Lồng ghép giáo dục đạo đức lối sống qua hình thức học trực tuyến

GD&TĐ - Thông qua qua hình thức học tập trực tuyến, trường học ở Cần Thơ đã linh hoạt đổi mới, lồng ghép giáo dục đạo đức học sinh để rèn kỹ năng ứng xử, giao tiếp, trao đổi, tương tác với bạn bè, thầy cô.

Học sinh Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) trong giờ học trực tuyến.
Học sinh Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) trong giờ học trực tuyến.

Đa dạng hình thức giáo dục đạo đức qua hình thức học trực tuyến

Những năm qua các trường học trên địa bàn thành phố Cần Thơ luôn thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống, ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh.

Trong đó chú trọng xây dựng nội dung, phương pháp giáo dục phong phú, đa dạng, phù hợp với thực tiễn. Kịp thời phát hiện, xây dựng, khen thưởng và nhân rộng các mô hình hay từ giáo viên chủ nhiệm, cách làm sáng tạo, cá nhân xuất sắc trong học tập và làm theo Bác.

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các trường học cũng chủ động đổi mới hình thức, chú trọng áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đội, tạo tính hấp dẫn, thu hút đông đảo đội viên tự giác tham gia.

Thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) chia sẻ: “Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động học tập, ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.

Đồng thời tổ chức cho các em tham gia các hoạt động tập thể để  tự tin và mạnh dạn hơn, biết phân biệt và bảo vệ bản thân nhiều hơn.

Các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp muốn hiệu quả phải thực hiện trực tiếp. Trong điều kiện dịch bệnh, nhà trường dạy học online nên các hoạt động này hiện tại chưa thực hiện theo kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, việc trang bị các kỹ năng cho học sinh vẫn được nhà trường, giáo viên lồng ghép thường xuyên trong các tiết học trực tuyến. Trước hết là giúp các em hình thành và rèn khả năng tự học, tự quản lý thời gian.

Đồng thời giúp các em biết ứng xử, giao tiếp, trao đổi, tương tác với bạn bè, thầy cô qua trực tuyến, biết tìm kiếm thông tin phù hợp trên mạng Internet, sử dụng mạng xã hội đúng cách, phù hợp với mục đích học tập, giao lưu với bạn bè và chia sẻ với thầy cô.

"Đây cũng là những kỹ năng rất quan trọng cho học sinh, đặc biệt là trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 và giáo dục hội nhập. Kể cả sau này dạy học trực tiếp với nhiều hoạt động, thì những kỹ năng trên vẫn có ý nghĩa và hỗ trợ học sinh rất nhiều trong học tập, cuộc sống", thầy Lộc nói.

Nhà trường chú trọng chăm lo cho nhóm học sinh yếu thế trong dịp tết nguyên đán.
Nhà trường chú trọng chăm lo cho nhóm học sinh yếu thế trong dịp tết nguyên đán.

Chủ động kết nối và nắm bắt tâm lý học sinh thông qua phụ huynh

Năm học 2021-2022, học sinh bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến, ở các khối lớp đầu cấp, học sinh mới vào trường còn bỡ ngỡ, nên việc học tập và rèn luyện của các em còn khó khăn.

Theo em Huỳnh Ngô Ái Vy, học sinh lớp 6 của trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh,  khi con vào lớp 6 học là lúc đại dịch COVID-19 bùng phát, nên  chưa đến trường trực tiếp.

"Con chỉ biết thầy cô qua trang mạng xã hội và học trực tuyến, nhưng con thấy, thầy cô rất nhiệt tình giảng dạy, thông qua từng bài giảng thầy cô dạy con về đạo đức, lối sống.

Trong giờ sinh hoạt chào cờ đầu tuần, giờ sinh hoạt lớp, đặc biệt là tiết học hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thầy cô luôn dạy chúng con từ cách học tập, tham gia các hoạt động tập thể, những kỹ năng trong cuộc sống, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, phụ giúp với cha mẹ công việc nhà,…", Vy nói.

Theo cô Nguyễn Thị Kiều Diễm, Giáo viên chủ nhiệm lớp 6A1 của Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh,  thông qua số điện thoại hoặc zalo, giáo viên chủ động liên hệ phụ huynh để nắm rõ hoàn cảnh gia đình, cá tính, năng lực, quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

Từ đó, có thể đánh giá sự tiến bộ để tạo động lực cố gắng đạt kết quả tốt hơn của học sinh, hoặc nhìn thấy những dấu hiệu bất thường, biến đổi tâm sinh lý hoặc sự cố xảy ra nếu có, để kịp thời xử lý.

"Tôi nhận thức rằng sản phẩm giảng dạy mà chúng ta tạo ra không thể biết được chính xác kết quả như bao sản phẩm của các ngành nghề khác. Đặc biệt là sự hình thành phẩm chất đạo đức và ý thức học tập của các em, không phải một ngày, một buổi là có thể được", cô Diễm chia sẻ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.