Yếu tố quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục
Thông tư 26/2012/TT-BGDĐT ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên sau hơn 6 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế. Để nâng cao năng lực đội ngũ GV và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông, Cục Nhà giáo và CBQLGD (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Chương trình Phát triển các trường sư phạm đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, cập nhật những điểm mới phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, đối mặt với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong bồi dưỡng thường xuyên cho GV&CBQL cơ sở giáo dục phổ thông là một yếu tố quan trọng trong quá trình đổi mới giáo dục.
TS Đinh Tuấn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Học liệu, Viện Đại học Mở Hà Nội cho biết, việc ứng dụng CNTT trong công tác bồi dưỡng thường xuyên GV phổ thông, mầm non và giáo dục thường xuyên (GVPT, MN & GDTX) là một yếu tố quan trọng cho sự thành công của công tác này. Đây cũng là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong giai đoạn tới, với yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Đề án đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT giai đoạn từ nay đến 2020, sẽ có rất nhiều yêu cầu đặt ra với công tác bồi dưỡng thường xuyên cho 100% đội ngũ GVPT, MN & GDTX trên toàn quốc. Đây là một công việc nặng nề và cần tới những giải pháp giúp giảm thiểu chi phí, thời gian, khắc phục các nhược điểm phát sinh như hiện nay. Việc bồi dưỡng GV theo hình thức qua mạng sẽ là một lựa chọn hợp lý.
Nền tảng của một xã hội học tập
Thực tế ở Việt Nam những năm qua cho thấy, công tác tập huấn, bồi dưỡng GV chủ yếu được thực hiện theo hình thức trực tiếp, tập trung. Trong đó, Bộ GD&ĐT tổ chức các đợt tập huấn cho GV cốt cán làm báo cáo viên cho các khóa tập huấn mở rộng tại các địa phương.
Cách làm này đã góp phần nâng cao được nhận thức và năng lực của một bộ phận CBQL GV nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong việc nhân rộng, duy trì và hỗ trợ thường xuyên cho GV trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, do điều kiện tập huấn tập trung thường ngắn ngày nên vẫn chưa đủ thời gian để GV suy nghĩ, trao đổi và thảo luận sâu sắc về nội dung học tập. Các khóa tập huấn mở rộng tại địa phương cũng còn nhiều hạn chế vì không tránh khỏi tình trạng “biết một, dạy một” của báo cáo viên - những GV cốt cán tập huấn lại những điều họ vừa được học.
Ngoài ra, do phải tập trung một số lượng lớn GV từ các địa phương ở xa về địa điểm tập huấn nên cũng gây tốn kém về thời gian và kinh phí. Đặc biệt, việc tổ chức tập huấn song song cho nhiều đối tượng ở cùng một thời điểm sẽ gặp khó khăn và nhiều khi không thực hiện được.
Giáo viên phải là người tiên phong trong tiếp cận công nghệ mới (Các giáo viên tham gia tập huấn STEM) |
Hơn nữa, chu trình đổi mới, cập nhật của chương trình và sách giáo khoa cũng ngày càng được rút ngắn. Theo đó, nhu cầu được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của GV các cấp ngày càng lớn, điều này cũng đòi hỏi cần có một nguồn tài liệu đa dạng và có tính cập nhật thường xuyên.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, tập huấn GV theo E-learning với hình thức học kết hợp, học đảo chiều chính là đảm bảo các tiêu chí học tập: Vừa đủ, kịp thời, cá thể hóa, mọi lúc, mọi nơi, thường xuyên, liên tục, tiết kiệm chi phí.
Học qua mạng còn khắc phục được hiện tượng suy giảm chất lượng đào tạo qua các bậc của mô hình “đào tạo cán bộ đào tạo” (Training of Trainers). Bởi GV sẽ được học chủ động với những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực liên quan. Đặc biệt, sử dụng mạng trong học tập còn có tác động tức thì tới hình thành cộng đồng học tập và tác động lâu dài tới văn hóa chia sẻ, nền tảng của một xã hội học tập.
Tuy nhiên, việc xây dựng kịch bản dạy học, lựa chọn chiến lược sư phạm phù hợp cho một khóa bồi dưỡng E-learning có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng của khóa học, bởi có một sự khác biệt rất lớn đối với bài giảng trực tiếp và bài hướng dẫn học qua mạng. Trong quá trình hướng dẫn học, các báo cáo viên cần phải đánh giá hết sức khách quan, biết cách kích thích sự nhiệt tình của học viên qua những nhận xét, bình luận.
Sự kết hợp giữa Bộ GD&ĐT với các trường ĐHSP, các sở GD&ĐT cùng hệ thống báo cáo viên cấp Bộ, các GV cốt cán cần được tổ chức nhịp nhàng, theo kế hoạch và lộ trình thống nhất. Người học trong quá trình học qua mạng luôn cần được quản lý, đánh giá thường xuyên; sự trao đổi thông tin thường xuyên, liên tục giữa các thành phần tham gia và tổ chức khóa bồi dưỡng là hết sức cần thiết.
Số hóa tài liệu bồi dưỡng
Đồng tình với quan điểm cần phải khai thác triệt để sự phát triển của CNTT trong công tác bồi dưỡng thường xuyên cho GV phổ thông, TS Đinh Tuấn Long, cho rằng, các tài liệu chính thức phục vụ cho việc bồi dưỡng thường xuyên GVPT, MN & GDTX cần phải được tổ chức xây dựng và thẩm định nghiêm ngặt, đảm bảo các yếu tố về chất lượng và nội dung; cần được số hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn của hệ thống đào tạo bồi dưỡng và có khả năng tương thích với các loại thiết bị đa dạng: Máy tính, điện thoại, máy tính bảng; phù hợp với nội dung bồi dưỡng và tuân thủ theo các quy định của pháp luật: Luật Xuất bản, Luật Sở hữu Trí tuệ.
Trong hoạt động bồi dưỡng GV&CBQL, các cơ sở đào tạo, các trường sư phạm không chỉ đóng vai trò biên soạn tài liệu, chương trình bồi dưỡng, trực tiếp làm báo cáo viên cho các khóa bồi dưỡng như trước đây, mà còn phải là chủ thể tổ chức nghiên cứu, đánh giá năng lực đội ngũ, nhu cầu phát triển nghề nghiệp cùng với các địa phương, trường học…
Có thể nói là việc ứng dụng CNTT đúng cách sẽ mang lại nhiều lợi ích cho công tác bồi dưỡng thường xuyên GVPT, MN & GDTX, tuy nhiên để thực hiện thành công công tác này, việc đưa ra những hướng dẫn, cách thức tổ chức ứng dụng CNTT một cách thống nhất là điều cần thiết để mang lại hiệu quả cho công tác bồi dưỡng thường xuyên cho GVPT, MN & GDTX.