Vai trò quan trọng của công tác chủ nhiệm
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chủ nhiệm trong giáo dục kỹ năng sống, thầy Nguyễn Như Diễn cho biết sẽ bằng việc phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, dựa vào tình cảm gia đình và mối quan hệ huyết thống rèn luyện cho học sinh các kỹ năng cơ bản phù hợp với các kỹ năng hòa nhập cộng đồng.
Nên bắt đầu từ cái nhỏ nhất. Cái “nhỏ nhất” trong kỹ năng sống, theo thầy Diễn, đôi khi là cái “yếu nhất” đầy yếu tố bất ngờ do chúng ta thiếu quan tâm, vì nghĩ rằng không quan trọng.
Giáo viên chủ nhiệm tổ chức các bài tập tình huống, các hoạt động “đóng vai” là điều kiện tốt để học sinh thể hiện ý kiến, cảm xúc, nhận thức, sự lựa chọn, niềm tin, tư duy phán đoán, ...
Đồng thời, cần giúp học sinh chuẩn bị trước, nhanh chóng “vào cuộc”; hạn chế sự e dè, thiếu tự tin. Giáo viên chủ nhiệm có thể dùng tiết ngoài giờ, sinh hoạt, nhưng đừng quên các cuộc trò chuyện, trao đổi với học sinh không cần bài bản đôi khi lại có tác dụng lớn hơn, nhất là những vấn đề có tính tâm sự và “nhạy cảm”.
Một trong những điều rất quan trọng giáo viên chủ nhiệm cần làm đó là lựa chọn điểm yếu của học sinh để giáo dục. Chẳng hạn với kỹ năng giao tiếp, sự phân biệt dân tộc, làng xã, sức học, nhóm bạn, giới tính,... luôn là những trở ngại trong giao tiếp làm hạn chế khả năng đoàn kết “chung sống ” của học sinh.
Với kỹ năng ứng xử, đó là thiếu sự thông cảm và chia sẻ, chưa cẩn trọng khi dùng lời, chưa biết kiềm chế cảm xúc,...; với kỹ năng lựa chọn và quyết định, điểm yếu của học sinh là lối sống ỷ lại, tâm lý theo số đông, xuôi chiều, ngại tranh luận,...
Bằng sự kiên trì, nắm vững tình hình từng học sinh, kinh nghiệm cho thấy chỉ có chủ nhiệm mới tháo gỡ triệt để được các điểm yếu này.
Gợi ý của thầy Nguyễn Như Diễn, chúng ta không thể chỉ dạy cho học sinh “biết” mà còn phải dạy để học sinh “làm”, để học sinh “tự mình có thể chung sống”. Trong khi đó cuộc sống hàng ngày nếu không có kỹ năng giải quyết những vấn đề đơn giản thì có thể thay đổi thành phức tạp.
Cũng có thể dùng biện pháp là tổ chức nhóm bạn, câu lạc bộ sở thích, tạo sự kết nối và chia sẻ. Nhóm có cùng lợi ích, nhưng không được quên lợi ích cộng đồng. Qui ước: Lớp học tập thể, học sinh tích cực nếu được soạn thảo kỹ càng, kiểm tra thường xuyên và điều chỉnh hợp lý, luôn là định hướng tốt cho việc giáo dục kỹ năng sống.
Giáo dục kỹ năng sống bằng các môn học
Thầy Diễn cho biết mình đã cùng tổ chuyên môn thảo luận, vạch ra yêu cầu, điều kiện và khả năng thực hiện; làm rõ vấn đề liên hệ thực tế:; gắn nhiệm vụ rèn luyện kỹ năng bộ môn với rèn luyện kỹ năng sống.
Qua thực tế, chúng tôi thấy, hoạt động ngoại khóa của môn học dưới dạng thuyết trình đề tài, tranh luận, đã góp phần giúp học sinh rèn luyện kỹ năng đứng trước đám đông, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ứng xử, ..., làm tăng sự tự tin, kể cả những học sinh trước đó có giao tiếp kém.
Rất tiếc vì nhiều lý do, hoạt động này chưa được trường tổ chức thường xuyên” - thầy Diễn cho hay.
Khi làm được điều này, học sinh tỏ ra yêu thích bộ môn hơn, hiểu được lợi ích của môn học khi vận dụng vào cuộc sống, từ đó cũng nâng cao được hứng thú và động lực học.
Bằng sự lồng ghép, mỗi môn học, bài học đều có lợi thế riêng, giáo viên phải biết cách khai thác, tạo điều kiện khuyến khích để mỗi học sinh đều có thể trau dồi các kỹ năng.
Bên cạnh đó cũng cần thấy rằng từng học sinh lại có kỹ năng nổi trội khác nhau, chẳng hạn: kỹ năng giao tiếp tốt nhưng lại thiếu quyết đoán khi chọn lựa,...Quá trình dạy học, vì vậy, giáo viên phải tiếp cận và phát triển hài hòa kỹ năng sống cho học sinh.
Những "gạch đầu dòng" lưu ý
Từ kinh nghiệm thực tiễn, thầy Nguyễn Như Diễn đã tổng kết lại những điểm cần lưu ý trong giáo dục kỹ năng sống.
Thứ nhất: Cần chú ý các xu hướng lệch lạc trong học sinh khi hình thành kỹ năng sống: Chỉ chơi với nhóm nhỏ, thói quen tự khép kín hoặc lập dị, vô cảm trước cái xấu, thụ động trước sự thay đổi của hoàn cảnh...
Biện pháp tốt nhất là dùng sức mạnh tập thể, tổ chức các hoạt động thiết thực và tình cảm lành mạnh để chuyển hóa các xu hướng đó theo hướng tích cực.
Thứ 2: Chúng ta cần hiểu học sinh để có những tác động đúng, nếu không việc giáo dục kỹ năng sống sẽ trở nên xơ cứng, hình thức, thậm chí phản tác dụng.
Hiểu học sinh, tạo sự hấp dẫn và kích thích hứng thú... là cơ sở để lập kế hoạch giáo dục kỹ năng sống, chỉ đạo hoạt động chủ nhiệm, phát huy sức mạnh từ các lực lượng giáo dục.
Trong kế hoạch, tên gọi của các chủ điểm, khẩu hiệu cho một hành động cần có tính thôi thúc, đập mạnh vào nhận thức, mang lại ấn tượng và sự cổ vũ cao. Ví dụ: “Tầm nhìn 2015, năm 2015 tôi là ai?”,“Tập vở nhỏ cho một tình bạn lớn”...
Mặt khác, tạo ra các hoạt động mang tính truyền thống trong kế hoạch. Đó là các hoạt động được lặp lại, tiếp tục được làm mới theo từng năm học. Điều này giúp cho các kỹ năng sống của học sinh được dịp củng cố, được bồi dưỡng bổ xung và nâng cao.
Thứ 3: Trong một thế giới phẳng, tràn ngập thông tin, đầy biến động với nhiều thay đổi, nhiều giá trị để lựa chọn. Rõ ràng, nhiều lúc học sinh phải tự mình quyết định và tự chịu trách nhiệm.
Nếu học sinh có kỹ năng giao tiếp làm mũi nhọn, các em sẽ có nhiều cơ hội để chia sẻ, điều chỉnh và do đó sẽ có nhiều khả năng hành động theo nhận thức, đáp ứng được thách thức của cuộc sống.
Thứ 4: Từ thực tế tổ chức giáo dục kỹ năng sống, thấy rằng, vai trò của giáo viên chủ nhiệm là hàng đầu; giáo viên bộ môn có vai trò tạo mối liên kết và củng cố các biện pháp;
Lớp học thân thiện là môi trường sống cơ bản của học sinh trong trường học; hoạt động tập thể có tác dụng tập và rèn luyện các kỹ năng giải quyết các tình huống; cha mẹ học sinh phải thường xuyên trực tiếp kiểm tra và uốn nắn.
Thứ 5: Giáo dục kỹ năng sống muốn thành công cần phải có sự nhận thức đúng đắn và thống nhất từ các lực lượng giáo dục, trước hết là từ đội ngũ thầy cô giáo.
Nhà trường phải tích cực bồi dưỡng nghiệp vụ giáo dục kỹ năng sống cho giáo viên dưới nhiều hình thức: giải quyết tình huống sư phạm, mở câu lạc bộ kỹ năng, chia sẻ tài nguyên kỹ năng sống…
Thứ 6: Điểm mấu chốt là tạo quỹ thời gian cho hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Việc tập trung cho chuyên môn, sự quá tải của hoạt động dạy học luôn làm cho giáo viên và học sinh căng thẳng, mệt mỏi và không muốn tham gia các hoạt động khác.
Dạy người thông qua dạy chữ, đôi khi bị biến chất thành dạy chữ là quan trọng, là chủ yếu! Để có quỹ thời gian, có thể tận dụng rất hiệu quả các tiết sinh hoạt dưới cờ, tiết sinh hoạt chủ nhiệm.
Bên cạnh đó, lập và chi tiết hóa ngay từ đầu các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho một năm học. Tính hệ thống và hợp lý của kế hoạch đã tiết kiệm được thời gian, giúp cho mọi người tham gia một cách chủ động.