Giáo dục di sản: Xin đừng “đao to búa lớn”

GD&TĐ - Di sản văn hoá - nguồn tài nguyên có giá trị lớn, là cơ hội để chúng ta xây dựng và phát huy mô hình học tập suốt đời. Những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều chính sách động viên, khuyến khích việc học tập thông qua công tác giáo dục di sản. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả học tập từ các tài nguyên này, trên thực tế vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn.

Cần có sự gắn kết giữa di sản và nhà trường trong công tác đưa kiến thức bảo tồn đến với học sinh
Cần có sự gắn kết giữa di sản và nhà trường trong công tác đưa kiến thức bảo tồn đến với học sinh

Khoảng cách giữa tiềm năng và thực tế

Theo thống kê mới nhất, cả nước hiện có 26 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận, thuộc các lĩnh vực như: Di sản thiên nhiên, di sản địa chất toàn cầu, di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu và di sản hỗn hợp. Đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá mang đến cơ hội học tập trong toàn cộng đồng.

Để phát huy những giá trị văn hóa đó, nhiều năm gần đây, Bộ VH,TT&DL, Bộ GD&ĐT và nhiều tổ chức xã hội khác đã tổ chức nhiều chương trình đồng thời hỗ trợ tích cực trong việc đưa di sản vào nhà trường đến gần hơn với học sinh, sinh viên. Các em học sinh, sinh viên được tiếp cận với những tri thức lịch sử, văn hoá, tự nhiên, xã hội hết sức thiết yếu. Điều này đã giúp cho người học lĩnh hội thêm nhiều kiến thức và tăng cường các kỹ năng trong cuộc sống. Chính vì vậy, việc chuẩn bị lựa chọn di sản phục vụ cho việc dạy một bài học cụ thể, hay theo một nội dung chuyên đề rất cần được gắn kết trên cơ sở thực tế.

Thực tế, những hoạt động tham quan, học tập ở các bảo tàng hiện nay vẫn chưa phát huy hết được những nguồn tài nguyên phong phú. Việc học tập tại các thiết chế văn hóa trong đó có hệ thống các di tích bảo tàng còn hạn chế. Nếu căn cứ vào số lượng du khách đến tham quan trong đó có học sinh, sinh viên thì khá đông, nhưng hiệu quả chưa cao.

Quá nhiều bất cập

Khách quan mà nói, các chương trình giáo dục di sản dù được tham khảo ý kiến của các chuyên gia cũng như có sự kết hợp chặt chẽ với các nhà trường, cơ sở giáo dục nhưng khi học sinh đến tham quan chỉ đi vòng vòng, chưa kịp tìm hiểu đã vội vã di chuyển sang điểm mới.

Rõ ràng việc giáo dục di sản tại các bảo tàng cũng như các thiết chế văn hóa mới chỉ dừng lại ở việc tham quan còn việc tìm hiểu sâu về giá trị lịch sử, văn hóa và những ứng dụng vẫn chưa được thực sự khai thác. Mặt khác, việc thuyết minh, hướng dẫn tại các bảo tàng hiện nay mới chỉ theo một khuôn mẫu chung chứ chưa tùy theo từng lứa tuổi. Thiết nghĩ, khi thực hiện công tác giáo dục di sản tại thực địa, những người tổ chức cần xác định trọng tâm cụ thể. Ví dụ, hoạt động giáo dục phải nghiên cứu cho từng lứa tuổi, đối tượng tham gia. Học sinh lớp 4 khác hoàn toàn với học sinh lớp 6, chương trình cho cùng cấp THCS thậm chí cũng khác nhau với đối tượng đầu và cuối cấp. Hoạt động giáo dục di sản không chỉ dừng ở việc cho các em lĩnh hội kiến thức, mà phải quan tâm đến cả cách tiếp nhận của mỗi đối tượng học sinh, không để các em tham gia một cách đối phó, dẫn đến hiệu quả gần như bằng 0.

Để phát huy hiệu quả của các di sản cũng như nâng cao chất lượng giáo dục di sản đối với các đối tượng học sinh cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ sở quản lý các di sản và các nhà trường. Bên cạnh việc xây dựng lịch trình, nội dung thuyết minh phù hợp thì việc khuyến khích học sinh tìm hiểu về các di sản sẽ giúp cho các em khắc sâu kiến thức thực tế hơn, thay vì viển vông với những lời giáo huấn đao to búa lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Mầm non Khong Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: NTCC

Ngăn chặn từ gốc bạo hành trẻ mầm non

GD&TĐ - Từ các vụ bạo hành trẻ mầm non ở một số cơ sở, nhóm lớp ngoài công lập gần đây, giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành được ngành Giáo dục tăng cường.