Giáo dục đạo đức, lối sống từ những điều gần gũi
Xác định triển khai dạy học trực tuyến không chỉ để giải quyết việc hoàn thành chương trình học, Trường tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) đặc biệt quan tâm đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục. Trong đó, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh được thực hiện thường xuyên, thông qua lồng ghép trong dạy học với các nội dung được thống nhất trong tổ chuyên môn trước khi triển khai.
Chia sẻ của Hiệu trưởng Hoàng Thị Bích Thu, dù dạy học trực tuyến nhưng thầy cô vẫn phối hợp cùng gia đình tăng cường giáo dục các kĩ năng cho học sinh phù hợp với lứa tuổi, từ giao tiếp, chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, ứng xử văn minh, thái độ, hành động, thói quen trong sinh hoạt hàng ngày,...
Thời gian qua, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động mang lại hiệu quả giáo dục tốt. Nhiều cuộc thi, dự án thu hút học sinh các khối lớp tham gia, lan tỏa ý nghĩa giáo dục tích cực, như: “Cùng em với sản phảm tái chế từ chai nhựa”, “Hành động đẹp, việc làm hay của em”, “Giới thiệu góc học tập của em”..., “Em tập làm Hướng dẫn viên du lịch”,…
Cô Hoàng Thị Bích Thu cho biết, cuộc thi “Cùng em với sản phảm tái chế từ chai nhựa” được thầy cô, cha mẹ phối hợp hướng dẫn học sinh tích cực. Các chai nhựa được học sinh khéo léo vẽ, cắt để tạo thành vật dụng trang trí sử dụng hàng ngày; từ đó giáo dục các em ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa,...
Dự án “Hành động đẹp, việc làm hay của em” đã ghi lại những khoảnh khắc rất đời thực của học sinh, từ giúp mẹ nhặt rau, rửa bát, lau dọn nhà cửa, tưới cây, chơi với em, giới thiệu và nấu một món ăn đơn giản, ngủ dậy đúng giờ, luyện tập thể thao, vui chơi,... Từ đó nhân rộng, giáo dục học sinh tham gia rất nhiều các hoạt động tích cực rèn luyện nhiều thói quen hành động tốt đẹp trong cuộc sống.
Cuộc thi “Giới thiệu góc học tập của em” giúp học sinh tích cực duy trì, rèn luyện thói quen nền nếp ngăn nắp, gọn gàng…
Cô Hoàng Thị Bích Thu cho rằng, trong điều kiện dịch bệnh, học sinh phải học trực tuyến, để triển khai hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, yếu tố quan trọng nhất là Ban giám hiệu nhà trường định hướng, trao đổi bàn bạc thống nhất tạo sự đồng thuận trong đội ngũ thầy cô giáo, nhìn ra những thực tế hạn chế của học sinh cần được quan tâm giáo dục.
Bên cạnh đó, cần thống nhất yêu cầu trọng tâm, đổi mới, sáng tạo trong triển khai tổ chức các hoạt động, thu hút nhiều học sinh tham gia, hướng tới các hoạt động thực hành thói quen tốt cho học sinh.
Mỗi thầy cô chủ động phối hợp tích cực với cha mẹ học sinh, để hướng dẫn, hỗ trợ, động viên, khích lệ học sinh; cả nhà trường và gia đình đều có trách nhiệm quan tâm tới nội dung này, chắc chắn hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn.
Lồng ghép giáo dục đạo đức, lối sống trong các hoạt động
Công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh luôn được chi ủy, lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Trãi (Thái Bình) xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong mục tiêu giáo dục học sinh toàn diện. Trong nhiều năm qua, nhà trường đã làm rất tốt công tác này với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng.
Cô Nguyễn Thị Huệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi cho biết: Từ năm học 2019-2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.
Nhiều thời điểm cán bộ, giáo viên, học sinh phải thực hiện giãn cách, không thể tổ chức các hoạt động tập trung đông người, kế hoạch giáo dục luôn có sự thay đổi tùy theo diễn biến của dịch bệnh, lúc thì thực hiện trực tiếp, lúc thì trực tuyến, khi lại kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến. Nguồn kinh phí phải tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh, nên kinh phí giành cho các hoạt động ngoại khóa có phần bị hạn chế.
Tuy nhiên, cô Huệ khẳng định: Các hoạt động giáo dục gặp nhiều khó khăn thì công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh càng cần coi trọng.
Trường THPT Nguyễn Trãi đã chủ động có những giải pháp triển khai với nhiều hình thức, thời gian linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Một trong số đó là chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức cho học sinh, linh hoạt về thời gian và đa dạng hình thức tổ chức.
Cụ thể: Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhà trường tận dụng điều kiện thuận lợi tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Trong năm 2020, nhiều hoạt động ý nghĩa, được tổ chức, như: Hội trại mùa xuân, Cuộc thi vẻ đẹp học đường, thi Rung chuông vàng; năm 2021, tổ chức giải bóng đá nam cho học sinh.
Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các hoạt động, mittinh, tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm các này lễ lớn; mời chuyên gia chia sẻ về sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; mời báo cáo viên Hội luật gia Thái Bình chia sẻ trong hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật…
“Hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống vẫn được nhà trường tích hợp qua các bài giảng bộ môn Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân; lồng ghép vào các hoạt động ngoại khóa và trên lớp; qua triển khai các phong trào tương thân, tương ái... Bên cạnh đó, học sinh còn tham gia các cuộc thi trên Internet; tham gia lao động vệ sinh toàn trường, lớp học thường xuyên, định kỳ.
Nhà trường cũng tăng cường các hoạt động tuyên truyền trên loa phát thanh của trường vào 15 phút đầu giờ hàng ngày. Phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm, mỗi thầy cô là một tuyên truyền viên tích cực qua các giờ sinh hoạt lớp, trang bị cho các em những hiểu biết kiến thức, kĩ năng xử lý các tình huống trong thực tế cuộc sống” - cô Nguyễn Thị Huệ chia sẻ.
Yếu tố quan trọng nhất để triển khai có hiệu quả công tác này, theo cô Nguyễn Thị Huệ, chi ủy, ban giám hiệu, cán bộ, giáo viên nhà trường cần nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức học sinh. Cùng với đó là sự thống nhất về chủ trương, sự đồng thuận của hội đồng giáo dục, của cha mẹ học sinh. Tiếp đến, xây dựng kế hoạch cụ thể, linh hoạt, đa dạng, sáng tạo trong việc tổ chức các hoạt động phù hợp với diễn biến thực tế của dịch bệnh, đảm bảo an toàn, hiệu quả.