Đổi mới truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống qua website, fanpage

GD&TĐ - Công tác giáo dục đạo đức lối sống ngày càng trở nên cần thiết, có ý nghĩa thiết thực trong việc rèn đức, luyện tài đối với học sinh, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0.

Học sinh Trường THCS Bái Tử Long, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh bên "Vườn hoa em chăm"
Học sinh Trường THCS Bái Tử Long, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh bên "Vườn hoa em chăm"

Trong thời gian qua, nhiều nhà trường tại Hải Phòng, Quảng Ninh đã đổi mới các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho học sinh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Sân chơi bổ ích

Cô Lương Thuỳ Nga- Hiệu trưởng Trường THCS Bái Tử Long, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh cho hay: Nhà trường thực hiện việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh qua việc tích hợp, lồng ghép các hoạt động với công tác giảng dạy chính khóa các môn học; hay các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp; chào cờ, sinh hoạt lớp, trải nghiệm sáng tạo... đem đến cho học sinh nhiều sân chơi bổ ích, hấp dẫn.

Trường THCS Bái Tử Long có trên 1.100 học sinh. Ngoài việc giáo dục văn hoá cho các em, thì công tác gíao dục đạo đức, lối sống cho học sinh được quan tâm phát triển. Trường phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể khác trong và ngoài nhà trường tổ chức các hoạt động về nguồn, nói chuyện truyền thống, viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp hương tri ân.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, nhà trường tổ chức, hướng dẫn, vận động, thu hút học sinh tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, học tập thông qua các hoạt động như: Ngày hội văn hóa đọc -Tìm hiểu truyền thống và lịch sử của Thành phố Cẩm Phả; Tìm hiểu lịch sử 90 năm vinh quang Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu thành phố Cẩm Phả 10 năm xây dựng và phát triển.

Lứa tuổi học sinh THCS, các em thường có biểu hiện tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử. Nắm được thực trạng này, Trường THCS Bái Tử Long đã thực hiện tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong một số môn học chính khóa theo chương trình quy định. Giáo dục, tuyên truyền thông qua hoạt động ngoại khóa: Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, nói chuyện chuyên đề trong giờ sinh hoạt lớp và chào cờ.

Song song đó, Trường tuyên truyền thông qua website, trên fanpage Liên đội trường. Đặc biệt, chú trọng việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh để giáo dục về phòng, chống tác hại của thuốc lá. 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh ký cam kết thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và thực hiện tốt việc cam kết trường học không khói thuốc. Vì thế, theo chia sẻ của cô Nga, nhà trường không có hiện tượng tàng trữ, sử dụng thuốc lá điện tử. Học sinh có ý thức và biết bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Những giờ sinh hoạt ngoại khóa bổ ích của học sinh Trường THCS Bái Tử Long
Những giờ sinh hoạt ngoại khóa bổ ích của học sinh Trường THCS Bái Tử Long

Trường THCS Bái Tử Long đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn tâm lý học đường. Trường đã bố trí cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm để thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh. Cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn cho học sinh là người am hiểu đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, có kiến thức và kĩ năng chuyên môn, bề dày kinh nghiệm, vốn sống.

Các nội dung tư vấn học đường như: tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản; tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa. Đặc biệt, nội dung giáo dục giới tính được triển khai bằng những hoạt động dạy học phù hợp trong bộ môn Sinh học. 

Để đổi mới, đa dạng các hình thức giáo dục học sinh, Trường THCS Bái Tử Long đã chỉ đạo cán bộ phụ trách Ðội và Ban Chỉ huy Liên Ðội đổi mới, đa dạng các hoạt động, góp phần thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện của thiếu nhi.

Nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa được triển khai như: chương trình "Tết chia sẻ yêu thương" trong nhà trường và trường Tiểu học Thanh Lân Cô Tô- Liên đội kết nghĩa nhân dịp Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022; Sinh hoạt chuyên đề với nội dung:” Phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em” lồng ghép tuyên truyền “ Vui xuân an toàn- phòng chống dịch covid 19”, “Noi gương Anh bộ đội Cụ Hồ"; Hưởng ứng phong trào”Tuổi trẻ với mùa xuân biên giới” năm 2022; Tham gia cuộc thi viết tìm hiểu, tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử “ Tự hào là công dân Cẩm Phả”...

Liên đội nhà trường xây dựng và duy trì các mô hình hoạt động “Cổng trường an toàn giao thông”; chú trọng nhắc nhở thiếu nhi thực hiện nghiêm nền nếp học đường, giữ kỷ luật trong giờ học, trung thực trong thi cử; định hướng cho thiếu nhi ý thức “Học đi đôi với hành”, “Học đều, học chăm”. Các hoạt động công tác Ðội đều mang tính giáo dục, rèn luyện, góp phần rất to lớn trong việc giáo dục toàn diện học sinh.

Giúp trò phát triển toàn diện

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các nhà trường trên địa bàn thành phố Hải Phòng  linh hoạt các hình thức dạy học để đảm bảo an toàn dịch tễ. Tranh thủ thời gian vàng học sinh học trực tiếp tại trường, không chỉ cung cấp kiến thức văn hoá, Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Ngô Quyền) chú trọng đến việc rèn đạo đức, lối sống cho học sinh qua các hình thức cụ thể.

Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng nhà trường, thời gian học sinh được học trực tiếp tại trường với mô hình 2 buổi/ngày các em được tham gia nhiều hoạt động. Các hoạt động ngoại khoá được tổ chức trong khuôn viên lớp học, trường học để đảm bảo công tác phòng dịch. Theo các chủ đề tháng, trò được tìm hiểu về Ngày Nhà giáo Việt Nam; ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; Ngày thương binh liệt sĩ… Qua những hoạt động đó, thầy cô giáo dục trò về “tôn sự trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.

Chương trình ngoại khóa bổ ích sẽ giúp học sinh bồi đắp tâm hồn, hình thành nhân sinh quan lành mạnh
Chương trình ngoại khóa bổ ích sẽ giúp học sinh bồi đắp tâm hồn, hình thành nhân sinh quan lành mạnh

Khi trò học online ở nhà, qua các nhóm Zalo thầy cô phổ biến cho các em kiến thức phòng dịch, nội quy lớp học trực tuyến; dành thời gian đầu và cuối tiết học để nắm bắt tình hình của lớp. Những hiện tượng bất thường về sức khoẻ, tâm lý của học sinh được thầy cô chấn chỉnh và giáo dục kịp thời. Những phong trào thi đua của trường, lớp; các cuộc thi theo chủ đề được phát động đến học sinh toàn trường. Qua nhóm lớp, học sinh báo cáo sản phẩm và gửi bài thu hoạch cho thầy cô sau những tiết hoạt động onilne.

Em Tạ Anh Đức, lớp 9D4 chia sẻ, được học tại trường em và các bạn sẽ có nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp bổ ích. Qua các tiết sinh hoạt lớp, hoạt động tập thể chúng em được vui chơi thoải mái sau nhưng giờ miệt mài học văn hoá. Từ những tiết học đó, thầy trò, bạn bè được giao lưu học hỏi những kỹ năng và điều hay trong cuộc sống.

Với lứa tuổi học trò chúng em, còn nhiều cái mới, lạ, hấp hẫn và thu hút sự khám phá. Nếu không có sự định hướng giáo dục của thầy cô và gia đình dễ dẫn đến những suy nghĩ và hành động lệch lạc.

Sự quan tâm, sẻ chia của thầy cô Trường Tiểu học Trần Phú, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tới học sinh trong dịp Trung thu
Sự quan tâm, sẻ chia của thầy cô Trường Tiểu học Trần Phú, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh tới học sinh trong dịp Trung thu

Thầy giáo Nguyễn Trung Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh choa hay, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đã có chương trình kế hoạch theo từng năm học với các chủ đề, chủ điểm theo hoạt động từng tháng. Hơn nữa, trong quá trình dạy học các môn thầy cô luôn lồng ghép những nội dung, hoạt động giáo dục học sinh.

Để học sinh có những trải nghiệm, bài học và kỹ năng thực tế, nhà trường thường xuyên cho các em đi thăm quan, viếng nghĩa trang liệt sĩ, thăm tặng quà các gia đình chính sách, các bạn học sinh nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?