Gắn giáo dục địa phương với bộ môn Lịch sử

GD&TĐ - Biên soạn và đưa Tài liệu giáo dục địa phương giảng dạy góp phần quan trọng vào việc dạy học Lịch sử. Theo chia sẻ của thầy cô giáo, Giáo dục địa phương cùng với môn Lịch sử là điểm sáng trong Chương trình mới.

Thực nghiệm Tài liệu giáo dục địa phương lớp 3 ở tỉnh Vĩnh Long.
Thực nghiệm Tài liệu giáo dục địa phương lớp 3 ở tỉnh Vĩnh Long.

Tiếp thêm tình yêu môn Sử

Biên soạn và đưa Tài liệu giáo dục địa phương vào giảng dạy đang được các địa phương khẩn trương thực hiện. Tài liệu Giáo dục địa phương được xây dựng, biên soạn, thẩm định bởi các chuyên gia, nhà khoa học trong, ngoài địa phương, nhà giáo, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, sau khi thực nghiệm Tài liệu giáo dục địa phương lớp 2 và lớp 3, ghi nhận đánh giá từ nhà trường khả quan. Theo đánh giá của giáo viên dạy thực nghiệm, việc tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào môn học và hoạt động trải nghiệm cơ bản thuận lợi, dễ dàng, hợp lý.

Việc tích hợp nội dung giáo dục địa phương vào giảng dạy và tổ chức hoạt động làm cho tiết dạy sinh động hơn, giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương. Qua đó hình thành tình yêu quê hương, có trách nhiệm đối với quê hương, từng bước giúp các em phát triển phẩm chất và năng lực bản thân đúng định hướng mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Giáo dục địa phương gắn với bộ môn Lịch sử cũng được các trường học ở TP Cần Thơ triển khai có hiệu quả. Theo Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy, các trường đang đẩy mạnh tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế, tìm hiểu lịch sử truyền thống địa phương. Tùy mỗi trường mà cách làm khác nhau, phù hợp từng đơn vị. Khi học sinh được học trên sách vở và trải nghiệm thực tế di tích, bản thân các em thấy tự hào và yêu thích bộ môn Lịch sử hơn.

Như Trường THCS Long Tuyền (quận Bình Thủy) vừa tổ chức cho học sinh lớp 6 và lớp 8 tham quan trải nghiệm khu Di tích lịch sử - Văn hóa Căn cứ Vườn Mận (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy). Hoạt động này nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương, hun đúc tinh thần nỗ lực học tập, rèn luyện… Từ trải nghiệm, kiến thức thực tế ở khu Di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ Vườn Mận, giáo viên nhà trường lồng ghép giảng dạy vào môn học Lịch sử, Ngữ văn... nhằm tạo hứng thú cho học sinh.

Theo cô Võ Thị Thúy Phượng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Long Tuyền, ngoài việc dạy lồng ghép môn Lịch sử trên lớp học, vào các ngày lễ lớn trường tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động về nguồn, viếng nghĩa trang liệt sĩ, các khu di tích lịch sử… nhằm nâng cao nhận thức học sinh về truyền thống lịch sử văn hóa của quê hương, giáo dục các em tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc.

Học sinh TP Cần Thơ trải nghiệm tại khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.
Học sinh TP Cần Thơ trải nghiệm tại khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.

Cùng vào cuộc

Thông tin từ Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, UBND thành phố đã thống nhất phát hành Tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 và các khối lớp tiếp theo. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố thống nhất việc phát hành tài liệu giáo dục địa phương lớp 1 và các khối lớp tiếp theo của TP Cần Thơ khi có Quyết định phê duyệt của Bộ GD&ÐT, theo hình thức xã hội hóa giáo dục, phụ huynh học sinh chi trả kinh phí mua tài liệu cho học sinh trên tinh thần tự nguyện...

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, tỉnh đã biên soạn xong Tài liệu Giáo dục địa phương. Theo đó, cấp Tiểu học có 1 tài liệu sử dụng cho cả 5 lớp; cấp THCS và THPT có 1 tài liệu. Bên cạnh tài liệu sẽ có hướng dẫn để giáo viên khai thác nội dung tài liệu vào giảng dạy…

Theo ông Bùi Quý Khiêm, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Đồng Tháp, Thư ký Ban Biên soạn Tài liệu Giáo dục địa phương, Tài liệu Giáo dục địa phương được xây dựng bởi đội ngũ chuyên gia gồm giảng viên Trường ĐH Đồng Tháp, giáo viên phổ thông, chuyên viên sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT và sở, ngành liên quan. Địa phương cũng chuẩn bị nhân lực, vật lực để công tác thẩm định, hoàn thành tài liệu kịp tiến độ.

Tỉnh thực hiện tài liệu Giáo dục địa phương theo Chương trình GDPT năm 2018 với hướng mới, điều chỉnh. Sở GD&ĐT đã liên hệ với các sở, ngành tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội cung cấp thông tin thuộc lĩnh vực quản lý. Ban biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương tập trung biên soạn những kiến thức gắn với vấn đề văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị - xã hội, môi trường... trong tỉnh Đồng Tháp, phù hợp với từng cấp học.

Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong quá trình biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị cung cấp dịch vụ biên soạn tài liệu, tác giả Trung ương và tác giả địa phương dựa trên khung nội dung tài liệu giáo dục địa phương đã được phê duyệt và có tổ chức lấy ý kiến rộng rãi cũng như tiếp thu, chỉnh sửa đảm bảo tính thực tiễn, phù hợp với đối tượng người học, cộng đồng, địa phương.

Tại tỉnh Sóc Trăng, thời gian biên soạn và hoàn thành nội dung Tài liệu Giáo dục địa phương theo lộ trình từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2024. Trong đó, năm học 2020 - 2021 biên soạn và thẩm định nội dung Giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Năm 2021 lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Năm 2022 là lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Năm 2023 với lớp 5, lớp 9 và lớp 12…

Sau khi phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương, tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo Sở GD-KH&CN phối hợp với nhà xuất bản tổ chức tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn cách sử dụng để giảng dạy và in ấn, phát hành tài liệu phục vụ cho học sinh... Theo bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở GD-KH&CN, sau mỗi giai đoạn sẽ tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện cho các lớp còn lại.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.
Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ