCS Bãi Cháy (TP Hạ Long, Quảng Ninh), công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh được nhà trường thực hiện thường xuyên. Bên cạnh lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong các môn văn hóa, nhà trường còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để thu hút học sinh tham gia.

Cô Nguyễn Kim Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bãi Cháy chia sẻ: Thứ 2 hàng tuần, nhà trường tổ chức hoạt động “Giờ chào cờ bổ ích” với hình thức sân khấu hóa, tuyên truyền về các chủ đề phòng, chống bạo lực học đường, nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử; an toàn giao thông; ngày pháp luật; cách sử dụng mạng xã hội an toàn.

Cùng với đó, các buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề, tọa đàm về việc hình thành, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh được tổ chức thường xuyên tại mỗi lớp học. Hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tham quan các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn cũng được nhà trường đẩy mạnh. Từ đó tạo môi trường, phương pháp giáo dục học sinh đa dạng, phong phú.

Tại Trường THPT Kiến An (Hải Phòng), công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh được nhà trường duy trì thường xuyên. Không chỉ thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong giờ học chính khóa, nhà trường còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để thu hút học sinh tham gia, rèn luyện.

Thầy Đinh Hồng Tiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Kiến An chia sẻ: Nhà trường tổ chức đều đặn hàng tuần hoạt động “Giờ chào cờ bổ ích” với hình thức sân khấu hóa tuyên truyền chủ đề phòng, chống bạo lực học đường, nâng cao văn hóa giao tiếp, hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội an toàn... Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tham quan các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố cũng được nhà trường đẩy mạnh thực hiện.

Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên cả nước tham gia.
Cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên cả nước tham gia.

Áp dụng công nghệ 4.0

Ông Doãn Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) trao đổi: Trong những năm qua, các môn học Đạo đức, Giáo dục công dân,  được đổi mới theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. Các trường đã tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục đạo đức, lối sống phù hợp với học sinh từng cấp học.

Các nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh được thể hiện rõ, xuyên suốt trong chương trình giáo dục tổng thể và chương trình cụ thể của từng môn học. Trong đó, việc đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá các môn học nói chung và môn Đạo đức, Giáo dục công dân nói riêng theo hướng tiếp cận Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nội dung học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong chương trình giáo dục cấp tiểu học, THCS, THPT được tích hợp đối với các môn Đạo đức, Tiếng Việt, Âm nhạc, Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân, Mĩ thuật và hoạt động ngoài giờ lên lớp, thông qua giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thu hút hàng triệu học sinh, sinh viên cả nước tham gia. Nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo trong giáo dục đạo đức, lối sống cũng được triển khai.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Trung ương Đoàn nhận định: Giới trẻ ngày nay dành nhiều thời gian xem video trực tuyến, chơi game online và tham gia mạnh mẽ vào các mạng xã hội. Các nền tảng mạng xã hội được người dùng thường xuyên và phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam như Facebook, Zalo, YouTube... là con đường tốt nhất để tiếp cận và truyền tải thông tin tới giới trẻ.

Tổ chức Đoàn trong các trường học có thể lồng ghép nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên vào các thông điệp truyền thông hiện đại. Nhà trường, GV, tổ chức Đoàn chủ động tận dụng sự phát triển của công nghệ, thiết kế các thông điệp nội dung hấp dẫn, cập nhật dưới dạng video, trò chơi trực tuyến, các bài báo tương tác đa phương tiện và truyền tải thông qua những phương tiện truyền thông phù hợp.

Tổ chức Đoàn trong trường học cần tăng cường các sản phẩm trực quan, có sức thu hút, tác động lớn trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Sử dụng các hình thức mới trong thiết kế các ấn phẩm tuyên truyền như infographic, motion graphic, character animation... Qua đó, các nội dung giáo dục chính trị - tư tưởng, đạo đức cách mạng được truyền tải một cách ngắn gọn, sinh động, dễ hiểu và hiệu quả hưởng ứng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.