Giáo dục kỹ năng sống qua môn Giáo dục công dân

GD&TĐ - Chia sẻ Cô Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Thu Nga - Giáo viên Trường THPT Phan Chu Trinh (Bình Thuận) cho rằng, với đặc trưng riêng của mình, Giáo dục công dân được xem là môn chủ công thực hiện nhiệm vụ giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.

Giáo dục kỹ năng sống qua môn Giáo dục công dân

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho học sinh với môn học này, theo cô Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Thu Nga, bước đầu tiên cần phải đầu tư giáo án; cùng với đó là không gian học tập thân thiện, tích cực...

Phân tích giáo án

Giáo viên khi chuẩn bị giáo án lồng ghép kỹ năng sống trong môn Giáo dục công dân cần lưu ý: Có đúng cấu trúc giáo án dạy học giáo dục kỹ năng sống không? Kỹ năng sống được lồng ghép giáo dục trong từng hoạt động của tiết học có phù hợp không? Các phương pháp, kĩ thuật dạy học có thích hợp không cho từng bài học?

Trong mỗi tình huống xảy ra có nhiều kĩ năng sống, nhưng khi soạn giáo án nên thể hiện một số kĩ năng nổi trội. Thêm nữa, nội dung giáo dục kĩ năng sống phải theo từng lứa tuổi. 

Dạy kỹ năng sống không phải chỉ lồng ghép, tích hợp kỹ năng sống trong môn học mà là sử dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực để tạo điều kiện, cơ hội cho học sinh được thực hành, trải nghiệm kỹ năng sống trong quá trình học tập.

Giáo viên cũng lưu ý đưa kỹ năng sống vào bài học một cách vừa phải. Đặc biệt, nếu không đổi mới phương pháp dạy học sẽ không dạy được kỹ năng sống.

Cụ thể một số nội dung lồng ghép giáo dục kỹ năng sống

Với sự chỉ đạo và qua đợt tập huấn về việc giảng dạy lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để hướng tới xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, tập thể nhóm Giáo dục công dân Trường THPT Phan Châu Trinh đã xác định nền tảng của “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” là xây dựng đạo đức, lối sống thân thiện cho học sinh.

Nhóm bàn bạc và thống nhất quan điểm: Hình thành kỹ năng sống ở học sinh là luôn giáo dục các em có thái độ tích cực và ý thức trong học tập, có cách giao tiếp, ứng xử tốt với bạn bè, thầy cô giáo và những người xung quanh, hành vi đúng luôn biểu hiện của tình cảm tốt đẹp…

Trong đó hàm chứa cả sự yêu thương, chia sẻ, tôn trọng, trách nhiệm, bình đẳng, dân chủ về mặt đạo lý, pháp lý, bắt nguồn từ nhiệm vụ trồng người của nhà trường và thiên chức, trách nhiệm của nhà giáo đối với thế hệ trẻ và xã hội.

Để hình thành kỹ năng sống cho học sinh, cô Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Thu Nga đã lồng nghép nhiều bài tập tình huống, trò chơi, câu hỏi…vào một số bài học Giáo dục công dân lớp 10 phần Đạo đức học, Giáo dục công dân lớp 12 ở một số bài về quyền tự do và quyền dân chủ của công dân.

Ví dụ, nội dung lồng ghép tại một số bài Giáo dục công dân lớp 10 như sau:

Bài 10: Quan niệm về đạo đức (đạo đức đối với cá nhân, gia đình và xã hội)

Bài 11: Một số phạm trù cơ bản của đạo đức học (liên quan đến nghĩa vụ, lương tâm và nhân phẩm, danh dự của con người)

Bài 12: Công dân với tình yêu, hôn nhân và gia đình (giao tiếp trong tình bạn và tình yêu, cách nhìn đúng đắn về tình bạn và tình yêu ở lứa tuổi học đường. Để từ đó hình thành lối sống đẹp, thẩm mỹ…)

Bài 13: Công dân với cộng đồng. Bài này giúp học sinh biết quan tâm, chia sẻ và làm nhiều điều tốt.

Lớp 12, bài 3: Công dân bình đẳng trước pháp luật (bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lí của công dân…)

Bài 4: Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội (bình đẳng trong hôn nhân và gia đình, bình đẳng trong kinh doanh, bình đẳng trong lao động)

Bài 6: Công dân với các quyền tự do cơ bản (giúp học sinh có ý thức tự bảo vệ và tôn trọng quyền tự do cơ bản của mình và của người khác) ...

Nhiều góc độ kỹ năng sống khác cũng được lồng ghép như: Tổ chức các hoạt động tập thể (xây dựng trường học an toàn, trường lớp xanh, sạch, đẹp; tham gia tìm hiểu, chăm sóc và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa cách mạng ở địa phương; bảo vệ cơ sở vật chất chung; ứng xử với bạn bè và thầy cô chừng mực và có văn hóa…

Ngoài ra, dựa trên 5 nội dung xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực do Bộ GD&ĐT ban hành để rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, cụ thể:

Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin hơn trong học tập;

Rèn luyện kĩ năng giao tiếp, ứng xử của học sinh với bạn bè, học sinh với thầy cô giáo trong từng tiết học và trong trường học;

Rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử của các em với gia đình và với xã hội. Giáo dục và thỏa mãn tâm lý lứa tuổi học sinh, tránh những nguy cơ bất trắc, đe dọa học sinh;

Rèn cho học sinh phải tự trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình, nhà trường và xã hội; biết quan tâm, chia sẽ với mọi người xung quanh.

Từ 5 nội dung trên, hướng tới mục tiêu tốt đẹp chung giữa giáo viên với học sinh và giữa các học sinh với nhau trên nền tảng tri thức, đạo đức, kĩ năng sống phù hợp với truyền thống dân tộc.

Đặc biệt giáo dục các em không được xâm phạm đến thân thể của người khác, không lười học và không vi phạm pháp luật.

Những yêu cầu quan trọng

Với việc lồng ghép kỹ năng sống cho học sinh trong từng tiết học, bài học như trên, cô Nguyễn Thị Bình và Nguyễn Thị Thu Nga đưa ra một số yêu cầu như sau:

Cần có không gian học tập thân thiện. Không gian này không chấp nhận sự xúc phạm về nhân phẩm và danh dự, không chấp nhận sự xúc phạm về thân thể. Luôn đảm bảo sự bình đẳng, dân chủ về mặt pháp lí và đạo đức, không thể chấp nhận sự trù dập hay thiên vị, sự vu khống hay bao che.

Cần có sự hợp tác thân thiện và tích cực. Cụ thể, hợp tác giữa giáo viên chủ nhiệm với các giáo viên giảng dạy và giáo viên giám thị.

Muốn hợp tác này có hiệu quả, các giáo viên phải nắm vững phương pháp và nghiệp vụ sư phạm, hiểu và thực hiện đúng quy chế, nội quy; trao đổi và thống nhất cách dạy cách quản lý; thường xuyên nắm bắt thông tin để giáo dục và sửa sai kịp thời cho học sinh.

Hợp tác giữa giáo viên với học sinh: Được thể hiện qua họat động dạy và học, hoạt động ngoài giờ trong giờ học cũng như giờ hoạt động ngoài giờ lên lớp.

Giáo viên cần tạo hứng thú cho học sinh trong học tập cũng như rèn luyện đạo đức bằng cách tổ chức những trò chơi, làm đồ dùng dạy học trực quan phù hợp.

Ngoài những yêu cầu trên, một số kỹ năng khác cũng rất cần thiết đối với học sinh THPT cần lồng ghép như: Kỹ năng xác lập mục tiêu cho cuộc đời; kỹ năng tự phục vụ cho bản thân, rèn luyện sức khỏe;

Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả; kỹ năng điều chỉnh và quản lí cảm xúc; kỹ năng nhận thức và đánh giá bản thân;

Kỹ năng giao tiếp ứng xử; kỹ năng hợp tác, chia sẻ; kỹ năng thể hiện sự tự tin trước đám đông; kỹ năng đối diện ứng phó khó khăn trong cuộc sống và đánh giá người khác.

Một yêu cầu quan trọng là giáo viên phải mẫu mực, gương mẫu trong từng hành động, cử chỉ, lời nói và cả việc làm của mình khi đứng trước học sinh.

Đồng thời, nói phải đi đôi với làm, chuẩn, không bỏ lửng. Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và hướng dẫn học sinh phương pháp tự học, tạo bầu không khí vui vẻ, thân thiện, khuyến khích sự chuyên cần tích cực, chủ động, sáng tạo và ý thức vươn lên của học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ