Đề cao giáo dục truyền thống
Bên cạnh những mặt tích cực, cuộc sống hiện đại cũng tác động tiêu cực tới nhiều mặt của đời sống. Ngay trong trường học, vẫn còn không ít HS vi phạm nội quy trường lớp, thiếu lễ độ với người lớn, thầy cô giáo. HS ham chơi, thờ ơ vô cảm hoặc phai nhạt lý tưởng. Đặc biệt, tình trạng thiếu hiểu biết lịch sử khiến HS sống lệch, thiếu trân trọng giá trị truyền thống.
Do vậy, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, giáo dục truyền thống tại nhà trường để hình thành phẩm chất, phát triển toàn diện cho chủ nhân tương lai của đất nước là vô cùng cần thiết. Nhiều trường học đã đặt ra mục tiêu, HS khi ra trường phải có lý tưởng đẹp, có tình yêu Tổ quốc và lòng tự hào tự tôn dân tộc; phát triển về trí tuệ và thể chất, kỹ năng sống tốt…
Cô Tô Thị Bích Liên – Hiệu trưởng Trường THCS Đông Sơn (huyện Chương Mỹ - Hà Nội) cho rằng: Các trường cần xây dựng kế hoạch lồng ghép cụ thể, đưa vào quy chế chuyên môn với GV, triển khai đồng bộ trong tất cả hoạt động giáo dục và có cơ chế kiểm tra đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, khích lệ kịp thời học sinh.
Về phía GV, ngoài cung cấp kiến thức cho HS cần ý thức và đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giáo dục đạo đức, truyền thống, lịch sử… Không thể giao phó nhiệm vụ này cho riêng một môn học nào mà cần có sự kết hợp chặt chẽ, biện chứng với nhau hoặc tích hợp liên môn hướng tới mục đích cuối cùng là giáo dưỡng, giáo dục và phát triển toàn diện nhân cách HS.
Để truyền thống lịch sử thấm sâu
Tại Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội), các hoạt động giáo dục truyền thống được tiến hành bằng hình thức sân khấu hóa, ca múa nhạc, hoạt cảnh kịch, trang phục, pano áp phích, thi sáng tác thơ, truyện, vẽ tranh…
Cụ thể, nhà trường tổ chức dâng hương báo công, tổng kết thi đua khen thưởng, trao giải thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc ở những địa điểm không gian truyền thống lịch sử và thi tìm hiểu ý nghĩa lịch sử của di tích đó.
Hàng năm, vào tháng 3, trường tổ chức thi tìm hiểu về di tích đền Hùng, thi Nét đẹp Tràng An với những trò chơi vua Hùng kén rể, thi gói bánh chưng, nghe thuyết minh về sự tích vua Hùng… Dịp 27/7 tổ chức tặng quà gia đình HS con thương binh liệt sĩ, gặp mặt con bộ đội, tổ chức chương trình làm sạch môi trường ở nghĩa trang, thắp nến tri ân hoặc thắp hương, nghe thuyết minh, tìm hiểu về truyền thống cách mạng Việt Nam; thăm nghĩa trang Trường Sơn.
Tháng 10, tổ chức cho HS thăm Bảo tàng Dân tộc học, thi biểu diễn thời trang giấy các dân tộc vùng miền, thi hát dân ca, trò chơi dân gian tại Bảo tàng. Tháng 11 tổ chức chương trình văn nghệ gắn liền tìm hiểu về di tích đền thờ thầy Chu Văn An, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Dịp 22/12 sẽ tổ chức hát về anh bộ đội, thi diễu hành, hát Quốc ca, văn nghệ với chủ đề quê hương đất nước, biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa...
Cô Nguyễn Khánh Chi – Phó Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) chia sẻ: Trong Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày Thương binh Liệt sĩ… ngoài tổ chức cho HS trao đổi về nội dung, Đoàn thanh niên còn đưa HS tới thắp hương và làm vệ sinh tại nghĩa trang liệt sĩ.
Cô Tô Thị Bích Liên cũng cho biết: Nhà trường đưa HS tới tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; Di tích Lịch sử Hỏa Lò, nghĩa trang liệt sĩ… Tại những nơi còn lưu lại biết bao chứng tích lịch sử dân tộc và được tận mắt nhìn thấy mô hình trận địa, tấm gương anh dũng quả cảm, sự gian khổ thế hệ cha ông xưa trải qua... sẽ giúp HS nhớ mãi trong tâm trí và nhân lên sự biết ơn, tự hào dân tộc.
Việc lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống vào những tiết học trải nghiệm sáng tạo rất cần thiết, là hướng đi phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay.
Phương pháp giáo dục này mang ưu điểm là không biến nội dung giáo dục truyền thống thành một môn học nặng về lý thuyết, giáo điều, khô cứng. Mặt khác, nội dung giáo dục truyền thống sẽ được thực hiện một cách linh hoạt, mềm dẻo, đa dạng… hấp dẫn học trò. Đồng thời, phù hợp với tâm lí lứa tuổi, xua tan áp lực học tập, phát huy tiềm năng HS…
Tuy nhiên, cô Lê Thị Hồng – Hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) cũng nhận định một số khó khăn như: Việc bảo đảm nội dung chương trình khung bắt buộc với các môn học chính thức hiện nay trong Chương trình GDPT đã có nhiều nội dung cần lồng ghép, “tích hợp”. Do đó, không còn nhiều thời gian cho việc lồng ghép nội dung giáo dục truyền thống.
Mặt khác, hoạt động trải nghiệm phải đến tận nơi để cảm nhận không khí “nóng hổi” mang hơi thở của đời sống thực tiễn, trong khi đó kinh phí ngân sách hạn hẹp không thể đưa HS đi nhiều. Trong khuôn viên của trường chật hẹp khó bố trí không gian cho tiết học trải nghiệm...