Tuần trước, Công an TP Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân.
Cụ thể, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Vụ việc đang được Công an TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo đúng quy định pháp luật. Tuy vậy, bài học bước đầu mỗi người có thể rút ra là cần ý thức về giới hạn của quyền tự do ngôn luận và sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, hợp lý.
Lợi ích của Internet và mạng xã hội trong kết nối quan hệ, xây dựng các diễn đàn xã hội và chia sẻ thông tin là không thể phủ nhận. Ở trên các nền tảng xã hội, từng người dùng không chỉ thụ động tiếp nhận thông tin mà còn trở thành người sáng tạo, phổ biến thông tin.
Điều quan trọng là mỗi cá nhân cần biết cách sử dụng mạng xã hội một cách văn minh, hợp lý, có lợi cho sự phát triển của bản thân; đồng thời không sử dụng mạng xã hội vào mục đích xấu như xúc phạm, xỉ nhục, bôi nhọ, vu khống, phỉ báng người khác.
Dù ở không gian số hay trong đời sống thực, quyền tự do ngôn luận luôn gắn liền với trách nhiệm phát ngôn phù hợp với chuẩn mực xã hội và quy định của pháp luật, nếu đi ngược lại chắc chắn sẽ bị xử lý dù là ai chăng nữa.
Kiến thức và kỹ năng số không phải tự dưng mà có. Mỗi cá nhân cần tự trang bị và ngành Giáo dục cần quan tâm đào tạo cho học sinh, sinh viên những kỹ năng ứng xử trên không gian mạng, một loại kỹ năng mềm cần thiết trong thời đại 4.0.
Các em cần được hướng dẫn cách ứng xử đúng mực trên các nền tảng xã hội, biết cách bảo đảm quyền riêng tư cũng như an toàn dữ liệu cá nhân và không bị mất định hướng, lạc lối trong ma trận thông tin sai lệch trên không gian ảo.
Khi tin giả, thông tin sai lệch nở rộ trên mạng xã hội như nấm sau mưa, đặc biệt cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, giới trẻ cần có khả năng tự bảo vệ bản thân, biết phân biệt phải trái, đúng sai, không chia sẻ, phát tán những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng.
Hiện tại, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đang tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Hy vọng rằng, từ cuộc giám sát này, sự cấp thiết trong việc đào tạo kỹ năng số cho học sinh, sinh viên sẽ được đề cập và các giải pháp nhằm nâng cao khả năng sử dụng mạng xã hội của các em sẽ được làm rõ cũng như sớm triển khai trong thực tế.