Giáo dục di sản qua sân khấu học đường: Kết nối điểm chạm giữa cổ và kim

GD&TĐ - Đạo diễn Ninh Quang Trường chia sẻ cùng Báo Giáo dục & Thời đại: “Vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” có nhiều diễn biến bất ngờ...

Các em học sinh hào hứng trải nghiệm “Tích tịch tình tang” cùng đạo diễn Ninh Quang Trường. Ảnh: Bình Thanh
Các em học sinh hào hứng trải nghiệm “Tích tịch tình tang” cùng đạo diễn Ninh Quang Trường. Ảnh: Bình Thanh

Chuyển soạn và viết kịch bản cho vở diễn “Thị Mầu xuyên không” được Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn tại rạp Kim Mã (Hà Nội), đạo diễn Ninh Quang Trường chia sẻ cùng Báo Giáo dục & Thời đại: “Vở chèo cổ “Quan Âm Thị Kính” có nhiều diễn biến bất ngờ. Chính yếu tố đó là chi tiết khiến chúng tôi nghĩ rằng sự gần gũi giữa tác phẩm với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật hiện nay có điểm chạm”.

- Vì sao anh lại đặt tên vở diễn là “Thị Mầu xuyên không” - một tên gọi quen mà lạ?

“Đối với thiếu nhi, có bài toán khó là các em khó có thể tiếp thu vở diễn truyền thống dài hơn 2 tiếng. Vậy nên cần một phiên bản gọn nhẹ về thời gian mà vẫn đầy đủ các chi tiết quan trọng nhất của bản diễn “Quan Âm Thị Kính” cùng những tương tác gần gũi, mới mẻ như ở “Thị Mầu xuyên không”. Bằng cách đó các bạn học sinh có thể hiểu, tiếp cận được nhiều hơn và yêu chèo hơn. Các phụ huynh cũng thấy vui khi con mình được tiếp cận với nghệ thuật truyền thống một cách mới mẻ và năng động như thế”. - Diễn viên Trần Ngát – Nhà hát Chèo Việt Nam

- Vì chương trình mong muốn có sự kết nối đưa các bạn học sinh ở thế giới hiện tại trở về thời phong kiến của tác phẩm gốc “Quan Âm Thị Kính”.

Ở đó có nhân vật Thị Mầu để các em đưa ra những so sánh, cảm nhận về sự khác nhau giữa 2 thời kỳ, trong đó có hoàn cảnh của người phụ nữ trong xã hội xưa và về sự tiến bộ của bây giờ. Khi thiết kế vở này, chúng tôi không can thiệp vào cốt truyện gốc vì đây thực sự là tác phẩm rất đặc sắc.

Nói như ngôn ngữ hiện đại, đây là tác phẩm vô cùng drama với nhiều diễn biến bất ngờ và chính yếu tố đó là chi tiết khiến chúng tôi nghĩ rằng sự gần gũi giữa “Quan Âm Thị Kính” với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của giai đoạn hiện tại có điểm chạm với nhau.

Việc của ê-kíp sáng tạo trong dự án này là biến một tác phẩm gần 3 tiếng trên sân khấu truyền thống trở thành tác phẩm chỉ khoảng 60 phút và có sự kết nối giữa các thế hệ, qua đó đưa ra góc nhìn, quan điểm của học sinh hiện tại. Thời lượng 60 phút là vừa vặn với khả năng cảm thụ của các em và qua đây nếu bạn nào thực sự quan tâm đến nghệ thuật truyền thống trong đó có nghệ thuật chèo thì có thể tìm xem vở diễn đầy đủ đang được Nhà hát chèo Việt Nam trình diễn. Đấy cũng là dụng ý của dự án.

- Anh đã làm thế nào để vừa không can thiệp kịch bản gốc mà vẫn rút gọn được hơn một nửa thời lượng khi chuyển soạn?

- Kịch bản gốc dài gần 3 tiếng có nhiều diễn biến trong mạch truyện nên chúng tôi phải lựa chọn những chi tiết chính và nó đảm bảo được tính thống nhất trong diễn biến câu chuyện. Kịch bản và cách dàn dựng của người xưa đi vào rất nhiều trò vè, những hoạt cảnh bổ trợ cho nội dung, không phải chi tiết chính. Khi đó, chúng tôi phải có những lựa chọn và đưa ra các kế hoạch khai thác khác nhau khi tiếp cận với tác phẩm đồ sộ như “Quan Âm Thị Kính”.

Dự án này tập trung khai thác xuyên suốt cuộc đời của Thị Kính, dẫn từ trước khi lấy chồng cho đến biến cố đi tu rồi tiếp tục mang nỗi oan với Thị Mầu, để đảm bảo tính kịch. Ở vở chèo cổ còn nhiều góc độ khác cần được khai thác và chúng tôi sẽ để dành cho các dự án sau như chuyện lệ làng hay những nhân vật khác để có nhiều góc nhìn hơn.

giao-duc-di-san-qua-san-khau-hoc-duong-6.jpg
Một cảnh các nhân vật “xuyên không” hai chiều cuốn hút khán giả. Ảnh: Bình Thanh

- “Quan Âm Thị Kính” là vở diễn truyền thống đã được nhiều đơn vị nghệ thuật dàn dựng, biểu diễn thường xuyên song chỉ người già đến xem là nhiều. Anh và ê-kíp sáng tạo có nghĩ đến cái khó đó không và bước qua như thế nào để đi đến mục tiêu đưa những vở diễn được khai thác từ vở chèo cổ này trở thành sản phẩm giáo dục di sản hiệu quả tới học đường?

- Ngay từ ban đầu khi triển khai dự án, chúng tôi xác định đây là tác phẩm dành cho học sinh – ưu tiên lứa tuổi từ 7 đến 15 cùng mục đích giáo dục di sản, đưa nghệ thuật chèo đến gần hơn với các em.

Chúng tôi đã tìm trong kho tàng nghệ thuật truyền thống của chèo có tác phẩm nào phù hợp thì lựa ra để chuyển soạn. Trong đó “Quan Âm Thị Kính” là tác phẩm có nhiều điểm chạm nhất và có đủ chất liệu để chuyển soạn, xây dựng thành vở mới vừa đảm bảo tính truyền thống mà vẫn có tính tương tác với thời đại hiện nay.

Chúng tôi không chỉ cắt ngắn về thời lượng như cách các chương trình trước đã từng làm mà còn đưa vào tuyến nhân vật mới, là 2 học sinh xuyên không vào thời xưa đồng thời các nhân vật truyền thống cũng xuyên không ra thế giới hiện tại để tạo sự gần gũi và có sự kết nối, giao lưu, đối chiếu. Nếu xem tác phẩm gốc, học sinh không hiểu được tại sao Thị Kính lại phải cải trang thành nam giới thì mới được đi tu hay vì sao Thị Mầu mang thai mà không dám nhận con của mình với anh Nô.

Những câu hỏi như thế nếu ở giai đoạn trước thì đấy là hiển nhiên trong xã hội nhưng ở giai đoạn này các em không hiểu. Vì thế, chúng tôi đưa vào những đối thoại: Xưa - nay, xã hội cũ - xã hội mới để các em nhìn nhận ở góc độ năm 2024 trước một tác phẩm gốc ở thời kỳ xưa cũ của dân tộc thì sẽ như thế nào.

Ngay từ khi đặt đề bài, ra ý tưởng, chúng tôi hướng đến các nhà trường, khả năng cảm thụ của học sinh. Chúng tôi xây dựng trên công thức đó, chứ không chỉ mang cái thứ mình sẵn có đến và yêu cầu mọi người thụ hưởng. Đấy là cách chúng tôi đưa tác phẩm này trở thành một tác phẩm giáo dục di sản, có sự kết nối chứ không đơn thuần chỉ là cắt ngắn tác phẩm.

giao-duc-di-san-qua-san-khau-hoc-duong-2.jpg
Đạo diễn Ninh Quang Trường.

- Từ việc chuyển soạn, viết kịch bản cho dự án, anh có băn khoăn, trăn trở gì không?

- Nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng không phải là từ khóa hot đối với học sinh cũng như các nhà trường hiện nay. Đấy là nỗi buồn rất lớn của chúng tôi đồng thời nó cũng thúc đẩy ê-kíp quyết tâm làm dự án này bằng được.

Bởi lẽ, nghệ sĩ thì rất tài năng, cha ông ta thì có những kho tàng tác phẩm sân khấu rất tuyệt vời tuy nhiên mấy chục năm nay chưa được khai thác một cách hiệu quả. Đấy là hiện thực mà chúng tôi buộc phải vươt qua trong dự án lần này và cũng là một trong những thể nghiệm đầu tiên.

Tôi nghĩ rằng, cứ phải làm, thử nghiệm và kết nối bằng sự chân thành thì hy vọng các em học sinh sẽ thích dự án lần này.

giao-duc-di-san-qua-san-khau-hoc-duong-5.jpg
Rạp Kim Mã rộn tiếng cười của trẻ thơ khi các em thưởng thức vở diễn “Thị Mầu xuyên không”. Ảnh: Bình Thanh

- Nhiều đơn vị nghệ thuật cũng đã có dự án đưa sân khấu đến học đường song tính bền vững chưa cao. Dự án này được anh và Nhà hát Chèo Việt Nam tính đến đường dài cho mình như thế nào?

- Với chúng tôi, một tác phẩm chưa đủ cho một dự án. Chúng tôi xây dựng một chương trình và chương trình đó không vỏn vẹn trong một vở diễn mà còn có gần chục hoạt động trải nghiệm khác sau đó. Những bổ sung ấy được chúng tôi nghiên cứu, xây dựng dựa trên kinh nghiệm cũng như các hiểu biết của mình về lĩnh vực giáo dục, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh.

Khi đến với một chương trình, khán giả vừa thưởng thức nghệ thuật vừa được tham gia nhiều hoạt động không chỉ chỉ để giải trí mà còn là những trải nghiệm, học hỏi, bổ sung kiến thức…

Chúng tôi có tổ chuyên môn và làm nội dung, có trách nhiệm đưa ra ý tưởng, cách thức để triển khai làm sao phù hợp nhất với nhu cầu tâm sinh lý cũng như đặc điểm giáo dục trong nhà trường để đưa tác phẩm chèo nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung đến gần hơn khán giả trẻ.

Ngay trong “Thị Mầu xuyên không”, chúng tôi lồng ghép nhiều kiến thức lịch sử, xã hội - thông qua 2 nhân vật mới. Đó là sự khác biệt, chứ không dừng lại ở một vở diễn ngắn.

Giai đoạn 1 chúng tôi sẽ biểu diễn cố định ở Rạp Kim Mã (số 1 Giang Văn Minh, Ba Đình, Hà Nội) theo hợp đồng với các trường đưa học sinh tới thưởng thức. Tôi có niềm tin rằng, dự án này với khởi đầu là vở diễn “Thị Mầu xuyên không” cùng trạm trải nghiệm “Tích tịch tình tang” sẽ thu hút và nhận được những phản hồi tốt từ các em.

- Trân trọng cảm ơn đạo diễn Ninh Quang Trường!

“Gia đình tôi rất yêu nghệ thuật truyền thống và muốn các con hiểu rồi dần yêu thích. Đây là nền, gốc để các con tiếp cận với đời sống hiện đại, tránh sự phát triển bị lệch lạc.

Rất cảm ơn chương trình có nhiều sáng tạo, phương pháp hiện đại để tiếp cận với các bạn nhỏ. Tôi mong rằng, chương trình sẽ được nhân rộng ra ngoài, không chỉ trong nhà hát mà đến với các trường học thì hiệu quả sẽ tốt hơn, sự lan tỏa rộng hơn, đến được cả với học sinh các trường ngoại thành.

Tôi cũng mong, bên cạnh việc phải chuẩn chỉ những nguyên tắc không được phép thay đổi thì chương trình cần có nhiều sáng tạo, phá cách nhiều hơn nữa, không nên quá áp đặt theo khuôn mẫu để dễ dàng tiếp cận hơn đến khán giả trẻ.

Ví dụ như ở chương trình này có trải nghiệm “Tích tịch tình tang” rất thú vị. Đây là hoạt động mở để các bạn nhỏ hiểu hơn về nền văn hóa dân tộc thông qua việc có thể sử dụng nhạc cụ truyền thống chơi nhiều bản nhạc hiện đại quen thuộc”. - Chị Phó Thanh Vân (Thạch Thất, Hà Nội)

Trong xu thế hội nhập quốc tế toàn cầu hóa, và thời kỳ chuyển đổi số, việc nhận diện văn hóa, giới thiệu những nét tinh hoa đặc sắc của nghệ thuật sân khấu truyền thống vô cùng quan trọng. Nghệ thuật chèo luôn biến đổi, làm mới mình qua hàng nghìn năm hình thành cho đến nay để đồng hành, tiếp cận tới nhiều đối tượng khán giả ở mọi thế hệ.

Từ nhận thức đó, chúng tôi xây dựng chương trình này để tiếp cận với thế hệ trẻ và giáo dục di sản bằng việc nghệ sĩ tương tác để giúp các em hiểu thêm những nét đặc trưng, tinh hoa quý giá của sân khấu truyền thống.

Trong đó có việc dùng chèo kết hợp với những thể loại sân khấu mới như đọc rap, âm nhạc mới để thế hệ trẻ hiểu rằng những vở chèo cổ như “Quan Âm Thị Kính” vẫn được gìn giữ từ làn điệu đến cấu trúc lớp trò, âm nhạc… song theo cách kể mới.

Thực ra, không phải giờ rap mới đọc được chèo mà ngày xưa các cụ đã có nhịp một là rap. Thế hệ sau kế thừa và biến đổi đưa yếu tố ngoại sinh vào kết hợp âm thanh và ánh sáng cùng sự tương tác kỹ thuật hiện đại công nghệ hôm nay để chèo được thắm thêm, cũng là một sự phát triển. - Đạo diễn, NSND Lê Tuấn Cường, quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.